11
/
150979
Sử dụng giảng viên nước ngoài có thành xu hướng?
su-dung-giang-vien-nuoc-ngoai-co-thanh-xu-huong
news

Sử dụng giảng viên nước ngoài có thành xu hướng?

Thứ 4, 26/07/2023 | 10:30:00
2,224 lượt xem

Sử dụng giảng viên người nước ngoài trong chương trình giảng dạy sẽ giúp người học hội nhập quốc tế tốt hơn.

Giảng viên người nước ngoài tham gia giảng dạy tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM. Ảnh: UEF 

Đồng thời đáp ứng được yêu cầu quốc tế hóa giáo dục. Việc này sẽ thành xu hướng ở các trường đại học trong nước?

Phổ biến ở nhiều trường

Là trường đại học theo mô hình tư thục, phi lợi nhuận, Trường ĐH Fulbright Việt Nam (FUV) thu hút đông đảo giảng viên là người nước ngoài. Hiện, trong danh sách Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Ban quản lý, giảng viên đại học - cao học, giảng viên thỉnh giảng của trường, có gần một nửa là người nước ngoài.

FUV từng có mô hình học “Block plan”, tức tại mỗi thời điểm sinh viên chỉ học và làm bài tập một môn, khoảng 3 giờ mỗi ngày trong vòng 4 tuần. Mô hình này có lợi thế là những giáo sư, chuyên gia đầu ngành ở các trường đại học hàng đầu thế giới không thể cam kết đến làm giảng viên toàn thời gian ở trường nhưng có thể dành từ 2 - 4 tuần để tham gia dạy những môn học đó.

Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam (BUV) hiện có 58 giảng viên người nước ngoài đến từ nhiều quốc gia. Trong đó, 26 người là tiến sĩ, 32 người là thạc sĩ. Tất cả đều có kinh nghiệm giảng dạy tại nhiều cơ sở giáo dục đào tạo trong và ngoài nước, tốt nghiệp từ các trường đại học trên thế giới.

Không chỉ trường đại học mang tính quốc tế, việc sử dụng giảng viên người nước ngoài còn được nhiều trường đại học tư thục trong nước thực hiện. Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) hiện có khoảng 50 giảng viên nước ngoài, trình độ phần lớn từ thạc sĩ trở lên. Họ được chia làm 2 nhóm: Giảng viên tiếng Anh kỹ năng và giảng viên chuyên ngành.

Giảng viên dạy tiếng Anh với trình độ cử nhân trở lên và phải đạt chứng chỉ TESOL/TEFL/TESL hoặc CELTA. Đây là nhóm giảng viên nước ngoài đông nhất. Đối với giảng viên giảng dạy chuyên ngành, nhà trường yêu cầu phải từ học vị thạc sĩ trở lên. Nhóm giảng viên này đa phần dạy chuyên ngành liên quan đến kinh tế, tài chính.

“Họ có kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế tại nhiều nước nên cách truyền thụ kiến thức cũng như giảng dạy sát với chương trình đào tạo quốc tế. Cách dạy và học cũng mang tính tương tác cao, đề cao tư duy phản biện trong học tập và giải quyết vấn đề”, TS Lộc nhìn nhận.

TS Đỗ Hữu Nguyên Lộc, Phó Hiệu trưởng UEF, cho biết, với định hướng là trường đại học theo chuẩn quốc tế, chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng chuẩn quốc tế hoặc nhập khẩu hoàn toàn 100%, giảng viên nước ngoài đóng vai trò quan trọng.

Tại Trường ĐH Gia Định (GDU), sinh viên chương trình tài năng (xây dựng từ năm 2022) được học với các lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia, giảng viên nước ngoài. Tỷ lệ giảng viên nước ngoài chiếm khoảng 10%, định mức giảng dạy 12 - 15 tiết/tuần. Đội ngũ này đóng vai trò quan trọng trong việc giảng dạy, giúp sinh viên trau dồi ngoại ngữ, nắm kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm và xu thế ở thị trường quốc tế.

Ở trường đại học tư thục khác như Quốc tế Miền Đông (Bình Dương), Quốc tế Hồng Bàng (TPHCM), Quốc tế Sài Gòn, nhiều ngành cũng có sự tham gia giảng dạy của người nước ngoài.

Thậm chí ở khối đại học công lập, nhiều trường cũng mạnh dạn tuyển và sử dụng giảng viên nước ngoài. Chẳng hạn, nhiều năm nay, Trường ĐH Tôn Đức Thắng liên tục mở rộng việc tuyển dụng giảng viên, nghiên cứu viên quốc tế.

Theo Viện Hợp tác, đào tạo và nghiên cứu quốc tế (Trường ĐH Tôn Đức Thắng), có khoảng 200 giảng viên, nghiên cứu viên quốc tế, đến từ Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Anh Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… thường xuyên làm việc tại trường. Nhiều người trong số họ tiếp tục giới thiệu bạn bè, đồng nghiệp cũ đến “đầu quân” cho trường.

Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM), nhiều khoa thuộc nhóm ngành ngoại ngữ hay nghiên cứu về các nước đều có giảng viên nước ngoài thỉnh giảng. Cụ thể, Khoa Hàn Quốc học, ngoài 20 cán bộ, giảng viên cơ hữu còn có 6 giáo sư là người Hàn Quốc.

Giảng viên quốc tế giảng dạy tại Trường ĐH Fulbright Việt Nam. Ảnh: FUV 

Lựa chọn của tương lai

TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Chương trình tài năng GDU, cho rằng, sử dụng giảng viên người nước ngoài sẽ trở thành xu hướng mà các trường đại học hướng tới. Việc này giúp sinh viên được mở mang kiến thức, lắng nghe kinh nghiệm trên thế giới, những câu chuyện thực tế toàn cầu đang diễn ra như thế nào. Sinh viên cũng có thêm mối liên hệ với chuyên gia, mở ra cơ hội giao lưu quốc tế. Định hướng dài hạn của GDU là tăng số lượng giảng viên nước ngoài, ký kết hợp tác với nhiều trường đại học quốc tế.

“Những buổi học này là luồng không khí mới cho sinh viên, giúp tiếp cận nhanh với thị trường làm việc không chỉ trong nước và quốc tế, từ đó dễ dàng tìm kiếm học bổng quốc tế hoặc cơ hội việc làm ở tập đoàn quốc tế, công ty đa quốc gia”, TS Toàn nhận định.

TS Đỗ Hữu Nguyên Lộc, Phó Hiệu trưởng UEF, cũng có góc nhìn tương tự khi cho rằng, giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy sẽ là xu hướng của giáo dục đại học Việt Nam. Điều này phù hợp với chủ trương của Bộ GD&ĐT là đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục.

Theo TS Lộc, quốc tế hóa giáo dục đại học đòi hỏi sự xuất hiện của 2 lực lượng là: Giảng viên quốc tế và sinh viên quốc tế. Bên cạnh đó, để các trường đại học nâng hạng trong bảng xếp hạng chất lượng trên thế giới thì chỉ số giảng viên nước ngoài cũng là một trong những tiêu chí quyết định.

“Việt Nam đang trên đà phát triển và hội nhập, sự đầu tư của công ty, tập đoàn đa quốc gia đến từ nước ngoài ngày càng mạnh, đòi hỏi nguồn nhân sự trẻ đáp ứng được các kỹ năng của công dân toàn cầu. Từ đó, nhu cầu học tập, đào tạo trong môi trường quốc tế của sinh viên cũng tăng lên. Để đáp ứng chất lượng giảng dạy, chắc hẳn phải tăng cường đội ngũ giảng viên nước ngoài”, TS Lộc nói.

Chế độ tiền lương, đãi ngộ cho giảng viên nước ngoài thường cao hơn giảng viên trong nước. Họ được tạo mọi điều kiện để làm việc và cống hiến tốt nhất theo khả năng; được hỗ trợ về nhà ở, phương tiện đi lại, dịch vụ y tế và thủ tục pháp lý như visa, cư trú. Mọi điều kiện liên quan đến công việc, giảng viên người nước ngoài đều có thể thương lượng để giải quyết và thống nhất một cách thuận lợi. 

Theo Mạnh Tùng/ GD&TĐ

https://giaoducthoidai.vn/su-dung-giang-vien-nuoc-ngoai-co-thanh-xu-huong-post647996.html

  • Từ khóa

Giáo sư hàng đầu thế giới cảnh báo cẩn trọng với việc chạy đua thứ hạng

Giáo sư Lily Kong, Chủ tịch ĐH Quản lý Singapore (SMU) cho rằng, cần cẩn trọng với các bảng xếp hạng đại học bởi nhiều tiêu chí không phản ánh chất lượng...
08:29 - 28/04/2024
201 lượt xem

Sinh viên trường được doanh nghiệp "ưng nhất" khó đạt loại khá, giỏi?

Chỉ hơn 66% sinh viên của trường đại học được các nhà tuyển dụng phía Nam "ưng" nhất khi tuyển dụng xếp loại học lực khá, giỏi, xuất sắc.
08:43 - 27/04/2024
804 lượt xem

Bộ Công an ban hành đề thi tham khảo kỳ thi đánh giá năm 2024

Bộ Công an ban hành đề thi tham khảo nhằm giúp thí sinh có nguyện vọng đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá của Bộ Công an năm 2024 có căn cứ để nghiên cứu,...
15:33 - 26/04/2024
1,198 lượt xem

16 sinh viên học vượt tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM nhận bằng tốt nghiệp

Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM trao bằng tốt nghiệp cho 1.053 sinh viên, trong đó 16 SV học vượt (3,5 năm) với thành tích cao.
14:28 - 26/04/2024
1,237 lượt xem

Kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội được công nhận nhãn hiệu độc quyền

Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ vừa công nhận đăng ký nhãn hiệu HSA kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) theo quyết...
10:50 - 26/04/2024
1,316 lượt xem