Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 chính là sự cảnh tỉnh, răn đe những tổ chức, cá nhân đang "lăm lăm" ý định chạy chức, chạy quyền.
Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Ban hành tại thời điểm các cấp ủy Đảng trên toàn quốc đang triển khai Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Quy định này được đánh giá là kịp thời để ngăn chặn tình trạng lộng quyền, lạm quyền trong công tác cán bộ và có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe những tổ chức, cá nhân đang có ý định chạy chức, chạy quyền.
Thận trọng hơn khi giới thiệu nhân sự
Quy định 205 nêu rõ: Đối với thành viên cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị phải thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của mình trong công tác cán bộ. Chịu trách nhiệm cá nhân trong việc đề xuất nhân sự và trong việc nhận xét, đánh giá, xác nhận hồ sơ, lý lịch, các giấy tờ có liên quan của nhân sự thuộc thẩm quyền phụ trách.
Với tư cách là thành viên, chịu trách nhiệm liên đới đối với từng quyết định không đúng về công tác cán bộ của tập thể lãnh đạo, trừ trường hợp đã có ý kiến không đồng ý trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ và báo cáo cấp có thẩm quyền bằng văn bản (hoặc ý kiến đã được ghi nhận trong biên bản cuộc họp).
Ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Đánh giá cao Quy định đã ràng buộc trách nhiệm người giới thiệu, tổ chức giới thiệu với người được giới thiệu vào các chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, song ông Lê Như Tiến- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lấy làm tiếc vì nếu Quy định này sớm được ban hành thì sẽ phần nào hạn chế được những vụ việc bê bối trong công tác cán bộ thời gian qua.
Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, hàng chục cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị kỷ luật Đảng và xử lý hình sự. Song, dường như chúng ta chưa thấy một cá nhân nào đứng ra nhận khuyết điểm trước Đảng, Nhà nước, trước Nhân dân về việc chính họ đã giới thiệu nhân sự vào cấp ủy, chính quyền các cấp mà sau đó không hoàn thành nhiệm vụ, mắc khuyết điểm, thậm chí vướng vào vòng lao lý.
“Đây chính là lỗ hổng, khoảng trống trong kiểm soát quyền lực”- ông Lê Như Tiến nói và nhấn mạnh Quy định lần này có tác dụng làm cho người giới thiệu thận trọng hơn, nghiên cứu một cách kỹ càng, thấu đáo hơn và tự chịu trách nhiệm về lời giới thiệu của mình.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng nên công khai danh tính của người giới thiệu nhân sự để cơ quan, tổ chức giám sát. Đồng thời hiện thực hóa quy định, ràng buộc trách nhiệm giữa người giới thiệu và người được giới thiệu trong các văn bản cụ thể để các cấp, tổ chức thực hiện.
“Nếu người được giới thiệu thực sự tốt thì người giới thiệu được tiếng thơm, được vinh danh. Còn nếu người được giới thiệu mắc khuyết điểm, bị kỷ luật, thậm chí vướng vào vòng lao lý thì người giới thiệu cũng phải chịu trách nhiệm. Nếu công khai, minh bạch về việc cá nhân giới thiệu nhân sự thì khi công tác cán bộ có vấn đề, chỉ cần lật lại hồ sơ xem người giới thiệu thì sẽ biết trách nhiệm thuộc về ai. Khi đó những khuyết điểm, tồn tại cũng sẽ được khắc phục” – ông Lê Như Tiến cho biết.
Hậu quả khôn lường từ “chạy chức, chạy quyền”
Vi phạm công tác cán bộ để lại hậu quả nghiêm trọng. Đó không chỉ là nguy cơ mà đã trở thành thực tế qua hàng loạt vụ việc bị xử lý kỷ luật trong thời gian qua.
Chưa bao giờ dư luận lo ngại, bức xúc về tình trạng bổ nhiệm cán bộ tràn lan ở nhiều địa phương, cơ quan như hiện nay. Chồng bổ nhiệm vợ, bố bổ nhiệm con, anh bổ nhiệm em. Thế mới có hiện tượng “cả họ làm quan” hay muốn được bổ nhiệm, cất nhắc phải có các yếu tố như: quan hệ, tiền tệ, hậu duệ…
Loạt bài của nhà báo Bắc Văn đăng trên báo Nhân dân tháng 3/2017
Nhà báo Bắc Văn, nguyên Trưởng Ban xây dựng Đảng, báo Nhân dân đã từng có loạt bài nhan đề “Bài học sâu sắc về công tác cán bộ qua vụ Trịnh Xuân Thanh” vào tháng 3/2017.
Loạt bài này đã giành giải A Giải Búa liềm vàng năm 2018 (Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng), trong đó cho biết: Vụ Trịnh Xuân Thanh đã khiến cho 7 cán bộ bị kỷ luật, gồm cả những cán bộ cấp cao ở ban, bộ, cơ quan Trung ương, dù có người đã về hưu. Tìm hiểu kỹ vụ việc, cho thấy, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là do yếu kém, khuất tất trong công tác cán bộ.
Nhà báo Bắc Văn cho rằng, có 3 bài học sâu sắc rút ra từ vụ việc Trịnh Xuân Thanh, trước hết là việc cố tình làm sai các quy định về công tác cán bộ. Quy định có rồi nhưng những người có trách nhiệm vẫn "rắp tâm" lờ đi.
Thứ hai, chính những cơ quan tham mưu chiến lược về công tác cán bộ lại không thực hiện đúng yêu cầu, chỉ đạo của Ban Bí thư. Thứ ba là có lợi ích nhóm trong công tác bổ nhiệm, quy hoạch Trịnh Xuân Thanh để từ 1 cán bộ sai phạm, lại được quy hoạch làm Thứ trưởng Bộ Công thương…
Với việc Bộ Chính trị ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, nhà báo Bắc Văn cho rằng: Đây là việc làm hết sức cần thiết sau một quá trình chuẩn bị công phu, thận trọng.
“Ban hành vào thời điểm này là rất kịp thời khi chúng ta đang triển khai Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, trong đó vấn đề nhân sự là vấn đề cực kỳ quan trọng. Việc ban hành Quy định này chính là sự cảnh tỉnh, răn đe những tổ chức, cá nhân đang lăm lăm ý định chạy chức, chạy quyền”- Nhà báo Bắc Văn nêu quan điểm.
Nguyên Trưởng Ban xây dựng Đảng (báo Nhân dân) cho rằng, để thực hiện nghiêm quy định này, những cơ quan làm công tác cán bộ phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc những nội dung của Quy định, phải thấy rõ nguy cơ, tác hại của vấn nạn chạy chức, chạy quyền. Nếu không ngăn chặn sẽ để lại hậu quả khôn lường, sẽ làm hỏng cả tổ chức, cả bộ máy.
Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên, của Ủy ban Kiểm tra các cấp đối với tất cả các khâu của công tác cán bộ. Mọi dấu hiệu không bình thường cần được kịp thời xem xét, kết luận; nếu vi phạm phải xử lý công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục. Bên cạnh đó phải minh bạch thông tin về công tác cán bộ để nhân dân giám sát.
Công tác cán bộ là công tác về con người, một lĩnh vực khó, nhạy cảm. Sai phạm trong công tác cán bộ sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống tổ chức, làm suy yếu bộ máy; làm cho cán bộ trung thực có năng lực mất động lực phấn đấu; làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, tổ chức đảng chính quyền các cấp. Càng chặt chẽ, càng cụ thể, càng nghiêm túc bao nhiêu, càng hy vọng chặn được nạn chạy chức, chạy quyền, mới chọn được cán bộ có đức, có tài thật sự./.
Theo Hương Giang-Kim Anh/VOV.VN