240
/
149245
Hà Giang sẽ thu phí tham quan cao nguyên đá Đồng Văn như thế nào?
ha-giang-se-thu-phi-tham-quan-cao-nguyen-da-dong-van-nhu-the-nao
news

Hà Giang sẽ thu phí tham quan cao nguyên đá Đồng Văn như thế nào?

Thứ 5, 22/06/2023 | 14:37:00
2,011 lượt xem

Hà Giang đang xem xét 5 phương án thu phí tham quan cao nguyên đá Đồng Văn, tuy nhiên trong đó chỉ có 3 phương án khả thi.

Những ngày qua, thông tin Hà Giang lên phương án thu phí tham quan Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐC), đang thu hút rất nhiều ý kiến trái chiều từ người dân. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Xuân Đôn, Trưởng ban Quản lý CVĐC.

Hà Giang sẽ thu phí tham quan cao nguyên đá Đồng Văn như thế nào? - 1

Cao nguyên đá Đồng Văn (Ảnh: Hà Giang TV).

5 phương án thu phí tham quan

Hà Giang đã lên phương án thu phí tham quan CVĐC như thế nào, thưa ông?

- Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn được thành lập vào tháng 9/2009, gồm bốn huyện là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc với tổng diện tích tự nhiên khoảng 2.356km2. Tới năm 2010, cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là công viên địa chất UNESCO đầu tiên ở Việt Nam.

Từ trước tới nay, nguồn lực đầu tư để bảo tồn, xây dựng và phát triển CVĐC được sử dụng hoàn toàn từ ngân sách địa phương.

Hà Giang sẽ thu phí tham quan cao nguyên đá Đồng Văn như thế nào? - 2

Ông Hoàng Xuân Đôn, Trưởng ban Quản lý CVĐC Hà Giang (Ảnh: Trần Thanh).

Dự kiến thu phí tham quan thực ra không phải của Ban Quản lý mà là một trong những khuyến nghị của UNESCO. Tỉnh đã chuẩn bị cho việc này 4 năm nay nhưng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chưa triển khai được.

Trong vùng CVĐC có 59 điểm di sản đang khai thác, nhưng chỉ có khoảng 40 điểm đủ tiêu chuẩn thu phí, tuy nhiên hiện tỉnh mới thu phí ở ba điểm gồm hang Lùng Khúy (Quản Bạ); Nhà Vương, cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn).

Năm tới (2024), tỉnh đang nghiên cứu phối hợp với tỉnh Cao Bằng để kết nối 2 CVĐC và sẽ có thêm khoảng 20 điểm di sản được đưa vào khai thác.

Chúng tôi đang đề xuất 5 phương án thu phí tham quan bao gồm: Thu phí tại cổng (khoảng 80.000 đồng/người); thu phí tại điểm du lịch (30-40.000 đồng/điểm); thu phí qua đêm tại các khách sạn, nhà nghỉ (30.000 đồng với người lớn/ đêm và 15.000 đồng với trẻ nhỏ/đêm).

Ngoài ra còn có thu phí bằng cách áp thuế với các khách sạn, nhà nghỉ và áp thuế giá trị gia tăng vào các sản phẩm du lịch. Tuy nhiên 2 phương án này được đánh giá là không khả thi.

Hiện chúng tôi vẫn đang đề xuất các phương án và đề án thu phí với Hội đồng Nhân dân tỉnh. Nếu được thông qua, dự kiến đến khoảng đầu năm 2024, đề án này sẽ được thực hiện.

Những lý do nào khiến Hà Giang cần phải thu phí tham quan CVĐC?

- Trong 10 năm qua, nguồn lực để xây dựng và phát triển CVĐC chủ yếu đến từ ngân sách địa phương. Nhiều nguồn lực đầu tư được tăng cường như hệ thống giao thông, nước sạch, điện, chuyển đổi nghề nghiệp và mô hình kinh tế, an ninh chính trị và quốc phòng.

Tuy nhiên, với xu thế phát triển của CVĐC trong giai đoạn tới, nguồn lực nếu chỉ chờ nguồn kinh phí bao cấp từ ngân sách nhà nước thì sẽ bị thiếu hụt trầm trọng, không thể đáp ứng nhu cầu của xây dựng và phát triển CVĐC.

Hà Giang sẽ thu phí tham quan cao nguyên đá Đồng Văn như thế nào? - 3

Hẻm Tu Sản - hẻm vực sâu nhất Việt Nam cũng là sâu nhất Đông Nam Á nằm dưới chân đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang).

Đặc biệt, với hệ thống khuyến nghị và tiêu chí ngày càng cao của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, cũng như nhu cầu ngày càng cao của du khách, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng, quảng bá, giáo dục, bảo tồn và quản lý ngày càng tăng. Chí phí cho mỗi kỳ tái thẩm định sẽ vượt quá khả năng của tỉnh.

Tiếp đó, do đặc điểm là vùng cao nguyên núi đá, khi tới mùa khô, nguồn nước phục vụ cho việc sinh sống, kinh doanh của người dân tại CVĐC gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, nhu cầu sử dụng của du khách lại rất cao. Có những chủ nhà nghỉ, khách sạn khi hết nước phải bỏ ra 700-800.000 đồng để mua 1m3 nước.

Hà Giang sẽ thu phí tham quan cao nguyên đá Đồng Văn như thế nào? - 4

Cột cờ Lũng Cú (Ảnh: Nguyễn Bắc).

Thông thường, UNESCO khuyến nghị nhiều hoạt động từ bảo tồn, quy hoạch, giáo dục cộng đồng, phát triển cộng đồng, bảo vệ văn hóa thiểu số, đa dạng sinh học đến đầu tư và làm du lịch bền vững.

Mỗi kế hoạch như vậy tiêu tốn trực tiếp của tỉnh tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, chưa kể các chi phí gián tiếp như các dự án giao thông, điện, nước, viễn thông. 

Ngoài ra, nếu không thu phí, CVĐC sẽ thiếu nguồn lực tái đầu tư cho hạ tầng du lịch, hệ thống bãi đỗ xe, điểm ngắm cảnh, vệ sinh công cộng, quảng bá hình ảnh. Thiếu nguồn lực phục vụ công tác bảo tồn, quản lý, vận hành các điểm di sản, bảo vệ môi trường…

Việc thu phí không chỉ liên quan đến câu chuyện ngân sách. Đây còn là cách Hà Giang nâng cao nhận thức của du khách về giá trị di sản, phân loại du khách mục tiêu và giúp điều hướng du khách, giảm quá tải.

Ứng phó với các tình huống

Những khó khăn nào xảy ra khi triển khai đề án thu phí này, thưa ông?

- Ban đầu, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn khi đa số người dân chưa đồng tình. Tuy nhiên về việc này chúng tôi đã có kế hoạch và thời gian chuẩn bị dài trước đó để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Qua khảo sát, phương án thu phí được nhiều du khách lựa chọn là thu phí tại các điểm di sản; cổng vào, được vào tất cả điểm di sản. Phương án ít được lựa chọn nhất là thu phí qua dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, phí tính theo đêm. Về mức phí, du khách ưu tiên mức phí thấp nhất.

Tuy nhiên, đối với phương án thu phí tại cổng và điểm thì vẫn đang cần được tính toán, bởi nguồn nhân lực và chi phí bỏ ra để quản lý sẽ rất lớn, tiêu tốn một khoản không nhỏ khi quản lý kiểu này.

Hà Giang sẽ thu phí tham quan cao nguyên đá Đồng Văn như thế nào? - 5

Chợ phiên Mèo Vạc ở Hà Giang (Ảnh: Võ Minh Thiên).

Ngoài ra, nếu thu phí tại từng điểm, ban quản lý CVĐC lo ngại sẽ gây khó chịu cho du khách khi phải thanh toán lẻ tẻ, điểm nào tới tham quan khách cũng đều phải bỏ tiền.

Việc lập các chốt thu phí cũng không dễ dàng khi còn liên quan đến luật giao thông đường bộ. Ngoài ra, việc lập thêm các chốt thu phí cũng gây tốn kém nguồn nhân lực, làm phình bộ máy quản lý và việc kiểm tra, kiểm soát xem ai là du khách ai là người dân cũng mất nhiều thời gian.

Ban quản lý CVĐC và nhiều lãnh đạo tỉnh Hà Giang đang thiên về phương án thu phí qua đêm và chủ cơ sở sẽ chịu trách nhiệm thu phí. Đây được xem là hình thức thu phí công bằng, bớt phản cảm và đem lại nguồn lợi trực tiếp cho người dân.

Xin cảm ơn ông!

Theo Trần Thanh/Dân trí

https://dantri.com.vn/xa-hoi/ha-giang-se-thu-phi-tham-quan-cao-nguyen-da-dong-van-nhu-the-nao-20230622103759143.htm

  • Từ khóa

Gần 3.000 tài xế bị tước bằng lái trong ngày thứ ba nghỉ lễ 30/4-1/5

Ngày 29/4, toàn quốc xảy ra 85 vụ tai nạn giao thông, khiến 38 người chết và 72 người bị thương. Lực lượng chức năng cũng tước hơn 2.900 giấy phép lái xe,...
19:19 - 29/04/2024
115 lượt xem

Lương cao gấp ba, nhiều công nhân tự nguyện làm việc xuyên lễ

Đi làm ngày lễ, thu nhập tăng gấp ba ngày thường nên nhiều người lao động đăng ký đi làm, sau lễ mới xin nghỉ phép
11:10 - 29/04/2024
302 lượt xem

TP.HCM nóng như 'chảo lửa'

Chưa đến 6 giờ sáng đã thấy ánh mặt trời, đến gần 6 giờ chiều nắng mới dịu bớt. Giữa trưa, nhiệt độ cảm nhận lên đến 44 - 45 độ C. Nhiều người dân ở...
07:30 - 29/04/2024
418 lượt xem

Đường phố Hà Nội vắng vẻ trong ngày thứ hai kỳ nghỉ lễ

Tại Hà Nội, ngày hôm nay nắng nóng tiếp tục gay gắt, nhiệt độ ngoài trời dự báo lên đến 40 độ C. Bước sang ngày thứ 2 của kỳ nghỉ, đường phố Thủ đô khá...
14:56 - 28/04/2024
791 lượt xem

Du khách nườm nượp đổ về tham quan di tích lịch sử Điện Biên Phủ

Những ngày cuối tháng 4 luôn có hàng nghìn du khách tới tham quan tại các điểm thuộc quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên...
06:51 - 28/04/2024
998 lượt xem