Chưa đầy 1 năm nữa Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới bắt đầu thực hiện từ lớp 1. Đến thời điểm này phần lớn giáo viên vẫn đang lúng túng vì thời gian triển khai đã cận kề nhưng sách giáo khoa mới chưa thấy đâu.
Nhiều địa phương đang triển khai mô hình trường học mới tiệm cận với chương trình GDPT mới sắp tới. Ảnh: Nghiêm Huê
Thầy Trần Ngọc Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết, về cơ sở vật chất, trường đã đủ điều kiện để thực hiện dạy và học 2 buổi/ngày, giáo viên đã đạt từ chuẩn trở lên. Một trong những điểm khác biệt khi triển khai chương trình GDPT mới đó là ở bậc THCS có dạy tích hợp liên môn, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Từ hai năm qua, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, trường đã cho giáo viên dạy những môn như Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân xây dựng chương trình dạy học chung của nhà trường.
Cùng với đó, trường đưa vào hướng dẫn, tổ chức các hoạt động, tập huấn kỹ năng, thành lập các câu lạc bộ thể dục thể thao, âm nhạc, đưa học sinh đi tham gia các mô hình sản xuất của người dân. Đồng thời bỏ hình thức đọc trả bài như trước, thay vào đó chấm nhiều đầu điểm để đánh giá học sinh qua hoạt động trải nghiệm, bài tập về nhà...
Tuy nhiên, thầy Hà Văn Đồng dạy môn khoa học tự nhiên của trường nêu ra một số khó khăn khi chương trình mới có nhiều yêu cầu đòi hỏi các trường phải có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất.
Chương trình GDPT mới sẽ đưa môn tin học, ngoại ngữ 1 (tiếng Anh) trở thành môn học bắt buộc từ bậc tiểu học nên đội ngũ giáo viên cũng cần phải có sự chuẩn bị kịp thời. Ông Nguyễn Duy Hải, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Lâm Đồng) cho biết, tỉnh thuận lợi là đã có 74% trường tiểu học dạy học được 2 buổi/ngày, các trường đều triển khai dạy tin học và ngoại ngữ nên đội ngũ giáo viên của hai môn này hoàn toàn đủ để đáp ứng yêu cầu mới.
Toàn tỉnh có 62% trường tiểu học, cấp THCS có gần 20% số trường đang triển khai mô hình trường học mới. Cô Phan Thị Liên Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh Mỹ (Đơn Dương, Lâm Đồng) cho biết, sau khi tìm hiểu các giáo viên, ban giám hiệu nhà trường đều khẳng định mô hình trường học mới rất gần với chương trình GDPT mới.
PGS.TS.Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT) khẳng định, Bộ sẽ kế thừa những giá trị đã triển khai, thử nghiệm, nhằm hướng đến mục tiêu mới phát triển năng lực, phẩm chất người học trong chương trình mới. Nội dung các môn học sẽ hướng tới việc vận dụng, gần gũi với thực tiễn đời sống. Vì thế các mô hình, phương pháp dạy học tạo cơ hội cho học sinh học chủ động, tích cực, học qua trải nghiệm, thực nghiệm sẽ tiếp tục được phát huy.
Các trường có thể thiết kế thời khóa biểu theo kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh từng khối lớp và điều kiện dạy học của địa phương. Trong đó linh hoạt tổ chức các dự án học tập theo chủ đề liên môn. Những thành quả từ các phương pháp này là một trong các cơ sở thực tiễn để xây dựng chương trình GDPT mới.
Vẫn phải vừa chạy vừa xếp hàng
Trong khi đó, tại khu vực miền núi phía Bắc, do những đặc thù riêng nên việc triển khai thực hiện chương trình GDPT khó khăn hơn rất nhiều. Ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn cho biết, thách thức đầu tiên đối với các tỉnh miền núi đó là địa hình trường lớp chia cắt, quy mô trường lớp đều rất nhỏ. Môn học bắt buộc tăng (môn tin học, ngoại ngữ) nhưng định biên giáo viên không tăng.
“Với thực trạng hiện nay, giáo viên không thể dạy tiết 1 ở trường chính, tiết 2 chạy sang điểm trường để dạy. Vì khoảng cách quá xa. Môn tin học không thể di chuyển máy tính từ điểm trường chính về điểm lẻ dạy cho học sinh. Bắt học sinh chuyển cũng không được. Chúng tôi cũng đang căng mình để chuẩn bị thực hiện chương trình mới nhưng cũng có những cái khó, không biết giải quyết thế nào” - ông Quyên nói.
Cũng theo ông Ma Thế Quyên, cơ sở vật chất để thực hiện học 2 buổi/ngày cũng khó khăn nên phải “liệu cơm gắp mắm, vừa chạy vừa xếp hàng”.
Thiếu phòng học cũng là thách thức đối với các thành phố lớn hoặc ở nơi tập trung quá nhiều khu công nghiệp. Hưng Yên mới chỉ có 30% phòng học đáp ứng dạy 2 buổi/ngày, Tuyên Quang 44,5%, Đồng Nai là 30%. Cả nước còn thiếu khoảng 5.000 giáo viên tiếng Anh để thực hiện theo chương trình GDPT mới. Theo ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT), để giải quyết bất cập về cơ sở vật chất, Bộ đã chỉ đạo các địa phương xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, ưu tiên bảo đảm cho giáo dục tiểu học đủ mỗi lớp một phòng học. Ðối với các thành phố lớn và các địa phương tập trung đông dân cư, thiếu quỹ đất để xây thêm phòng học thì tùy từng trường hợp có thể lập phương án nâng tầng các công trình hiện có.
Theo Nghiêm Huê/Tiền phong