19
/
101408
Phim truyền hình Việt vì sao cứ bị chê “nhạt”?
phim-truyen-hinh-viet-vi-sao-cu-bi-che-nhat
news

Phim truyền hình Việt vì sao cứ bị chê “nhạt”?

Thứ 6, 04/12/2020 | 09:30:09
772 lượt xem

Ths Nguyễn Thị Hiền - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - cho biết: Trong năm 2020 (tính tới ngày 23.11), có tổng số 111.702 tập phim Việt được phát sóng trên các đài truyền hình nhưng chỉ có 4,3% số tập đạt được từ 100.000 khán giả trở lên ở 4 thành phố lớn là: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ. Số tập phim không có khán giả ở các thành phố này chiếm tới 50%, tương đương với 55.893 tập. Đây có thể xem là một minh chứng rõ nét rằng, phim Việt nhạt nhòa, thiếu sức hút trên sóng truyền hình

Bộ phim truyền hình “Cát đỏ” từng được kỳ vọng trở thành tác phẩm “bom tấn”. Ảnh: ĐPCC

Bộ phim truyền hình “Cát đỏ” từng được kỳ vọng trở thành tác phẩm “bom tấn”. Ảnh: ĐPCC

Năm 2017, phim “Sống chung với mẹ chồng” của đạo diễn Vũ Trường Khoa “gây bão” khi khai thác sâu chủ đề muôn thuở mẹ chồng - nàng dâu, gắn vào những vấn đề mang hơi thở thời đại. Cùng thời điểm, phim “Người phán xử” của 3 đạo diễn là Khải Anh, Mai Hiền và Danh Dũng cũng được khán giả đón nhận nồng nhiệt, tạo ra hiệu ứng với lượng rating “khủng”, mang lại cho VTV số tiền quảng cáo không nhỏ. Thời điểm đó, đây được xem là 2 “tuyệt phẩm” giúp lấy được niềm tin của khán giả dành cho phim truyền hình nội địa.

Liên tiếp sau đó các phim truyền hình thắng lớn đã góp phần đưa phim Việt lấy lại vị thế một thời, có thể kể đến “Quỳnh búp bê”, “Về nhà đi con” (VTV), “Gạo nếp gạo tẻ” (HTV2), “Gia đình là số 1” (HTV7), “Tiếng sét trong mưa” (THVL)... Cũng có thể nói rằng, khán giả Việt luôn yêu thích và dành cho phim Việt một vị trí quan trọng. Các bộ phim truyền hình Việt, chỉ cần tương đối chỉn chu về kịch bản, cách kể chuyện và diễn xuất đều được người xem đón nhận, ủng hộ. Điều này thể hiện ở chính số liệu đo lường khán giả xem truyền hình của Kantar Media Vietnam (KMV) với tỉ lệ khán giả xem phim Việt khá cao ở khắp các tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội là 32%, TPHCM 33%, Đà Nẵng 35% và Cần Thơ là 40%. Còn nếu tính riêng khán giả nữ độ tuổi 18 - 45, tỉ lệ khán giả xem phim truyền hình Việt cũng từ 25 đến hơn 40%.

Nhu cầu xem phim Việt lớn nhưng trên thực tế số lượng phim Việt mới chưa nhiều. Kết quả phân tích số liệu giai đoạn 2018 đến 2019 trên sóng các kênh truyền hình cho thấy, trong tổng số 3.842 tựa phim đã được phát, số tựa phim Việt chỉ chiếm 28,3%. Phim nước ngoài, trong đó Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông chiếm 31.1%, Hàn Quốc chiếm 18.1%, còn lại là phim đến từ nhiều quốc gia khác. Đó là chưa kể, số lượng những bộ phim đủ hấp dẫn khá ít.

Khán giả cũng có thể nhìn nhận thực tế, sau “Về nhà đi con” thì phim truyền hình đã giảm nhiệt, kể từ đầu năm 2020 chưa thực sự có “bom tấn” nào gây chú ý. Những “Sinh tử”, “Những ngày không quên”, “Lửa ấm”, “Cát đỏ”, “Trói buộc yêu thương”... chỉ ở mức xem được chứ không thực sự nổi bật. Một số như “Gạo nếp gạo tẻ” phần 2, “Gia đình là số 1” phần 3... từng được kỳ vọng sẽ tạo nên cơn sốt nhưng đã không tạo được hiệu ứng như mong đợi.

Lý giải về điều này, đạo diễn Mai Hiền cho biết, anh luôn cố gắng để giữ được chất lượng cũng như thương hiệu phim VFC: “Dịch COVID-19 khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn, không chỉ ngành truyền hình. Để có phim phát sóng không bị đứt đoạn, giữ được chất lượng thì cả tập thể phải tính toán, cân nhắc…”. Đạo diễn Mai Hiền cũng khẳng định, “khi mọi việc sớm cân bằng trở lại rồi, tôi tin là sẽ rất sớm thôi, năm 2021 sẽ có nhiều tác phẩm mà mọi người gọi là “bom tấn”. Hơn nữa, giờ mới tháng 11, khán giả hãy cứ chờ đợi thêm một chút nữa”.

Nhìn lại, đa phần các phim gây tiếng vang lớn trong thời gian qua đều khai thác đề tài gần gũi với cuộc sống như mẹ chồng nàng dâu, ngoại tình, tình yêu tay ba, mẹ ghẻ con chồng… Tuy nhiên, cứ khai thác mãi theo một lối mòn thì sẽ tạo nên sự nhàm chán. Đó chính là lý do khiến một số bộ phim ngay khi vừa phát sóng đã nhận những lời bình luận chê bai về nội dung, câu chuyện đề cập. Chưa kể, nhiều tác phẩm phim truyền hình gần đây đa phần có kịch bản cũ, nhạt nhòa, thậm chí là những câu chuyện phi thực tế. Phần lớn các bộ phim được phát trên sóng truyền hình đều là các phim cũ, phát đi phát lại nhiều lần, có những phim phát lại gần 30 lần. Một số phim ôm đồm quá nhiều vấn đề nhưng cách giải quyết luẩn quẩn, nhiều nhân vật được xây dựng gượng ép, không thuyết phục.

Với nhiều phương tiện giải trí như hiện nay, nếu đội ngũ sản xuất không tiếp tục tìm tòi, thay đổi cách thức sáng tạo thì sự gia tăng lượng khán giả bỏ xem phim truyền hình “quốc nội” chỉ là một sớm một chiều... - điều cả nhà sản xuất lẫn khán giả đều không mong muốn.

Theo Tiêu Phong/Lao động

https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/phim-truyen-hinh-viet-vi-sao-cu-bi-che-nhat-859514.ldo

  • Từ khóa

Công bố 100 tư liệu và hình ảnh về đường Trường Sơn huyền thoại

100 tư liệu, hình ảnh về đường Trường Sơn đã được trưng bày tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội trong triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ...
16:12 - 26/04/2024
345 lượt xem

Hải Phòng một ngày kêu gọi được 22 tỉ đồng cho Lễ hội Hoa Phượng Đỏ

Chỉ trong ngày đầu tiên gặp mặt kêu gọi các doanh nghiệp tài trợ cho Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, UBND thành phố Hải Phòng đã nhận được 22 tỉ đồng. Ngân sách...
15:20 - 26/04/2024
386 lượt xem

Thạch nhũ đẹp mê hồn bên trong hang động mới phát hiện tại Quảng Bình

Một hang động mới được phát hiện tại 'vương quốc hang động' Quảng Bình, với hệ thạch nhũ được đánh giá như những tấm thảm đẹp mê hồn.
15:43 - 26/04/2024
369 lượt xem

Bảo vật quốc gia: Hình tượng bảo vật trở thành biểu trưng của bảo tàng

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng lấy hình tượng vũ nữ Apsara Trà Kiệu trên phù điêu mới được công nhận là bảo vật quốc gia làm biểu trưng. Tuyệt tác điêu...
13:12 - 26/04/2024
445 lượt xem

Nghệ An sẽ có tượng Bác Hồ về thăm quê

Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ đề 'Bác Hồ về thăm quê' sẽ được đặt tại sân vận động Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An.
10:13 - 26/04/2024
499 lượt xem