4
/
131896
"Cởi trói" lãi suất tiền gửi khi rút trước hạn
coi-troi-lai-suat-tien-gui-khi-rut-truoc-han
news

"Cởi trói" lãi suất tiền gửi khi rút trước hạn

Thứ 2, 01/08/2022 | 09:59:00
3,033 lượt xem

Chính sách mới sẽ giúp các ngân hàng thu hút được nguồn tiền gửi trung và dài hạn khi khách hàng yên tâm gửi tiết kiệm kỳ hạn dài

Từ hôm nay, 1-8, Thông tư 04/2022/TT-NHNN của Ngân hàng (NH) Nhà nước quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài sẽ có hiệu lực. Theo các chuyên gia, quy định mới sẽ có lợi cho cả khách hàng và NH trong bối cảnh gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn phổ biến cho dòng tiền nhàn rỗi từ người dân.

Người gửi bớt thiệt

Theo Thông tư 04, trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi, NH thương mại sẽ áp dụng mức lãi suất tối đa bằng lãi suất không kỳ hạn thấp nhất (thường là 0,1%/năm) đối với khoản tiền rút trước hạn. Riêng với khoản tiền còn lại, NH vẫn áp dụng mức lãi suất đã thỏa thuận với khách hàng thay vì phải chịu lãi suất không kỳ hạn rất thấp cho toàn bộ khoản tiền gửi.

Chẳng hạn, với 500 triệu đồng gửi kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 5,5%/năm, sau 2 tháng, rút 200 triệu đồng, người gửi sẽ hưởng lãi suất không kỳ hạn thấp nhất khoảng 0,1%/năm. 300 triệu đồng còn lại, khách vẫn được hưởng trọn lãi suất 5,5%/năm nếu gửi đủ 6 tháng. Thông tư 04 nhận được sự đồng thuận của cả NH thương mại và khách hàng vì bảo đảm quyền lợi cho khách hàng, trong khi NH có thể linh hoạt nhiều sản phẩm tiền gửi để huy động vốn nhàn rỗi.

Ghi nhận ngày 31-7, NH TMCP Sài Gòn (SCB) đã triển khai tính năng "Rút vốn một phần trước hạn" theo Thông tư 04 đối với sản phẩm tiền gửi khi cho phép khách hàng rút vốn một phần trước hạn. Đại diện SCB cho biết tính năng mới này áp dụng từ ngày 1-8 đối với các sản phẩm tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân, tiết kiệm Phát Lộc Tài, tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn thông thường và tiền gửi có kỳ hạn cho khách hàng cá nhân. "Trước đây, khi có nhu cầu rút vốn trước hạn, khách hàng phải rút toàn bộ. Khoản tiền gửi này sẽ tính lãi suất không kỳ hạn, dẫn đến giảm một khoản lãi đáng kể. Với quy định mới, lợi ích của khách hàng sẽ được bảo toàn tối đa" - đại diện SCB nói.

NH TMCP Việt Á (VietABank) cho biết đã gửi thông báo tới khách hàng về việc sẽ giữ nguyên lãi suất ban đầu đối với phần tiền gửi còn lại trong trường hợp khách hàng rút một phần tiền trước hạn. Trước đây, nếu rút tiền trước hạn dù chỉ 1 ngày, khách hàng phải chịu lãi suất không kỳ hạn chỉ 0,1-0,2%/năm cho toàn bộ khoản tiền gửi.

Người gửi tiền sẽ bớt thiệt thòi khi rút tiền gửi trước hạn một phần từ ngày 1-8. Ảnh: BÌNH AN

Thu hút nguồn tiền gửi trung, dài hạn

Theo chị Nguyễn Thị Tuyết Hồng (ngụ TP HCM, khách hàng lâu năm của SCB Tân Định), khi gửi tiền vào NH để hưởng lãi suất thì không ai muốn rút ra nếu không phải trường hợp bất khả kháng. "Thế nhưng, mỗi lần rút ra và hưởng lãi không kỳ hạn, tôi thật sự tiếc. Nay đã có thể rút ra một phần trước hạn khi có việc cần mà phần còn lại vẫn hưởng nguyên lãi suất" - chị Hồng nói.

Chị Thanh Thủy, khách hàng của VietABank Hà Đông, cho biết chị thường băn khoăn khi chọn loại kỳ hạn gửi tiết kiệm vì muốn gửi tiết kiệm kỳ hạn dài để hưởng lãi suất cao. Nhưng khi có nhu cầu vốn phát sinh đột xuất, không kịp xoay xở, phải rút một phần tiền trước hạn thì toàn bộ lợi tức của phần tiền còn lại hầu như không đáng kể, rất thiệt thòi cho người gửi.

Thực tế, không ít trường hợp khách hàng vì có việc gấp nên buộc phải rút vốn hoặc cầm cố sổ để vay lại NH. Nhiều khách hàng cần vốn đột xuất mà không muốn cầm cố sổ tiết kiệm để vay nên bị thiệt khi rút trước hạn. Vì vậy, một số khách hàng gửi tiền sẽ chia nhiều khoản tiền gửi hoặc mở nhiều sổ với nhiều kỳ hạn khác nhau và thường chọn kỳ hạn ngắn… Với chính sách mới, khách hàng có thể linh hoạt rút tiền trước hạn khi có nhu cầu mà không lo mất lãi. Đại diện VietABank nhận định chính sách mới sẽ giúp các NH đa dạng hóa sản phẩm tiền gửi, thu hút được nguồn tiền gửi trung và dài hạn; khách hàng yên tâm gửi tiết kiệm kỳ hạn dài, hưởng lợi tối đa từ nguồn vốn nhàn rỗi.

Theo NH Nhà nước, Thông tư 04 được ban hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng phát triển sản phẩm huy động vốn ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thực tế, dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư chảy vào hệ thống NH liên tục tăng trong thời gian qua. Lãi suất tiền gửi nhích lên cũng giúp NH huy động vốn nhiều hơn. Bởi lẽ, 6 tháng đầu năm 2022, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt tới 9,35% thì huy động vốn của hệ thống tổ chức tín dụng chỉ tăng khoảng 4,51%.

Rút tiền gửi trước hạn ở nước ngoài sẽ bị phạt

NH Nhà nước cho biết tại Mỹ nếu rút trước hạn tiền gửi có kỳ hạn trong vòng 6 ngày kể từ ngày gửi tiền hoặc trong vòng 6 ngày kể từ ngày rút một phần gần nhất thì khách phải chịu mức phạt theo quy định. Ngân hàng ANZ tại Úc quy định khách hàng có thể rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước hạn nhưng bất kỳ khoản rút trước hạn nào cũng bị áp lãi suất thấp hơn ban đầu, riêng phần tiền không rút trước hạn được hưởng lãi suất như ban đầu...

Theo Thái Phương/ NLĐ

https://nld.com.vn/kinh-te/coi-troi-lai-suat-tien-gui-khi-rut-truoc-han-20220731214120002.htm

  • Từ khóa

'Điện mặt trời mái nhà nối lưới có tính bất định, phát triển ồ ạt sẽ gây phí tổn không cần thiết'

"Nguồn điện mặt trời mái nhà chỉ nên được phát triển gắn với nhu cầu sử dụng điện. Nếu ồ ạt phát triển ở quy mô lớn sẽ ảnh hưởng lớn đến cân bằng cung -...
09:53 - 01/05/2024
119 lượt xem

Tính thuế giá trị gia tăng thời điểm nào, người bán mới không bị thiệt hại?

Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật Thuế giá trị gia tăng cần xem xét lại việc tính thuế khi người bán hàng chưa thu được tiền từ người mua, song có ý kiến...
09:48 - 01/05/2024
129 lượt xem

Khách quốc tế đến Việt Nam vượt mốc 6 triệu lượt, hơn cả trước Covid-19

Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm tăng trưởng rất mạnh, vượt cả giai đoạn trước đại dịch Covid-19.
14:54 - 30/04/2024
563 lượt xem

Vì sao có đề xuất điện mặt trời dôi dư phát lên lưới điện hưởng giá 0 đồng?

Bộ Công Thương giải thích đề xuất điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu kết nối lưới điện có giá 0 đồng nhằm khuyến khích phát triển loại hình này, đồng...
11:42 - 30/04/2024
682 lượt xem

Nâng cao vị thế Việt Nam giữa thế giới biến động

Thời gian qua, chính sách đối ngoại của Việt Nam trở thành từ khóa trên truyền thông quốc tế. Việt Nam được quan tâm lớn khi là nước duy nhất trong năm...
08:08 - 30/04/2024
735 lượt xem