24
/
160023
Nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng, chính sách đối ngoại Mỹ sẽ ra sao?
neu-ong-trump-tro-lai-nha-trang-chinh-sach-doi-ngoai-my-se-ra-sao
news

Nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng, chính sách đối ngoại Mỹ sẽ ra sao?

Thứ 2, 12/02/2024 | 16:53:00
1,966 lượt xem

Một số quốc gia có thể hưởng lợi nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Tuy nhiên, số khác sẽ phải đối mặt với nước Mỹ có thêm bất định và khó đoán.

Nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng, chính sách đối ngoại Mỹ sẽ ra sao?

Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn cách chưa đầy 10 tháng, thế giới đang dần chuẩn bị cho kịch bản ông Trump quay lại Nhà Trắng.

Không ai có thể biết chắc chắn tương lai đó thế nào. Phải chăng ông Trump sẽ tăng thuế quan nhằm vào Trung Quốc nói riêng và các quốc gia khác nói chung? Liệu ông có "bỏ rơi" Ukraine và đảo Đài Loan? Ông sẽ thay đổi cách tiếp cận, cứng rắn hơn với đồng minh - đối tác?

Mỗi khi Nhà Trắng có ông chủ mới, chính sách đối ngoại của Mỹ cũng thường có sự thay đổi. Tuy nhiên, Economist đánh giá thay đổi lần này sẽ đáng kể hơn hẳn do khác biệt trong định hướng chính sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Trump, cũng như bất ổn của tình hình thế giới hiện nay.

"Phong cách và sự bất ổn của ông Trump có thể khiến các nước khó tính toán hơn", báo này viết.

Các quốc gia chuẩn bị

Kể từ khi nhậm chức, ông Biden đã tìm cách xác lập lại vị trí của Mỹ trên thế giới: Mỹ sẽ là cường quốc can dự toàn cầu và có mối quan hệ khăng khít với các đồng minh. Tuy nhiên, Mỹ sẽ "ích kỷ" hơn về thương mại, cẩn trọng hơn về an ninh kinh tế và khắt khe hơn trong triển khai lực lượng quân sự, đặc biệt những khi phải gửi binh sĩ Mỹ tới chiến trường.

Chiến lược này đã hái được những quả ngọt ban đầu: Hệ thống đồng minh - đối tác của Mỹ tại châu Á ngày càng khăng khít, trong khi tại châu Âu, Mỹ có thể tập hợp và duy trì liên minh hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga.

Các quan chức trong chính quyền tổng thống Mỹ đương nhiệm tuyên bố, chưa có dấu hiệu cho thấy các quốc gia khác đang đặt cược cả vào khả năng ông Biden thất cử. Họ đến từng thủ đô để khẳng định cam kết với các đối tác. Tuy nhiên, những cam kết này chưa chắc đã được tin tưởng: Khi cuộc bầu cử đến gần, việc những lời hứa của Mỹ có kéo dài sang cả năm sau hay không vẫn còn là ẩn số. Do đó, nhiều quốc gia đã lên kế hoạch cho sự quay trở lại của ông Trump.

Economist đánh giá nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể khác với nhiệm kỳ đầu tiên: Ông chủ Nhà Trắng sẽ ít có khả năng chấp nhận để cấp dưới ngăn chặn ý tưởng của mình hơn.

Đối với một số quốc gia - đặc biệt là những nơi lãnh đạo đất nước có nét tương đồng với ông Trump về hệ tư tưởng - chiến thắng của ông Trump sẽ là món quà.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có thể kỳ vọng sự ủng hộ của Washington dành cho Tel Aviv sẽ tăng mạnh. Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban - nhà lãnh đạo bảo thủ được ông Trump và phe Cộng hòa Mỹ tôn trọng - sẽ được tiếp đón nồng nhiệt tại Nhà Trắng.

Ả rập Xê út và Ấn Độ - những đối tác quan trọng nhưng cũng còn nhiều vấn đề bất đồng với Mỹ - sẽ "dễ thở" hơn vì ông Trump không còn để ý nhiều đến các vấn đề nội bộ các nước đó. Một số chính trị gia phương Tây cũng tỏ ra tích cực trước triển vọng ông Trump trở lại.

"Không có vấn đề gì cả", cựu Thủ tướng Australia Scott Morrison nói. "Khi Australia đối phó với Trung Quốc, họ hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. Đây là điều rất quan trọng".

Nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng, chính sách đối ngoại Mỹ sẽ ra sao? - 1

Cựu Tổng thống Donald Trump và ông chủ Nhà Trắng Joe Biden là 2 ứng viên sáng giá cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 (Ảnh: The Hill).

Đồng minh cẩn trọng

Trong mắt ông Trump, các quốc gia có thể được chia thành ba nhóm: Bạn bè, đối thủ và những nước không được ông chú ý.

Với bản tính thực dụng, ông Trump sẽ đánh giá các đồng minh dựa trên mức độ những nước này "lợi dụng" Mỹ. Ví dụ, những thành viên NATO không đạt đủ mức chi tiêu quốc phòng 2% GDP - theo thống kê, danh sách này bao gồm tới 26 nước - rất dễ rơi vào tầm ngắm.

Ông Thierry Breton - Ủy viên phụ trách thị trường nội khối châu Âu - mới đây tiết lộ, ông Trump từng nói với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen rằng nước Mỹ sẽ không hỗ trợ nếu châu Âu bị tấn công. "Nhân tiện tôi muốn nói rằng NATO đã chết. Chúng tôi sẽ rời đi, chúng tôi sẽ ra khỏi NATO", ông Trump nói, theo Politico.

Một số quốc gia đang tìm cách thay đổi để thích ứng. Ví dụ, chi tiêu quốc phòng của Đức trong những năm tới được dự báo sẽ tăng sau khi nước này thiết lập một quỹ quân sự đặc biệt trị giá 100 tỷ euro. Đức đang tham gia thương vụ mua máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ trị giá 14 tỷ USD, cũng như chuyển từ sử dụng khí đốt của Nga sang khí hóa lỏng từ các quốc gia khác, bao gồm Mỹ.

Một số quốc gia khác lựa chọn các cách thức đặc biệt hơn để thu hút sự chú ý của ông Trump. Một lãnh đạo châu Âu chia sẻ kinh nghiệm có được từ nhiệm kỳ trước đó khi ông Trump là lãnh đạo nước Mỹ: Cách dễ nhất để thuyết phục ông là đưa hoàng gia hay các ngôi sao thể thao tới vây quanh ông chủ Nhà Trắng!

Năm 2017, Pháp từng mời ông Trump tham dự lễ diễu binh hoành tráng nhân dịp Quốc khánh 14/7. Ông Trump ấn tượng tới mức từng đề nghị Lầu Năm Góc tổ chức sự kiện tương tự tại thủ đô Washington. Hai năm sau, cố Nữ hoàng Anh Elizabeth II đón ông Trump theo nghi thức cấp nhà nước một cách hoành tráng không kém.

Nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng, chính sách đối ngoại Mỹ sẽ ra sao? - 2

Ông Trump cùng Tổng thống Pháp Macron dự Lễ duyệt binh ngày 14/7/2017 tại Paris (Ảnh: Getty).

Đâu là những đối thủ?

Trong số các "đối thủ" của Mỹ, Economist dự đoán, Nga có thể là quốc gia được đối xử thân thiện nhất do ông Trump có sự ngưỡng mộ nhất định đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi đó, kỳ vọng của Trung Quốc sẽ thấp hơn, bởi chính ông Trump là người từng khởi động "chiến tranh thương mại" với Bắc Kinh, chưa kể đến yêu cầu cạnh tranh với Trung Quốc đã trở thành vấn đề thống nhất trong nội bộ Mỹ.

Dù vậy, chính sách của ông Trump với các đối thủ phần nào thiếu đi sự nhất quán. Đây có thể là cơ hội cho những bước đi bất ngờ. Ví dụ, Mỹ có thể tìm cách xây dựng một thỏa thuận hòa bình khu vực với Iran và các đồng minh dựa trên kinh nghiệm đàm phán các thỏa thuận Abraham giữa Israel và các nước Ả rập trước đây.

Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Iran từng phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt mạnh tay về kinh tế từ Mỹ. Thậm chí, Mỹ đã sát hại tướng Qassem Soleimani, một trong những chỉ huy hàng đầu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Tuy nhiên, ông Trump lại làm ngơ khi Iran bị nghi tấn công nhà máy lọc dầu của Ả rập Xê út.

Tuy nhiên, chính sự không nhất quán này có thể dẫn đến những tính toán sai lầm trên bàn đàm phán. Một số đồng minh đã bày tỏ lo ngại về khả năng ông Trump bị các đối thủ cho qua mặt.

"Nỗi lo lớn nhất của tôi là ông Putin và ông Tập (Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ) khôn khéo hơn ông Trump", một quan chức châu Âu chia sẻ.

Dù vậy, các nước bạn bè và đối thủ trong mắt ông Trump chỉ chiếm một phần nhỏ tổng số quốc gia trên thế giới. Đa số sẽ thuộc nhóm thứ ba: Các nước không được quan tâm - hay những "kẻ thất bại" - theo góc nhìn của ông Trump.

Trên thực tế, ngay từ thời Tổng thống Biden, Mỹ đã có xu hướng "buông bỏ" những nơi nước này do có ít lợi ích, cũng như sử dụng sức mạnh có chọn lọc hơn, tiêu biểu là quyết định rút quân khỏi Afghanistan. Mỹ cũng chỉ đóng vai trò tương đối mờ nhạt ở một số điểm nóng bị cho là "không quá quan trọng" như nội chiến Sudan, các cuộc đảo chính tại châu Phi hạ Sahara hay xung đột giữa Armenia và Azerbaijan.

Nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng, chính sách đối ngoại Mỹ sẽ ra sao? - 3

Nếu tái đắc cử tổng thống Mỹ, ông Trump sẽ tiếp tục có một cuộc cạnh tranh địa chính trị quân sự ẩn chứa nhiều bất ngờ thú vị với các "đối thủ" như Tổng thống Nga Vladmir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: SCMP).

Còn đó những điểm tương đồng

Khác với đánh giá của Economist, một số chuyên gia nhận định chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ ổn định, dù ông Biden hay ông Trump thắng cử.

Trên Foreign Policy, giáo sư Stephen Walt, chuyên gia khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard (Mỹ), nhận định rằng những gì ông Biden và ông Trump sẽ làm trong các vấn đề đối ngoại chủ chốt sẽ khá tương đồng, dù vẫn có khác biệt nhất định trong các biện pháp triển khai cụ thể.

Với Ukraine, nhiều người lo ngại ông Trump sẽ "bỏ rơi" Kiev và giao phó việc hỗ trợ Ukraine cho châu Âu. Tuy nhiên, giáo sư Walt chỉ ra trong bối cảnh Ukraine đang gặp nhiều khó khăn trên chiến trường, ngay cả chính quyền ông Biden cũng sẽ thúc đẩy đàm phán hòa bình để kết thúc chiến sự, bất chấp Moscow có thể hưởng lợi từ quyết định này.

Trong khi đó, cách tiếp cận mang tính đối đầu với Trung Quốc đã là vấn đề được cả hai đảng tại Mỹ đồng thuận. Trên thực tế, từ khi nhậm chức đến nay, ông Biden đã kế tục - thậm chí đẩy mạnh - các biện pháp kiềm chế Trung Quốc dưới thời ông Trump. Giáo sư Walt cho rằng ông Trump có thể cứng rắn hơn với các đồng minh của Mỹ tại châu Á, nhưng khó lòng bỏ rơi các nước này nếu thực sự muốn cạnh tranh với Bắc Kinh.

Vị chuyên gia cũng nhận định chính sách của hai ông Trump và Biden trong vấn đề Trung Đông cũng tương đối giống nhau: Giữ quan hệ tốt với Israel, ngó lơ người Palestine, giữ quan hệ tốt với Ả rập Xê út, bất chấp ông Biden từng hứa sẽ cứng rắn với Thái tử Mohammed bin Salman do liên quan tới cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi. Những chính sách này được dự báo sẽ tiếp diễn sau cuộc bầu cử năm 2024, dù người chiến thắng là ai.

"Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ không khác mấy so với những gì ông Biden làm nếu tại vị thêm bốn năm nữa", giáo sư Walt viết. "Cuộc bầu cử sắp tới sẽ tác động tới chính trị nội bộ Mỹ hơn nhiều so với các vấn đề đối ngoại chủ chốt".

"Sẽ có những khác biệt nhỏ giữa "Biden 2" và "Trump 2", nhưng tôi không cho rằng sẽ có thay đổi mang tính bước ngoặt", chuyên gia chính trị Mỹ bổ sung.

Theo Quốc Thuỷ/ Dân trí

https://dantri.com.vn/the-gioi/neu-ong-trump-tro-lai-nha-trang-chinh-sach-doi-ngoai-my-se-ra-sao-20240209162046634.htm

  • Từ khóa

Hamas xác nhận nã rocket từ Li Băng vào Israel

Lực lượng Hamas ở Dải Gaza tuyên bố các thành viên của họ ở miền nam Li Băng đã phóng loạt rocket vào một vị trí quân sự phía bắc Israel, khi giao tranh...
19:44 - 29/04/2024
38 lượt xem

Thủ tướng Campuchia nói kênh đào Phù Nam Techo lợi cho toàn dân

Thủ tướng Campuchia Hun Manet khẳng định mọi người dân sẽ hưởng lợi từ kênh đào Phù Nam Techo chứ không phải riêng gia đình ông hoặc ai khác.
16:05 - 29/04/2024
138 lượt xem

Căng thẳng mới giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông

Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã “đối đầu” với tàu chở chính trị gia Nhật Bản tại vùng biển mà cả hai nước đều đưa ra tuyên bố chủ quyền ở biển Hoa...
09:59 - 29/04/2024
263 lượt xem

Tổng thống Mỹ nhắc rõ quan điểm về chiến dịch Rafah với Thủ tướng Israel

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để thảo luận về kế hoạch tấn công thành phố Rafah, thỏa thuận con tin...
08:37 - 29/04/2024
302 lượt xem

Lốc xoáy càn quét thành phố Trung Quốc, ít nhất 5 người chết, 141 nhà máy hư hại

Ít nhất 5 người thiệt mạng, 33 người khác bị thương sau khi cơn lốc xoáy càn quét thành phố Quảng Châu, Trung Quốc ngày 27-4.
15:18 - 28/04/2024
727 lượt xem