Trong quá trình hội nhập, nông sản Việt chịu áp lực cạnh tranh rất lớn, nếu không ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành thì sẽ thua ngay trên sân nhà.
Rau xà lách trồng theo mô hình aquaponics. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)
Nông sản Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức từ quá trình hội nhập.
Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp nói chung và doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng phải nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất, ứng dụng công nghệ cao mới có thể cạnh tranh và phát triển được.
Đây là nhận định chung của các đại biểu tại Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp công nghệ cao do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sáng 12/9.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khu vực 1 cho biết, từ năm 1995 đến nay Việt Nam liên tục xuất siêu nông lâm thủy sản với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình đạt hơn 14%/năm.
Với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA) có mức độ mở cửa lớn đối với mặt hàng nông lâm thủy sản; trong đó CPTPP có từ 78-95% số dòng thuế được xóa bỏ ngay khi có hiệu lực, EVFTA cũng xóa bỏ ngay 85,6% số dòng thuế và đến cuối lộ trình thì cả CPTPP và EVFTA đều xóa bỏ từ 97-100% số dòng thuế.
Đó được xem là những đòn bẩy giúp xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, CPTPP và EVFTA sẽ giúp nông sản Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu đối với mặt hàng chiến lược và có lợi thế nhờ cam kết cắt giảm thuế quan.
Song song đó, các doanh nghiệp có điều kiện đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp cũng như thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.
Quá trình hội nhập cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận tốt hơn với công nghệ hiện đại và cải thiện năng lực quản lý.
Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội, nông nghiệp, nông sản Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức như gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khẩu do hàng rào thuế quan dần được cắt giảm.
Sản phẩm dưa lưới sản xuất theo công nghệ cao, được gắn mã QR code. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Cùng với việc dỡ bỏ thuế quan thì nhiều thị trường cũng đặt ra những hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe hơn.
Sản phẩm Việt Nam cũng phải đảm bảo tuân thủ các suy định khác về sở hữu trí tuệ, lao động, minh bạch hóa thông tin và thách thức trong kiểm soát gian lận thương mại.
Trong bối cảnh đó, để vượt qua những thách thức và tận dụng được cơ hội mở rộng thị trường, doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh chế biến các sản phẩm có thế mạnh như rau quả, thủy sản, sản phẩm gỗ và đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, từng bước thiết lập chuỗi phân phối ra nước ngoài.
Đối với sản xuất, phải tăng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh của trang trại bằng cách ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và kiểm soát chặt chẽ quy trình quản lý chất lượng.
Cùng quan điểm, ông Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong quá trình hội nhập, bên cạnh cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, nông sản Việt cũng phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn.
Đặc biệt với CPTPP, sản phẩm sữa, bắp, đậu nành nhập khẩu có giá thành thấp hơn sản phẩm trong nước. Nếu doanh nghiệp không ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sẽ thua ngay trên sân nhà.
Điều đáng nói là dù Việt Nam đã hội nhập rất sâu nhưng chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn nắm bắt thông tin thị trường còn phần lớn doanh nghiệp nhỏ chưa tìm hiểu kỹ và chưa hình dung được những khó khăn mà mình phải đối mặt.
Liên quan đến việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ông Dương Hoa Xô cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhưng đến nay số lượng doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố rất ít ỏi, chưa đến 10 doanh nghiệp.
Nguyên nhân là do một thời gian dài việc làm hồ sơ công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên doanh nghiệp địa phương gặp khó khăn trong việc làm hồ sơ.
Từ năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân cấp cho các địa phương tự công nhận vì vậy Sở Nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp làm hồ sơ công nhận cho các doanh nghiệp đủ điều kiện.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp chia sẻ, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ muốn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến là thiếu nguồn vốn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và mua sắm thiết bị, công nghệ phục vụ việc phát triển sản phẩm cho thị trường xuất khẩu.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, khi được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như hỗ trợ vay vốn, tiếp cận quỹ đất, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực...
Vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi và chế biến để cải thiện được năng lực cạnh tranh và nâng cao giá trị xuất khẩu./.
Theo Xuân Anh (TTXVN/Vietnam+)