11
/
150924
Sinh viên y ngồi hành lang bệnh viện nghe… thực hành
sinh-vien-y-ngoi-hanh-lang-benh-vien-nghe-thuc-hanh
news

Sinh viên y ngồi hành lang bệnh viện nghe… thực hành

Thứ 3, 25/07/2023 | 14:50:00
2,023 lượt xem

Nhiều trường ĐH được đào tạo bác sĩ, số lượng sinh viên theo học khối ngành này tăng mạnh, việc tìm kiếm bác sĩ hướng dẫn và cơ sở thực hành cũng trở nên khó khăn.

Điều này gây ra lo ngại về chất lượng đội ngũ bác sĩ ra trường khi sinh viên (SV) không được thực hành bài bản.

18 bệnh nhân có 82 SV thực tập

Chính phủ đã có Nghị định 111 (ban hành năm 2017) quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe. Theo nghị định này, tại cùng một thời điểm, một người dạy thực hành chỉ được giảng dạy không quá 5 người đối với đào tạo trình độ sau ĐH, không quá 10 người đối với đào tạo trình độ ĐH, không quá 15 người đối với đào tạo trình độ CĐ, trung cấp. Nghị định này cũng quy định yêu cầu đối với cơ sở thực hành, cụ thể tại cùng một thời điểm, mỗi khoa, phòng có không quá 3 người học thực hành trên 1 giường bệnh hoặc 1 ghế răng. Tổng thời lượng tham gia giảng dạy thực hành của tất cả người giảng dạy thực hành thuộc cơ sở thực hành tối thiểu là 20% và tối đa là 80% của tổng thời lượng chương trình thực hành.

Sinh viên năm thứ 2, thứ 4 ngành y khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM thực hành tại trường 

Tuy nhiên, con số thực tế đang cao hơn quy định này. GS-TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết cùng một thời điểm 1 phòng bệnh của 1 bệnh viện (BV) lớn tại TP.HCM có 18 bệnh nhân nhưng có tới 82 SV thực tập. Nếu chiếu theo quy định, cùng một thời điểm mỗi phòng không quá 3 SV thực hành trên 1 giường bệnh thì thực tế đã vượt gần 1/3.

Từng tham gia đưa SV đi thực tập, giảng viên một trường ĐH tại TP.HCM cũng cho biết thực tế số lượng SV tham gia nhóm thực tập tại BV khác nhau tùy trường. Trong khi có trường chỉ 2 - 3 SV/nhóm thì có trường 7 - 8 SV, thậm chí trên 10 SV/nhóm. Giảng viên này cho hay: "Có những bác sĩ đã phản ánh lại, với số lượng mỗi nhóm đông như vậy thì gần như SV chỉ có thể quan sát từ xa". Người này cũng chỉ ra bất cập khi các trường tăng quy mô đào tạo SV y khoa trong khi cơ sở thực hành không đủ đáp ứng, gây ảnh hưởng đến hoạt động thực hành lâm sàng của người học. "Nếu quy mô 1 lớp học 40 - 50 SV thì mọi việc được xử lý đơn giản, nhưng số lượng lên tới hàng trăm thì số giờ đi thực hành tăng lên rất nhiều. Trường gặp khó khăn khi tìm chỗ thực hành cho SV để đáp ứng theo đúng số giờ quy định", người này nói thêm.

GS-TS-BS Đặng Vạn Phước, Trưởng khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết ở những năm 1970 - 1980, mỗi bệnh nhân chỉ có 4 thành phần phụ trách: 1 bác sĩ chuyên khoa cấp 1, 1 SV y khoa năm thứ 6, 1 SV năm 4 và 1 SV năm 3. Nhưng nay, theo ông Phước, 1 bệnh nhân có trên 10 thành phần được phân công phụ trách nên gần như có những SV y khoa năm cuối không có điều kiện tiếp xúc với bệnh án. "SV y khoa năm thứ 6 không được cầm, không được viết bệnh án thì có đâu cơ hội trải qua giai đoạn huấn luyện quan trọng trước khi ra trường", ông Phước nói.

Theo GS-TS-BS Phước, SV y khoa trước khi ra trường cần vững kiến thức cơ bản, kiến thức y khoa và thành thục trong thực hành lâm sàng. Nếu số lượng người học vừa phải, 1 phòng bệnh 50 bệnh nhân mà có 20 SV thực tập với nhiều người hướng dẫn, sau quá trình chỉ dẫn tận tình, khi ra trường SV có thể nhập cuộc tốt. Một SV năm thứ 6 có thể được thực tập khám, hỏi bệnh, coi bệnh án, tham gia phụ mổ. Ngoài ra, SV còn được các bác sĩ chia sẻ kinh nghiệm giải quyết các tình huống xã hội cụ thể diễn ra trong quá trình khám chữa bệnh. Nhưng hiện nay cơ hội SV tiếp cận với việc thực hành bị hạn chế, thậm chí ngay các bệnh nhân còn phản ứng vì bị nhiều "bác sĩ thực tập" thăm khám nhiều lần trong ngày.

Có trường tuyển 800 - 1.000 SV/năm

GS-TS-BS Đặng Vạn Phước cho rằng hiện có sự bùng nổ các trường đào tạo về y khoa. Điều này một phần cũng xuất phát từ nhu cầu xã hội, số lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường y luôn cao. GS Phước còn chỉ ra việc chỉ tiêu tuyển rất lớn của một số trường. Có trường tuyển 100 chỉ tiêu, có trường 200, thậm chí có nơi lên tới 800 - 1.000 chỉ tiêu.

Bộ Y tế từng nêu tình trạng quá tải thực hành

Như đã nói, hiện nay mọi quy định về thực hành của SV ngành y đều được thực hiện theo Nghị định 111 ban hành năm 2017.

Để có nghị định này, năm 2016 Bộ Y tế có tờ trình với những con số thống kê cụ thể. Tại thời điểm đó, cả nước có khoảng 185 cơ sở giáo dục đào tạo về y, dược, trong đó có 41 cơ sở đào tạo trình độ ĐH, 53 cơ sở đào tạo trình độ CĐ và 91 cơ sở đào tạo trình độ trung cấp thuộc nhiều cơ quan chủ quản khác nhau như trực thuộc Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT, Bộ Quốc phòng hoặc trực thuộc UBND tỉnh, thành phố. Theo đó, nhu cầu SV cần thực hành trên toàn quốc khoảng 560.000 người.

Trong khi đó, thời điểm ban hành nghị định (năm 2017), cả nước có khoảng 13.700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ trung ương đến địa phương, tương ứng với khoảng 286.000 giường bệnh. Trong đó, có khoảng 210.000 giường bệnh tương ứng với hơn 70% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể tham gia vào việc thực hành đào tạo nhân lực y tế.

Tuy nhiên, nhu cầu về cơ sở thực hành phân bố không đồng đều do các cơ sở giáo dục đào tạo khối ngành sức khỏe chủ yếu lựa chọn các cơ sở thực hành là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trung ương hoặc tuyến tỉnh, đồng thời chủ yếu là các BV đa khoa hoặc chuyên khoa sâu, trong khi đó một số BV chuyên khoa như tâm thần, lao... có số lượng giường bệnh lớn có thể phục vụ cho việc đào tạo thực hành lại không có hoặc có số lượng rất ít SV đến thực hành.

Chính sự phân bố không đồng đều về nhu cầu cơ sở thực hành đã dẫn đến tình trạng một số BV trở thành cơ sở thực hành của nhiều trường y, dược và điều dưỡng ở nhiều trình độ khác nhau, cả công lập, ngoài công lập và tình trạng quá tải về tỷ lệ SV thực hành trên 1 giường bệnh tại một thời điểm. Bộ Y tế đã từng nhận định điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thực hành trong đào tạo nguồn nhân lực y tế.

Mỹ Quyên

So với việc đào tạo y khoa trên thế giới, GS Phước cho biết các trường rất kỹ về số lượng đầu vào khi mỗi năm chỉ tuyển 100 - 180 SV, nhiều lắm chỉ 200 SV/trường.

Cũng theo GS Đặng Vạn Phước, quy mô SV tăng trong khi số cơ sở thực hành không tăng nên nhiều trường cùng gửi SV vào 1 BV. Mỗi cơ sở thực hành hiện có SV của 5 - 6 trường cùng tham gia thực tập. Ngay cả BV Thống Nhất, nơi trước đây rất ít SV thực tập, thì nay cũng có 5 - 6 trường gửi SV. "Sự trùng lắp này làm cho chất lượng thực hành của SV bị giảm xuống. Cảnh một số SV ngồi hành lang BV nghe bác sĩ nói chuyện thực hành là một loại thực hành rất nguy hiểm", GS Phước lo ngại.

Sinh viên ngành y thực tập tại một bệnh viện tại TP.HCM 

Đào tạo nhưng không có bệnh viện thực hành

GS-TS-BS Đặng Vạn Phước chỉ ra rằng, nhược điểm lớn nhất của đào tạo y khoa tại VN hiện nay là đào tạo nhưng không có BV thực hành. Tại TP.HCM, hiện chỉ có Trường ĐH Y dược TP.HCM có BV, các đơn vị còn lại đều phải ký kết với các BV bên ngoài. Trong khi ở các nước khác, trường đào tạo y khoa phải có BV thực hành để phục vụ hoạt động học tập của SV.

Từ thực tế hướng dẫn SV tại BV, một bác sĩ trẻ tại TP.HCM cũng nhìn nhận: "Việc vượt quá số lượng SV tham gia theo quy định chắc chắn ảnh hưởng đến kết quả thực hành của người học. Sự ảnh hưởng không chỉ đến chuyên môn mà còn đến kỹ năng giao tiếp của người học với bệnh nhân. Số lượng quá đông, khả năng tiếp cận của SV với bệnh nhân khó. SV không thể thực hành kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hỏi bệnh, nói gì đến kỹ năng thăm khám lâm sàng. Chưa kể đến phản ứng ngược lại, số lượng SV nhiều, hỏi người bệnh nhiều trong khi bệnh nhân đang mệt, đau, không muốn trả lời nhiều, thành ra từ chối luôn SV". 

"Nên siết lại việc mở các trường và số lượng tuyển sinh. Đặc biệt có hiện tượng các trường tuyển SV nhưng không có giảng viên cơ hữu tại BV. Trường phải mượn bác sĩ của BV giảng dạy. Có khoa, bác sĩ nhiệt tình hướng dẫn SV nhưng cũng có khoa SV bơ vơ, không người hướng dẫn", bác sĩ trẻ này kiến nghị.

Theo Hà Ánh/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/sinh-vien-y-ngoi-hanh-lang-benh-vien-nghe-thuc-hanh-185230724210944043.htm

  • Từ khóa

Giáo sư hàng đầu thế giới cảnh báo cẩn trọng với việc chạy đua thứ hạng

Giáo sư Lily Kong, Chủ tịch ĐH Quản lý Singapore (SMU) cho rằng, cần cẩn trọng với các bảng xếp hạng đại học bởi nhiều tiêu chí không phản ánh chất lượng...
08:29 - 28/04/2024
328 lượt xem

Sinh viên trường được doanh nghiệp "ưng nhất" khó đạt loại khá, giỏi?

Chỉ hơn 66% sinh viên của trường đại học được các nhà tuyển dụng phía Nam "ưng" nhất khi tuyển dụng xếp loại học lực khá, giỏi, xuất sắc.
08:43 - 27/04/2024
927 lượt xem

Bộ Công an ban hành đề thi tham khảo kỳ thi đánh giá năm 2024

Bộ Công an ban hành đề thi tham khảo nhằm giúp thí sinh có nguyện vọng đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá của Bộ Công an năm 2024 có căn cứ để nghiên cứu,...
15:33 - 26/04/2024
1,323 lượt xem

16 sinh viên học vượt tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM nhận bằng tốt nghiệp

Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM trao bằng tốt nghiệp cho 1.053 sinh viên, trong đó 16 SV học vượt (3,5 năm) với thành tích cao.
14:28 - 26/04/2024
1,364 lượt xem

Kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội được công nhận nhãn hiệu độc quyền

Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ vừa công nhận đăng ký nhãn hiệu HSA kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) theo quyết...
10:50 - 26/04/2024
1,452 lượt xem