4
/
131744
Doanh nghiệp OCOP nỗ lực mở rộng giao thương, tìm đường xuất khẩu
doanh-nghiep-ocop-no-luc-mo-rong-giao-thuong-tim-duong-xuat-khau
news

Doanh nghiệp OCOP nỗ lực mở rộng giao thương, tìm đường xuất khẩu

Thứ 5, 28/07/2022 | 11:07:03
3,014 lượt xem

Nỗ lực phục hồi sau ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp OCOP (mỗi xã một sản phẩm) tìm tòi, sáng tạo nên những sản phẩm mới mang tính đặc trưng, đậm bản sắc của địa phương và cải tiến chất lượng để rộng đường xuất khẩu.

Doanh nghiệp OCOP nỗ lực mở rộng giao thương và tìm đường xuất khẩu - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Vương kiểm tra chất lượng sản phẩm - Ảnh: VGP/Minh Trang

Liên tục đổi mới sản phẩm phù hợp thị trường

Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Vương Thành Công, chủ của thương hiệu cà phê Vương Thành Công đạt chuẩn OCOP 4 sao đầu tiên tại xứ sở cà phê Đắk Lắk cho biết, để đi được lâu dài trên con đường phát triển, doanh nghiệp của ông hướng đến sản phẩm cà phê hữu cơ. 

Để thực hiện mô hình này, doanh nghiệp đã liên kết với 13 hộ nông dân, 2 HTX chuyên canh với diện tích 65 ha, đào tạo nông dân trồng cà phê theo tiêu chuẩn hữu cơ, cam kết bao tiêu cà phê với giá cao hơn thị trường. Từ cà phê, doanh nghiệp phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm như trà, rượu từ hoa và vỏ cà phê.

Với những kiến thức về Đông y, ông Lê Văn Vương đã dành nhiều thời gian sáng tạo ra rượu cà phê và rượu vang cà phê, với giá bán lần lượt là 2,5 triệu và 6 triệu đồng/lít. "Hai dòng sản phẩm này được nhiều người ưa chuộng vì có vị ngọt, thơm của vỏ và một chút đắng nhẹ của nhân cà phê. Mỗi năm, công ty chúng tôi chỉ sản xuất được 100 lít dòng sản phẩm này nên không đủ hàng để bán", ông Lê Văn Vương cho biết.

Doanh nghiệp OCOP nỗ lực mở rộng giao thương và tìm đường xuất khẩu - Ảnh 2.

Các sản phẩm dược liệu từ khổ qua rừng, đu đủ rừng của HTX Toàn Diện nhận được sự chào đón của thị trường - Ảnh: VGP/Minh Trang

Còn HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Toàn Diện của anh Lê Sĩ Diện (xã Đê Ar, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) thì tập trung phát triển các sản phẩm dược liệu từ hoa đu đủ đực và khổ qua rừng thành các loại nước uống hỗ trợ sức khỏe.

Khi nhu cầu thị trường ngày càng cao, cũng như các đơn hàng ngày một nhiều hơn, để đáp ứng được nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, ngoài việc thu mua rải rác của các hộ dân, anh Diện và các thành viên trong HTX trồng thí điểm để người dân học tập. Hiện vùng nguyên liệu của HTX đã đạt khoảng 4 ha và đang tiếp tục nhân rộng trong dân. 

Vào vụ chính, mỗi ngày HTX có thể sản xuất được khoảng 9 tạ thành phẩm. Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm hoa đu đủ đực và khổ qua rừng sấy ngày càng được mở rộng. Giá bán của những sản phẩm này cũng khá cao, khoảng 380.000 đồng/kg đối với hoa đu đủ đực và 280.000 đồng/kg đối với khổ qua rừng sấy.

Trong năm 2021 vừa qua, 2 sản phẩm của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Anh Diện cũng đã được địa phương hỗ trợ các thủ tục xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm để hoàn thiện hơn các sản phẩm của mình, góp phần tăng thêm niềm tin của người tiêu dùng và cũng là tiền đề để sản phẩm của người Bahnar vươn xa hơn trên thị trường.

"Từ sau khi dịch bệnh ổn định, ngay sau Tết, Sở Công Thương cũng như Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) liên tục hỗ trợ chúng tôi đi xúc tiến thương mại, hỗ trợ gian hàng, kết nối với các nhà phân phối để mở rộng giao thương. Từ Tết đến nay, HTX đã đi giới thiệu tại Bắc Trung Bộ, Nam Bộ... hy vọng mở ra sự hợp tác với nhiều vùng miền trên cả nước, giới thiệu được những sản phẩm đặc trưng của bà con Tây Nguyên và đặc biệt là mở rộng tiềm năng xuất khẩu", anh Lê Sĩ Diện cho hay.

Doanh nghiệp OCOP nỗ lực mở rộng giao thương và tìm đường xuất khẩu - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp cần nắm rõ đặc tính của thị trường xuất khẩu để đáp ứng yêu cầu và chất lượng - Ảnh: VGP/Minh Trang

Cần hiểu rõ thị trường xuất khẩu để đáp ứng

Ông Lê Văn Vương cho biết: "Chúng tôi đã vạch ra kế hoạch từng bước cụ thể. Giai đoạn 2017-2022, chúng tôi ổn định vùng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm. Hiện sản phẩm của chúng tôi đã có mặt tại 50 tỉnh, thành phố, cũng như đã có mặt trên tất cả sàn thương mại điện tử. Giai đoạn 2022-2027, chúng tôi tập trung đẩy mạnh thương mại và xuất khẩu".

Thời gian qua đã có một số đối tác của Nhật, Đức, Mỹ đề cập hợp tác, nhưng doanh nghiệp của ông Vương chưa thể triển khai do các lý do về dịch bệnh, khoảng cách địa lý và rào cản ngôn ngữ.

Thời gian tới, mục tiêu của Vương Thành Công là mở rộng xuất khẩu. Điều DN cần nhất là chính quyền hỗ trợ, cung cấp thông tin về đặc điểm, hành vi tiêu dùng của thị trường xuất khẩu, yêu cầu về sản phẩm của họ một cách chi tiết và tỉ mỉ nhất để doanh nghiệp đáp ứng. 

Thứ hai là rào cản ngôn ngữ. Các doanh nghiệp ở Tây Nguyên có 30-50% người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, nên trình độ ngoại ngữ chưa cao. "Rất mong chính quyền có thể hỗ trợ tổ chức các lớp đào tạo về ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ chuyên ngành cho xuất khẩu trong tương lai", ông Lê Văn Vương đề xuất.

Còn theo anh Lê Sĩ Diện, trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp với các sở, ngành về OCOP, anh đã có đề xuất mong muốn chính quyền hỗ trợ tiếp cận các thị trường xuất khẩu.

"Sản phẩm của chúng tôi nằm trong nhóm dược liệu, là dòng sản phẩm rất được các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ưa chuộng vì sạch, hữu cơ, không dùng chất bảo quản, chất tạo màu. Đặc biệt là người Trung Quốc, rất thích các sản phẩm có vị thuốc.

Trước đây, hàng của HTX chỉ mới xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Tôi đang cố gắng xây dựng thương hiệu bền vững hơn để xuất khẩu chính ngạch. Theo đó, tiếp tục cải tiến bao bì, mẫu mã, nhãn mác, tính toán về cách bảo quản. Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục cải tiến những sản phẩm tiện ích hơn, như túi lọc, để dễ dàng tiếp cận được nhiều thị trường hơn", anh Diện chia sẻ.

Ông Kim Jinmo, Phó Giám đốc Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Đà Nẵng cho biết, hiểu về thị trường là một yếu tố "sống còn" đối với một doanh nghiệp muốn xuất khẩu. 

Người tiêu dùng Hàn Quốc rất quan tâm đến 4 yếu tố. Thứ nhất là họ rất coi trọng về thẩm mỹ, nên ấn tượng đầu tiên và hình thức sản phẩm vô cùng quan trọng. Thứ hai, dịch vụ khách hàng, chăm sóc hậu mãi phải cao. Thứ ba, người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi xu hướng truyền miệng và lời giới thiệu từ bạn bè, cũng như các bài đánh giá từ mạng xã hội. Và cuối cùng, người tiêu dùng am hiểu về công nghệ, thích được cung cấp đầy đủ thông tin khi mua một sản phẩm.

Đề cập về cơ hội xuất khẩu của các doanh nghiệp miền Trung-Tây Nguyên, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, nhập khẩu của Mỹ với các sản phẩm đặc trưng của khu vực miền Trung-Tây Nguyên là cà phê và các sản phẩm từ cà phê, các sản phẩm làm ngọt, hạt cacao và các sản phẩm từ cacao, bánh kẹo...

Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, nhu cầu thị trường của Mỹ rất lớn và đa dạng, chi tiêu tiêu dùng chiếm 70% GDP. Thị trường Mỹ có các yêu cầu, quy định rất chặt chẽ trong thủ tục xuất nhập khẩu, đặc biệt chú trọng các yêu cầu về lao động và bảo vệ môi trường, các chi phí về vận tài lớn, dịch vụ, có tính cạnh tranh cao...

Còn Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết, trong tháng 5 và tháng 7 vừa qua, Cục đã phối hợp với 40 tỉnh, thành phố với gần 700 doanh nghiệp phía bắc, Bắc Trung Bộ, miền Trung-Tây Nguyên kết nối giao thương giữa nhà cung cấp và doanh nghiệp xuất khẩu. 

"Chương trình này đã giúp đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh cung ứng hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối trong nước, ngoài nước và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu", ông Vũ Bá Phú nói.

Theo Minh Trang/Chinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/doanh-nghiep-ocop-no-luc-mo-rong-giao-thuong-tim-duong-xuat-khau-102220727175053549.htm

  • Từ khóa

[Infographic] Chỉ số IIP tháng 4/2024 ước tính tăng 6,3% so cùng kỳ năm trước

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/4, sản xuất công nghiệp tháng 4 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công...
15:31 - 29/04/2024
158 lượt xem

Mở rộng triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền

Giá nhiều loại nông sản xuất khẩu đang tăng cao giúp người trồng hưởng lợi nhưng những doanh nghiệp trót ký hợp đồng xuất khẩu giá thấp lại không thể mua...
08:06 - 29/04/2024
334 lượt xem

Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương 'lãnh đạn' vì Mỹ - Trung phân rẽ

Căng thẳng Mỹ - Trung khiến kinh tế 2 nước ngày càng phân cực với nhau đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực cho hầu hết các nền kinh tế khác ở châu Á - Thái...
10:57 - 28/04/2024
852 lượt xem

Hãng treo thưởng dịp 30-4 nhưng điều kiện khắt khe, nhiều tài xế tắt app tránh nóng

App xe công nghệ tung nhiều chính sách tăng tiền thưởng thu hút tài xế công nghệ tham gia chạy dịp lễ 30-4. Thời tiết nắng nóng, nhiều tài xế tắt app vì...
07:44 - 28/04/2024
911 lượt xem

EVN cần gần 480.000 tỉ đồng đầu tư

Con số trên được nêu trong các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu tại Quyết định 345 ngày 26.4.2024 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh...
20:44 - 27/04/2024
1,203 lượt xem