4
/
154336
Chủ động kiểm soát lạm phát
chu-dong-kiem-soat-lam-phat
news

Chủ động kiểm soát lạm phát

Thứ 4, 04/10/2023 | 07:51:34
2,207 lượt xem

Giám sát chặt biến động tăng giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để kịp thời có các kịch bản điều hành giá phù hợp

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên cả nước tháng 9-2023 tăng 1,08% so với tháng trước và trung bình 9 tháng năm 2023 tăng 3,16% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng vừa phải, là điều kiện tương đối thuận lợi cho công tác điều hành, hướng tới mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4,5% trong năm 2023.

Áp lực vẫn hiện hữu

Kết thúc 9 tháng qua, tình hình giá cả trên thị trường nhìn chung được kiểm soát khá tốt nhưng thực tế vẫn tiềm ẩn một số yếu tố khó lường. Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), trong các tháng còn lại của năm 2023, vẫn còn những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến lạm phát.

Theo đó, lương cơ bản tăng 20% từ ngày 1-7-2023 tác động đến giá các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng; dịch vụ du lịch tiếp đà phục hồi trở lại sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Đặc biệt, giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc tăng theo quy luật vào thời điểm đầu năm và cuối năm do nhu cầu mua sắm trong dịp Tết dương lịch, Tết nguyên đán và các lễ hội, giá dịch vụ y tế dự kiến sẽ tăng theo mức lương cơ bản.

Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cũng nhấn mạnh: Giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng trở lại, tạo áp lực cho giá mặt hàng này ở trong nước. Cùng với đó, giá gạo trong nước có xu hướng tăng theo giá gạo xuất khẩu do lượng gạo xuất khẩu của thế giới giảm cùng với các đơn hàng xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng. "Thiên tai và dịch bệnh diễn ra có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực và thực phẩm cục bộ tại địa phương bị ảnh hưởng" - bà Oanh nói.

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng bên cạnh giá xăng dầu tăng, nhiều hàng hóa nguyên liệu đầu vào khác cũng tăng giá gần đây trong bối cảnh xuất nhập khẩu và ngành sản xuất có dấu hiệu phục hồi cũng tạo áp lực đến lạm phát những tháng tới. Theo ông Lâm, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm CPI tăng 0,36 điểm phần trăm, tạo áp lực lớn lên lạm phát của nền kinh tế. Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước có 28 đợt điều chỉnh, trong đó 16 lần tăng, 8 lần giảm và 4 kỳ giữ nguyên giá.

Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho biết với xu hướng hạ nhiệt khá rõ nét trong những tháng đầu năm 2023, dự báo CPI bình quân cả năm 2023 sẽ ở mức dưới 3,5%, thấp hơn mức mục tiêu 4,5%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa chính sách thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo ông Lực, các yếu tố gây áp lực lạm phát vẫn tiềm ẩn như giá dầu và giá hàng hóa thế giới dù hạ nhiệt song còn cao; hiệu ứng giảm giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu nhập khẩu đến các nhóm hàng hóa khác chậm hơn so với hiệu ứng tăng giá của các mặt hàng do nhà nước quản lý như: giá điện, lương cơ sở, dịch vụ y tế, giáo dục. Ngoài ra, cung tiền, tín dụng, vòng quay tiền và tổng cầu sẽ tăng cao hơn vào chu kỳ cuối năm 2023.

Chủ động kiểm soát lạm phát - Ảnh 1.

Bộ Tài chính cho biết trong các tháng còn lại của năm 2023, sẽ giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường Ảnh: Minh Phong

Kịch bản tương ứng tùy diễn biến

Nhấn mạnh cần chủ động kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm 2023, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá Nguyễn Thu Oanh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá trong nước. Lưu ý đây là thời điểm cuối năm, rơi vào dịp lễ Tết, bà Oanh cho hay việc chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu là nhiệm vụ quan trọng.

Như dự báo của các chuyên gia nêu trên, xuất nhập khẩu và ngành sản xuất có dấu hiệu phục hồi, theo bà Nguyễn Thu Oanh, cần kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào. Bên cạnh đó, hiện còn dư địa cho việc điều chỉnh các loại giá dịch vụ do nhà nước quản lý trong những tháng cuối năm nhưng cần quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh hợp lý, phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế. "Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra" - đại diện Tổng cục Thống kê nêu rõ. Đồng quan điểm với các giải pháp này, TS Nguyễn Bích Lâm đặc biệt lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần chủ động có các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu thị trường vào các tháng cuối năm khi nhu cầu tăng. Trong đó, chú trọng các nhóm lương thực, thực phẩm, tránh việc tăng cục bộ tại một vài địa phương do khan hàng, thiếu hàng.

Về phía Bộ Tài chính, cơ quan này cho biết trong các tháng còn lại của năm nay, sẽ giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, các mặt hàng có chiều hướng tăng giá để đưa ra các kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời. Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương chủ động, phối hợp trong công tác quản lý, giám sát thị trường để hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. 

Hạn chế mức biến động mạnh giá xăng dầu

Bộ Công Thương cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện hoặc đề xuất lên Chính phủ các biện pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu khi thị trường xảy ra biến động bất thường. Đối với mặt hàng nhiên liệu là xăng dầu, cơ quan này sẽ sử dụng Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa... để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.

Theo Minh Chiến/Người Lao Động

https://nld.com.vn/thoi-su/chu-dong-kiem-soat-lam-phat-20231003215951528.htm

  • Từ khóa

Đua chặt hồ tiêu, cao su... để trồng sầu riêng

Dù các chuyên gia lên tiếng cảnh báo nhưng nhiều nông dân cho rằng giá sầu riêng sẽ vẫn duy trì ở mức cao thời gian tới do cung không đủ cầu.
10:24 - 03/05/2024
69 lượt xem

Xuất khẩu da giày: Đơn hàng tăng chưa át được nỗi lo về những quy định mới

Nhiều quy định mới liên quan đến thiết kế sinh thái, truy xuất chuỗi cung ứng của các thị trường lớn sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu da giày.
09:13 - 03/05/2024
91 lượt xem

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thiệt đủ đường

Để tránh xung đột lợi ích, doanh nghiệp đầu mối không được bán hàng trực tiếp cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu cùng hệ thống mà phải thông qua thương nhân...
07:37 - 03/05/2024
127 lượt xem

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế GTGT 6 tháng cuối năm

Chính phủ vừa có Tờ trình trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số...
17:16 - 02/05/2024
472 lượt xem

Kỷ lục: Đường sắt lãi gấp 3 lần mục tiêu cả năm

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) khiếm tốn đặt mục tiêu lãi 5 tỉ đồng trong năm 2024 nhưng mới hết quý 1, hai công ty con là Đường sắt Hà Nội và...
17:58 - 02/05/2024
462 lượt xem