Những trường hợp cố tình hoặc tiềm ẩn tai nạn đặc biệt nghiêm trọng như uống rượu bia, nồng độ cồn quá cao thì hoàn toàn có thể xử lý hình sự ngay.
Cảnh sát giao thông tiến hành đo nồng độ cồn. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Theo ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hiện nay, lực lượng thực thi kiểm tra và xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn rất khó. Để xử phạt, đã có nhiều trường hợp không hợp tác, chống đối thậm chí hành hung lực lượng chức năng.
Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Minh xung quanh vấn đề này.
Đa dạng hóa hình thức xử phạt
- Về phía quản lý, theo ông, các quy định, mức xử phạt trong Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực thực thi từ ngày 1/8/2016 đến nay cần phải sửa đổi, bổ sung điều gì?
Ông Trần Hữu Minh: Nhà nước phải có hệ dữ liệu quản lý tái phạm. Để phạt người vi phạm xong mà hồ sơ trắng tinh thì sẽ không hiệu quả. Nhưng ngược lại, với hành vi vi phạm lỗi không lớn (từ 100.000-200.000 đồng) nhưng lưu trữ vi phạm đó trong dữ liệu quốc gia về vi phạm an toàn giao thông, chia sẻ cơ quan quản lý dữ liệu có liên quan. Nếu như chủ thể đó tái vi phạm trong quãng thời gian nhất định (3 tháng đến 1 năm) thì mức phạt không phải như lúc đầu mà tăng từ 5-10 lần.
Người vi phạm bị lưu trữ trong dữ liệu quốc gia sẽ cẩn trọng thời gian tới không thì sẽ bị phạt nặng hơn. Lưu trữ dữ liệu và xử phạt lũy tiến mới tác động vào giáo dục đủ sức răn đe.
Hiện nay, Nghị định 46 không thể làm được điều này mà muốn làm được phải sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính (chưa cho phép xử phạt lũy tiến) và Luật Thống kê (chưa quy định thống kê các vi phạm về trật tự an toàn giao thông và lưu trữ trong dữ liệu quốc gia).
Vì vậy, Bộ Công an có muốn làm cũng không được vì chưa có đủ nguồn lực, con người để triển khai làm mà phải có ngân sách Quốc gia cấp.
- Mức phạt vi phạm giao thông đã được nâng lên rất nhiều so với trước kia nhưng dường như người vi phạm có vẻ “nhờn luật,” ông đánh giá điều này như thế nào?
Ông Trần Hữu Minh: Giải pháp đánh mạnh về mặt kinh tế cũng khá hữu hiệu, dù có bất cập ở việc áp dụng mức bảo hiểm đồng đều, lái xe an toàn hay không thì mức bảo hiểm giống nhau.
Trên thế giới, bảo hiểm được điều chỉnh theo rủi ro của phương tiện người lái và môi trường. Nếu như lái xe vừa nhận bằng lái thì rủi ro cao do chưa có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sẽ phải đóng mức bảo hiểm cao hơn các lái xe có thâm niên.
Nếu đưa mức bảo hiểm này áp dụng sẽ là hình thức răn đe rất tốt vì đánh trực tiếp vào “túi tiền” người dân từ ý thức đến hành động, tâm lý lái xe, kinh tế thu nhập.
Tuy nhiên, muốn làm được điều này thì Bộ Tài chính phải sửa đổi Nghị định bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với chủ xe cơ giới.
Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải tính đến việc đa dạng hóa hình thức xử phạt. Ngoài công cụ hành chính về tiền cần khai thác thêm các biện pháp khác có tính giáo dục như: lao động công ích, học lại Luật, lỗi nặng phải sát hạch lại lý thuyết, thực hành mới được cầm lái lại. Đây là điều rất tốt mà không cần phải phạt tiền.
Không để “mất bò mới lo làm chuồng”
- Phải chăng những hành vi tiềm ẩn tai nạn giao thông nghiêm trọng cần được xử lý hình sự trước tiên thay vì xảy ra rồi người vi phạm có thể bị phạt tù, thưa ông?
Ông Trần Hữu Minh: Điều này tùy vào từng sự việc cụ thể. Hiện nay các vụ việc gây hậu quả mới xử lý hình sự. Nên sớm sửa đổi để những trường hợp cố tình hoặc tiềm ẩn tai nạn đặc biệt nghiêm trọng như uống rượu bia, nồng độ cồn quá cao thì hoàn toàn có thể xử lý hình sự ngay, tránh xảy ra việc có người vô tội sẽ bị chết trên đường. Pháp luật phải có tác dụng ngăn chặn chứ không phải đợi xảy ra mới đi xử lý hậu quả.
Hiện nay, lực lượng thực thi kiểm tra và xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn rất khó. Đã có nhiều trường hợp không hợp tác, chống đối thậm chí hành hung lực lượng chức năng, vì thế phải trao thêm quyền lực, công cụ cho lực lượng thực thi để xử phạt và có sự giám sát của người dân, công luận. Đơn cử như nhiều quốc gia, nếu xử phạt nồng độ cồn mà không chấp hành thì có thể bắt giam ngay lập tức.
Hay như hành vi cố tình rải đinh trên đường cao tốc là hành vi đặc biệt nguy hiểm, cần phải đưa vào xử lý luật hình sự. Hiện, hành vi này chưa đươch xử phạt hình sự vì lý do "chưa gây hậu quả nghiêm trọng,'' là chưa thỏa đáng.
Tuy nhiên, những hành vi trên muốn triển khai phải sửa trong Bộ Luật hình sự. Mặt khác, với những hành vi có tính chất nghiêm trọng đã xử lý trong Luật Xử lý vi phạm hành chính thì cần được chuyển sang Bộ Luật Hình sự.
- Lái xe vi phạm giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng xử phạt chủ xe hay doanh nghiệp thì chưa được chú trọng nhiều. Vậy, theo ông, Nhà nước phải làm gì để tóm được “gốc thay vì ngọn?”
Ông Trần Hữu Minh: Đây là bất cập hiện nay. Doanh nghiệp vận tải chính là đơn vị sát thực nhất với lái xe nên những vi phạm giao thông gây hậu quả nghiêm trọng thì doanh nghiệp vận tải không thể vô can.
Chính vì vậy, cơ quan quản lý nên sớm sửa đổi quy định pháp luật để cá nhân vi phạm thì chịu hành vi pháp lý đó. Tuy nhiên, doanh nghiệp vận tải liên đới trách nhiệm về các vi phạm của cá nhân lái xe trong phạm vi phụ trách. Từ đó, hiệu quả về mặt đảm bảo an toàn giao thông sẽ cao.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
- Xử phạt nguội đã được tăng cường triển khai thời gian qua nhưng số lượng vẫn khá ít và còn gặp nhiều khó khăn. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân? Giải pháp là gì để giảm lực lượng đứng ngoài đường nhưng vẫn đảm bảo công tác xử phạt?
Ông Trần Hữu Minh: Hiện nay, xử phạt nguội có những văn bản pháp lý cụ thể như yêu cầu về tính pháp lý của phương tiện, bằng chứng. Tuy nhiên, khó nhất đang vướng chính là quản lý chính chủ, phương tiện người lái theo một địa chỉ cụ thể nên việc gửi giấy phạt vi phạm đến chủ xe còn khó khăn.
Muốn làm điều này, bản thân lĩnh vực ngành Giao thông Vận tải và Công an không làm hết được mà liên quan đến hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chỉ ( đó là mã hóa địa chỉ gồm số nhà, tên đường phố, tên chủ xe, phương tiện…) giống như các nước trên thế giới đã làm.
Chừng nào chưa làm được hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chỉ và quản lý xe chính chủ theo một địa chỉ cụ thể thì công tác xử phạt nguội sẽ còn khó khăn. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã kiến nghị nhiều lần tại các cuộc họp hay hội thảo về vấn đề này.
Nghị định 46 không giải quyết được việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chỉ mà nằm trong một chương trình hoạt động của Chính phủ về thiết lập mã hóa địa chỉ, mã hóa lỗi vi phạm.
- Xin cảm ơn ông./.
Theo Việt Hùng (Vietnam+)