4
/
142265
Tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải hành khách
tao-su-canh-tranh-lanh-manh-giua-cac-loai-hinh-van-tai-hanh-khach
news

Tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải hành khách

Thứ 5, 09/02/2023 | 15:11:00
2,126 lượt xem

Hiện nay, dịch vụ vận tải hành khách khá đa dạng, có thêm nhiều loại hình mới như xe ghép, xe đưa, đón khách tại nhà (gọi chung là xe hợp đồng). Do việc kiểm soát các loại hình này chưa chặt chẽ, hiệu quả dẫn tới thất thu thuế. Thực tế này khiến các nhà xe chạy theo tuyến cố định phải cạnh tranh khốc liệt, nhiều trường hợp bỏ tuyến, phá sản.

Alo là có xe... đón

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Quế Anh hiện đang thuê nhà ở quận Thanh Xuân (TP Hà Nội). Cứ dịp cuối tuần, vợ chồng chị về nhà bố mẹ tại đường Võ Nguyên Giáp (TP Bắc Giang) thăm gia đình. Do công việc của cả hai vợ chồng khá bận rộn, thường đến hơn 6 giờ chiều mới được nghỉ, nhà cách xa bến xe, lại lỡ chuyến nên chị thường gọi điện thoại hẹn xe của Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ vận tải Quỳnh Thanh (hãng xe Quỳnh Thanh Vip Limousine) đón về Bắc Giang và ngược lại. 

Chị Quế Anh chia sẻ: “Dù giá vé đắt hơn các xe chạy theo tuyến cố định nhưng bù lại nhà xe đón khách tại nhà, đúng giờ, không nhận thêm khách dọc đường nên di chuyển rất nhanh, thuận tiện. Tính ra vẫn rẻ hơn thuê taxi từ nhà đến bến xe khách. Tuy nhiên, muốn nhà xe đến đón thì khách hàng phải gọi điện hẹn trước khoảng 1 tiếng”.

Hiện lượng xe vào Bến xe khách Bắc Giang chỉ bằng 80% so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà xe hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vận tải hành khách theo phương thức xe hợp đồng đưa, đón khách và vận chuyển bưu kiện tại nhà. Khách chỉ cần “alo” là có xe đến đón. Các chủ xe này không quảng cáo, chỉ phát danh thiếp ghi tên, số điện thoại và biển số xe cho khách hàng. Bên cạnh đó còn có nhiều xe cá nhân khác cũng tham gia đưa đón khách theo kiểu khách quen, xe ghép chuyến, cuối tuần cùng ra Hà Nội thăm thân hoặc đi trung tâm các huyện. Xe tham gia loại hình dịch vụ này có từ 4 đến 16 chỗ ngồi. Xe hợp đồng hành trình chủ yếu từ TP Bắc Giang đi Hà Nội hoặc từ trung tâm các huyện đi TP Bắc Giang - Hà Nội và ngược lại.

Theo ông Nguyễn Trọng Khanh, Giám đốc Bến xe khách Bắc Giang, nguyên nhân chính để loại hình dịch vụ xe hợp đồng nở rộ thời gian gần đây là do dịch Covid-19. Bởi lẽ, thời gian dịch bệnh, hầu hết các doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách theo tuyến cố định đều phải dừng hoạt động vì lo ngại nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, xe tư nhân, xe đưa đón khách với số lượng nhỏ vẫn hoạt động khá tự do. Vì thế, sau dịch, lượng lớn khách đều ưa chuộng xe đưa, đón tận nhà, lại tránh phải đến chỗ đông người.

Cần giải pháp phù hợp

Sử dụng dịch vụ xe hợp đồng mang lại sự thuận tiện cho khách hàng. Tuy nhiên, các DN, hợp tác xã (HTX) hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định và ngay cả các bến xe khách cũng đang bị tác động, giảm doanh thu bởi xe hợp đồng. Vì nhiều hành khách sử dụng xe hợp đồng nên có không ít hãng xe phải bỏ tuyến, bỏ bến, dừng hoạt động. “Trước khi có dịch Covid-19, lượng xe xuất Bến xe khách Bắc Giang đạt 450 chuyến/ngày, nay giảm xuống còn 350 chuyến/ngày”, ông Khanh thông tin.

Vừa gặp khó khăn vì phải nghỉ do dịch Covid-19, nay lại phải cạnh tranh với xe hợp đồng nên không ít DN lao đao. Đơn cử như Công ty cổ phần Vận tải hành khách Bắc Hà (TP Bắc Giang) sau thời gian dài cắt giảm các tuyến vận chuyển khách nội tỉnh và Hà Nội, tháng 7/2022, DN này đã phải bán cả công ty cho Công ty cổ phần Xe khách Bắc Giang. Dù vậy, hiện Công ty cổ phần Xe khách Bắc Giang cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Đơn vị đã bỏ khai thác 3 tuyến: TP Bắc Giang - Nước Ngầm (Hà Nội), TP Bắc Giang - Đồng Việt (Yên Dũng) và TP Bắc Giang - Lục Ngạn với tổng số 78 chuyến/ngày. Ông Nguyễn Trần Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết, đơn vị đã dự tính chuyển sang hình thức đưa, đón khách tại nhà để cạnh tranh với xe hợp đồng. Thế nhưng việc làm này là trái quy định. Ông Trung cho rằng, trong khi các DN vận tải hoạt động theo tuyến cố định phải vào bến, dừng, đỗ, đón, trả khách đúng nơi quy định, chấp hành nghiêm các quy định về hoạt động kinh doanh vận tải (nộp các loại thuế, phí) thì những đơn vị xe hợp đồng lại “lách luật”, cạnh tranh thiếu lành mạnh, dẫn tới thất thu thuế.

Toàn tỉnh có 15 đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định và tuyến buýt, gồm 10 DN và 5 HTX. Trong đó có 14 đơn vị khai thác tuyến cố định với 274 xe; 88 tuyến vận tải (1 tuyến nội tỉnh, 87 tuyến liên tỉnh). Tuyến buýt có 6 đơn vị với 115 xe, khai thác 8 tuyến (5 tuyến nội tỉnh, 3 tuyến liền kề); 405 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (gồm 53 DN, 8 HTX và 344 hộ kinh doanh) với 1.193 xe.

Theo các quy định của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải, các đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe; không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp. Trong thời gian 1 tháng, mỗi xe ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trước khi thực hiện vận chuyển hành khách phải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển theo quy định đến Sở Giao thông-Vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng văn bản hoặc qua thư điện tử...

Ông Ngô Minh Định, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở Giao thông-Vận tải cho biết, hầu hết các loại xe hợp đồng đều chưa thực hiện nghiêm các quy định trên song hiện tại Sở Giao thông - Vận tải cũng chưa có giải pháp phù hợp đưa dịch vụ xe hợp đồng đi vào nền nếp. Nguyên nhân là do công tác quản lý phương tiện, lái xe còn nhiều hạn chế, bất cập. Các xe hợp đồng thường lách luật nên rất khó kiểm soát.

Không thể phủ nhận lợi ích dịch vụ xe hợp đồng mang lại cho người dân. Yếu tố mấu chốt là cần có cách thức quản lý, chặt chẽ, phù hợp. Có như vậy sẽ tránh thất thu thuế và người dân được hưởng dịch vụ đi lại thuận tiện nhất. Trước thực tế trên, đề nghị các cơ quan chức năng ở T.Ư và địa phương nghiên cứu, thiết lập cơ chế cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các loại hình dịch vụ vận tải hành khách.

Theo Đại La/BGĐT

http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/399120/tao-su-canh-tranh-lanh-manh-giua-cac-loai-hinh-van-tai-hanh-khach.html

  • Từ khóa

Ngành thuế muốn cấm mua bán vàng bằng tiền mặt

Tổng cục Thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán...
09:05 - 04/05/2024
41 lượt xem

Tỷ giá vẫn 'nóng'

Cục Dự trữ liên bang Mỹ mới đây công bố giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại từ 5,25 - 5,5%. Quyết định này đúng như dự báo của các nhà đầu tư trước đó...
07:43 - 04/05/2024
73 lượt xem

Việt Nam không được nhận viện trợ từ quỹ ADB là tín hiệu tốt?

Không còn được viện trợ từ Quỹ phát triển châu Á (ADF) của ADB, Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng góp cho quỹ này. Đó là tín hiệu ghi nhận tốt cho đất...
07:41 - 04/05/2024
66 lượt xem

4 tháng, xuất khẩu điện thoại và linh kiện thu về hơn 18,4 tỷ USD

4 tháng đầu năm, xuất khẩu điện thoại và linh kiện thu về hơn 18,4 tỷ USD, tăng 6,6% so với 4 tháng năm 2023.
15:53 - 03/05/2024
453 lượt xem

Có 1,8 triệu khách bay trong giai đoạn cao điểm lễ 30-4, 1-5

Các sân bay trực thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã đón gần 1,8 triệu hành khách trong giai đoạn phục vụ cao điểm lễ 30-4 và 1-5 vừa...
14:21 - 03/05/2024
498 lượt xem