240
/
117913
Xét nghiệm tầm soát covid-19 phải triệt để, quyết liệt, có kế hoạch dài hạn, chi tiết
xet-nghiem-tam-soat-covid-19-phai-triet-de-quyet-liet-co-ke-hoach-dai-han-chi-tiet
news

Xét nghiệm tầm soát covid-19 phải triệt để, quyết liệt, có kế hoạch dài hạn, chi tiết

Chủ nhật, 10/10/2021 | 08:22:08
789 lượt xem

Chiến lược xét nghiệm tầm soát Covid-19 sẽ chỉ thực sự phát huy được hiệu quả tối đa nếu có kế hoạch tổ chức thực hiện bài bản cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mặc dù vẫn còn một số ý kiến trái chiều, nhưng phải khẳng định rằng đến thời điểm này, xét cả về phương diện dịch tễ học lẫn quản trị xã hội, chiến lược xét nghiệm tầm soát Covid-19 trên diện rộng đã bước đầu phát huy hiệu quả.

Xét nghiệm tầm soát giúp phát hiện sớm nguồn lây nhiễm để cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời, giảm số ca lây nhiễm, các trường hợp tử vong tránh việc giãn cách kéo dài trên phạm vi rộng, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Nhờ tầm soát và nắm bắt được tình hình lây nhiễm thực tế trong cộng đồng, một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… đã tự tin lên kịch bản ứng phó và sống chung với dịch bệnh, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế.

Thành công là chủ yếu, tuy nhiên, ở một số nơi, một số thời điểm, công tác xét nghiệm tầm soát vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để, quyết liệt, dẫn tới việc bỏ lọt F0 trong cộng đồng, gây khó khăn cho địa phương trong kiểm soát nguồn lây và khoanh vùng hiệu quả, kịp thời.

Việc tổ chức xét nghiệm ở một số nơi vẫn chưa thực sự đồng bộ, còn phân tán, chủ yếu chỉ tập trung ở những “vùng đỏ”, những nơi có nhiều ca mắc.

Trước mắt, cần xây dựng được kế hoạch xét nghiệm cho toàn quốc và tại từng địa phương tối thiểu tới hết năm 2021, phân theo từng tháng để chủ động được trong các khâu, dự phòng các tình huống phát sinh, tránh bị động như thời gian qua.

Trong khi đó, các ổ dịch mới vẫn tiếp tục xuất hiện lốm đốm trên bản đồ các tỉnh thành có dịch, đồng nghĩa với việc mầm bệnh không chỉ tập trung ở một vài nơi mà đã lan rộng trong cộng đồng, nhưng chưa có biện pháp triệt để nhằm xác định và kiểm soát chuỗi lây nhiễm.

Song song với việc từng bước thiết lập trạng thái bình thường mới, những nỗ lực chống dịch ở mức độ cao nhất đang tiếp tục được triển khai ở cả trung ương và tất cả các tỉnh thành đang có dịch hiện nay.

Song có lẽ để thực sự nhận rõ nguy cơ và kiểm soát được tình hình, nên có những hành động cụ thể, bài bản, đồng bộ hơn trong việc xét nghiệm trên diện rộng cho toàn dân.

Dĩ nhiên để triển khai được chiến dịch xét nghiệm quy mô lớn trên toàn quốc thì cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế.

Đặc biệt, cần có chiến lược xét nghiệm rõ ràng cho cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Trước mắt, cần xây dựng được kế hoạch xét nghiệm cho toàn quốc và tại từng địa phương tối thiểu tới hết năm 2021, phân theo từng tháng để chủ động được trong các khâu, dự phòng các tình huống phát sinh, tránh bị động như thời gian qua.

Ở các địa bàn trọng điểm, nhất là các vùng có nhiều ca F0, nên thay đổi phương thức xét nghiệm theo phương châm triệt để, xét nghiệm từng người chứ không chỉ lấy mẫu đại diện mỗi hộ một người như nhiều nơi đang làm hiện nay, bởi rất có thể người đại diện được lấy mẫu trong gia đình đã có kháng thể nên không bị nhiễm, trong khi đó các thành viên còn lại trong gia đình đang dương tính với Covid-19.

Việc bỏ sót các ca dương tính kiểu này rất dễ dẫn tới tình trạng vô tình phát tán dịch bệnh ra cộng đồng do hầu hết các nơi đã và đang nới lỏng giãn cách, tạo điều kiện cho người dân di chuyển tự do.

Xét nghiệm tầm soát diện rộng ở Hà Nội tháng 9/2021.

Về sinh phẩm xét nghiệm, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế cần tổng hợp được nhu cầu trên toàn quốc, nắm bắt được bức tranh toàn cảnh, căn cứ vào đó để lên kế hoạch tổng thể và chi tiết, tiếp tục kêu gọi các nguồn tài trợ, xã hội hoá hoặc chủ động mua sắm tập trung sinh phẩm, vật tư, thiết bị xét nghiệm, có đầy đủ cơ số dự phòng để kịp thời điều phối, phân bổ cho các đầu mối trong tình huống cần thiết.

Chậm nhất đến giữa tháng 10 cần lên được kế hoạch xét nghiệm tới cuối năm nay, sau đó căn cứ tình hình dịch bệnh lại xây dựng tiếp kế hoạch và lên các kịch bản chuẩn bị cho 3 tháng hoặc 6 tháng đầu năm 2022.

Vì xét nghiệm là khâu then chốt, cần được thực hiện nhanh, đảm bảo kết quả chính xác, nên các sinh phẩm xét nghiệm cũng phải có chất lượng tốt nhất.

Do đó, Bộ Y tế cần có hướng dẫn rõ ràng về tiêu chí chất lượng đối với các chương trình mua sắm, đấu thầu có liên quan.

Nên ưu tiên cho các loại hoá chất, sinh phẩm, vật tư có nguồn gốc từ các nước phát triển, các nước G7 nếu giá thành hợp lý, không cao hơn so với mặt bằng thị trường hiện nay.

Cần tránh mua các sản phẩm giá rẻ nhưng độ nhạy, độ đặc hiệu không cao, dễ dẫn tới sai sót trong kết quả xét nghiệm.

Đối với xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR, cần ưu tiên các sinh phẩm có ngưỡng giới hạn phát hiện tốt, điều kiện bảo quản thuận lợi (không cần nhiệt độ âm sâu), thời hạn sử dụng lâu (từ 12 tháng trở lên), thời gian cho kết quả nhanh (dưới 1 tiếng), tương thích với nhiều loại máy móc, thiết bị sẵn có tại Việt Nam, và đặc biệt cần phát hiện được 2 tới 3 gen mục tiêu để làm tăng độ tin cậy của kết quả chẩn đoán, nhất là đối với các biến thể mới như Delta, Mu (nhiều sinh phẩm ở Việt Nam hiện nay chỉ phát hiện được 1 gen).

Bộ Y tế cũng cần thường xuyên, liên tục kiểm định các lô sản phẩm trước khi đưa vào sử dụng, thậm chí cần tổ chức kiểm tra ngẫu nhiên, đột xuất để tránh hiện tượng trà trộn sinh phẩm chất lượng thấp sau khi đã được cấp phép.

Để kiểm soát giá cả, Bộ Y tế cần gửi văn bản mời các nhà cung cấp test nhanh kháng nguyên và RT-PCR (bao gồm cả sản phẩm nhập khẩu và sản xuất trong nước) gửi báo giá kèm theo các thông tin chi tiết như hồ sơ doanh nghiệp, thông số kĩ thuật sản phẩm, điều kiện bảo quản, chế độ bảo hành, các chứng chỉ, giấy phép đã được cấp, năng lực sản xuất và cung ứng cho Việt Nam, điều kiện thanh toán, tiến độ giao hàng…

Căn cứ vào thông tin do các nhà sản xuất cung cấp, các cơ quan chuyên môn cần tổng hợp, phân tích và thẩm định kĩ lưỡng, từ đó tham mưu cho Bộ Y tế và Chính phủ để lựa chọn các nhà cung cấp có năng lực, sản phẩm chất lượng, giá thành tốt nhất để cung ứng cho Việt Nam.

Bộ Y tế cũng cần hướng dẫn các địa phương chủ động, khẩn trương hơn nữa trong công tác tìm kiếm và tiếp cận nguồn sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR và các bộ kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên chất lượng cao, giá thành hợp lý nhất trên thị trường để sẵn sàng cho mọi tình huống, tránh bị động như thời gian qua.

Ở tầm nhìn xa hơn nữa, nhà nước cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp uy tín trong nước tiếp cận, đàm phán và tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài (ưu tiên công nghệ từ các nước G7) để chủ động sản xuất, tiết kiệm chi phí cho đất nước và sẵn sàng cung ứng đủ lượng hoá chất, sinh phẩm cần thiết cho chiến lược xét nghiệm lâu dài của Việt Nam.

Đương nhiên, để cách làm này hiệu quả và bền vững, nhà nước cần xây dựng cơ chế đặc thù, chính sách ưu tiên, có biện pháp hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp yên tâm đầu tư nguồn lực.

Để triển khai tổ chức hiệu quả hơn nữa chiến lược xét nghiệm, cũng cần chuẩn bị sẵn lực lượng, quan tâm bồi dưỡng, đào tạo và có chính sách động viên đội ngũ cán bộ ngành y tế tham gia.

Ngoài đội ngũ trong biên chế và hợp đồng tại các cơ sở y tế, cần huy động thêm lực lượng sinh viên các trường y, dược, đội ngũ dược sĩ tại các nhà thuốc trên toàn quốc cùng tham gia triển khai công tác xét nghiệm sàng lọc.

Cần có kế hoạch phân công nhiệm vụ, điều phối các cá nhân, đơn vị trong tổng thể chung của cả nước, có tính đến yếu tố nguy cơ để điều động lực lượng có chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp xử lý những nơi trọng điểm, có yếu tố nguy cơ cao.

Thời gian vừa qua, nhiều nền y học tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Israel, Singapore và các nước EU đã áp dụng thành công kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 bằng nước bọt.

Bộ Y tế Việt Nam cũng đã được chuyên gia Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật này từ cách đây nhiều tháng.

Thời gian tới đây, Bộ Y tế nên có hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng phương pháp lấy mẫu bằng nước bọt này để hạn chế lây nhiễm chéo, không mất nhiều nhân lực cho lấy mẫu và có thể lấy số lượng lớn mẫu trong thời gian ngắn, đặc biệt có thể hướng dẫn để người dân tự lấy mẫu được ở nhà, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nguồn lực về lâu dài cho đất nước.

Xét nghiệm cho toàn dân ở thành phố Hồ Chí Minh, ảnh của TTXVN.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức xét nghiệm, xây dựng, cập nhật bản đồ xét nghiệm Covid-19 toàn quốc và trên từng địa bàn, tự động cập nhật dữ liệu và kết quả xét nghiệm trên phần mềm và bản đồ số.

 Hệ thống này sẽ tự động tổng hợp, báo cáo kết quả xét nghiệm cho các cấp lãnh đạo, ban chỉ đạo phòng chống dịch và các cơ quan chuyên môn, đồng thời công khai thông tin để người dân, doanh nghiệp theo dõi, nắm bắt tình hình, chủ động có biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Tóm lại, ngoài quyết tâm chính trị và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương, chiến lược xét nghiệm tầm soát Covid-19 sẽ chỉ thực sự phát huy được hiệu quả tối đa nếu có kế hoạch tổ chức thực hiện bài bản cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Ngành y tế phải luôn chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó, sẵn sàng về đội ngũ nhân lực, vật tư, trang thiết bị và nguồn sinh phẩm chất lượng cao với giá thành hợp lý nhất.

Có như vậy chúng ta mới có thể yên tâm mở cửa trở lại nền kinh tế, từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, tự tin đối diện và sống chung với đại dịch.

Theo Thường Kiệt/GD&TĐ

https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/xet-nghiem-tam-soat-covid-19-phai-triet-de-quyet-liet-co-ke-hoach-dai-han-chi-tiet-vJzwbPD7R.html

  • Từ khóa

Lương cao gấp ba, nhiều công nhân tự nguyện làm việc xuyên lễ

Đi làm ngày lễ, thu nhập tăng gấp ba ngày thường nên nhiều người lao động đăng ký đi làm, sau lễ mới xin nghỉ phép
11:10 - 29/04/2024
104 lượt xem

TP.HCM nóng như 'chảo lửa'

Chưa đến 6 giờ sáng đã thấy ánh mặt trời, đến gần 6 giờ chiều nắng mới dịu bớt. Giữa trưa, nhiệt độ cảm nhận lên đến 44 - 45 độ C. Nhiều người dân ở...
07:30 - 29/04/2024
210 lượt xem

Đường phố Hà Nội vắng vẻ trong ngày thứ hai kỳ nghỉ lễ

Tại Hà Nội, ngày hôm nay nắng nóng tiếp tục gay gắt, nhiệt độ ngoài trời dự báo lên đến 40 độ C. Bước sang ngày thứ 2 của kỳ nghỉ, đường phố Thủ đô khá...
14:56 - 28/04/2024
594 lượt xem

Du khách nườm nượp đổ về tham quan di tích lịch sử Điện Biên Phủ

Những ngày cuối tháng 4 luôn có hàng nghìn du khách tới tham quan tại các điểm thuộc quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên...
06:51 - 28/04/2024
800 lượt xem

Biển Sầm Sơn đông nghịt người trong ngày đầu nghỉ lễ 30/4-1/5

Ngày đầu nghỉ lễ 30/4-1/5, hàng vạn du khách đã đổ về biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) tắm mát, giải nhiệt. Có thời điểm cả bãi tắm của thành phố biển ken đặc...
20:02 - 27/04/2024
1,125 lượt xem