24
/
139797
Trung Quốc mở cửa, vừa mừng vừa lo
trung-quoc-mo-cua-vua-mung-vua-lo
news

Trung Quốc mở cửa, vừa mừng vừa lo

Thứ 3, 20/12/2022 | 08:35:00
2,191 lượt xem

Với việc nền kinh tế số 2 thế giới dần quay lại với vai trò nhà sản xuất giá rẻ, các nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng sẽ được tháo gỡ

Những người mắc COVID-19 có triệu chứng vẫn có thể đi làm bình thường ở một số tỉnh, thành lớn như siêu đô thị Trùng Khánh (32 triệu dân), tỉnh Chiết Giang (hơn 60 triệu dân)… Đây là quyết định mang tính bước ngoặt nếu so với việc chỉ cần 1 ca mắc cũng đủ khiến hàng ngàn người bị phong tỏa ở Trung Quốc trước đây.

Dẫn thông báo của chính quyền TP Trùng Khánh, tờ Chongqing Daily ngày 19-12 cho biết các công chức "có triệu chứng nhẹ có thể làm việc bình thường sau khi có biện pháp bảo vệ cá nhân phù hợp tình hình sức khỏe cũng như yêu cầu công việc". Ngoài ra, cư dân được yêu cầu "không xét nghiệm nếu không cần thiết".

Nhiều thành phố khắp Trung Quốc đang khuyến khích người bệnh tự cách ly tại nhà. Thủ đô Bắc Kinh, phát các túi y tế và khuyên người dân tham khảo tư vấn trên mạng thay vì đến bệnh viện.

Trung Quốc bắt đầu nới lỏng hàng loạt biện pháp phòng chống COVID-19 từ ngày 7-12. Nhiều nhà kinh tế hoan nghênh động thái này.

"Điều này rất tốt cho người dân và kinh tế Trung Quốc, ngoài ra cũng tốt cho kinh tế châu Á và thế giới" - bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế, nhận xét sau một hội nghị ở TP Hoàng Sơn gần đây. Theo báo The Guardian (Anh), khi chủ trì thảo luận tại hội nghị này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường không đeo khẩu trang và không giữ khoảng cách.

Trung Quốc mở cửa, vừa mừng vừa lo - Ảnh 1.

Người bệnh xếp hàng chờ khám tại một khu điều trị sốt dã chiến đặt trong sân vận động ở Bắc Kinh hôm 19-12 Ảnh: REUTERS

Trung Quốc là động lực tăng trưởng quan trọng của khu vực nhưng năm nay, dự báo nước này bị tụt lại sau các láng giềng lần đầu tiên kể từ năm 1990.

Trong khi đó, theo nhận định của Reuters, Mỹ và châu Âu đón nhận tình hình mới ở Trung Quốc trong tâm trạng vừa hy vọng vừa lo ngại. Với việc nền kinh tế số 2 thế giới dần quay lại với vai trò nhà sản xuất giá rẻ, các nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được tháo gỡ. Động thái này sẽ có tác dụng chống lạm phát đối với phần còn lại của thế giới.

Tuy nhiên, khi tăng trưởng tăng tốc, Trung Quốc cũng hồi sinh nhu cầu cao đối với nguyên liệu thô và năng lượng, từ đó đẩy giá cả các mặt hàng thiết yếu này lên cao hơn nữa và trút thêm sức ép lạm phát lên khu vực đồng euro vốn đang khủng hoảng năng lượng.

Trước đại dịch, Trung Quốc là nhà nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới và năm nay là lần đầu tiên nhu cầu đối với mặt hàng này đi xuống kể từ năm 2002. Việc Trung Quốc vắng mặt trên thị trường LNG làm giảm bớt cạnh tranh, nhờ đó các nhà nhập khẩu lớn ở châu Âu có thể mua với giá "mềm" hơn một chút.

Một khi xu thế này bị đảo ngược, dù là dần dần, châu Âu sẽ càng nặng gánh chi phí. Dù xuất khẩu của khu vực đồng euro cũng hưởng lợi khi nhu cầu tăng trở lại ở Trung Quốc, song xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 1,5% GDP của toàn khối - Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) ước tính. Trong khi đó, khoảng 43% lạm phát của khu vực đồng euro là do giá năng lượng gây ra, theo Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ). Nói cách khác, Trung Quốc càng "nóng" thì châu Âu càng "lạnh".

Một tác động khác rơi vào ngành du lịch, với sự quan trọng không thể phủ nhận của du khách Trung Quốc. Người dân Trung Quốc chi tới 288 tỉ USD cho du lịch quốc tế vào năm 2018, gần bằng 1/4 chi tiêu toàn cầu cho du lịch, theo đài Al Jazeera.

Với việc mở cửa biên giới trở lại, giới nhà giàu Trung Quốc có thể bay đến châu Âu hoặc Bắc Mỹ để mua hàng xa xỉ trong khi số đông nhiều khả năng đổ sang các nước Đông Nam Á vào năm sau.

Thách thức đặt ra với cơ quan chức năng Trung Quốc lúc này là hạn chế số ca mắc và tử vong, nhất là khi nước này có dân số già hóa và có tỉ lệ tiêm vắc-xin COVID-19 lẫn tiêm tăng cường vẫn còn thấp.

Theo The Guardian, chỉ 40% những người trên 80 tuổi ở Trung Quốc đã được tiêm tăng cường. Hôm 19-12, Ủy ban Y tế quốc gia nước này (NHC) thông báo 2 ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 kể từ ngày 3-12. 

Giá dầu được tiếp sức

Giá dầu thế giới tăng lên hôm 19-12 nhờ triển vọng phục hồi nhu cầu. Đà tăng này được thúc đẩy nhờ việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 và quyết định mua lại dầu của Mỹ cho kho dự trữ dầu chiến lược kể từ đợt xuất kho kỷ lục 180 triệu thùng trong năm nay. Giá dầu Brent có thời điểm tăng lên 79,46 USD/thùng trong phiên giao dịch hôm 19-12 trong khi giá dầu WTI có thời điểm tăng lên 74,67 USD/thùng.

Nhà phân tích Tina Teng tại Công ty Dịch vụ Tài chính CMC Markets (Anh) cho rằng: "Mặc dù số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến ở Trung Quốc nhưng sự lạc quan nhờ mở cửa trở lại và chính sách hỗ trợ đã cải thiện triển vọng nhu cầu về dầu mỏ". Theo Công ty Phân tích Dữ liệu tiên tiến Kayrros (Pháp), việc Trung Quốc nới lỏng phòng dịch đã thổi luồng sinh khí mới vào lĩnh vực hàng không vốn đang suy yếu, với nhu cầu nhiên liệu máy bay trung bình tăng 75%, tương đương gần 170.000 thùng/ngày, trong 2 tuần qua.

Theo hãng tin Reuters, các nhà phân tích tại Công ty Cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư Haitong Futures (Trung Quốc) nhận định: "Thị trường sẽ tập trung vào tiến độ phục hồi nhu cầu ở Trung Quốc... Triển vọng chung là tích cực nhưng con đường phục hồi có thể chậm và đầy thách thức do tình hình COVID-19 nghiêm trọng trong thời gian tới".

Bất chấp nỗ lực mở cửa trở lại, niềm tin kinh doanh ở Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1-2013, theo một cuộc khảo sát của tổ chức World Economics. Kết quả khảo sát tại hơn 2.300 công ty, được thực hiện từ ngày 1 đến 16-12, cho thấy rõ tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc chậm lại khá nhiều và có thể hướng đến kịch bản suy thoái vào năm 2023.

Từ mức 8,1% năm 2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc dự kiến chỉ tăng 3% trong năm nay, mức tăng trưởng thấp nhất trong gần nửa thế kỷ. Ông Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng (Trung Quốc), dự báo có thể mất ít nhất một quý nữa trước khi tình hình chuyển biến. Theo chuyên gia này, nhiều doanh nghiệp nhỏ đã mất khả năng thanh khoản, đặc biệt là các nhà hàng, phòng tập thể dục, khách sạn và các dịch vụ khác trong đô thị.

Xuân Mai

Theo Hải Ngọc/NLĐO

https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trung-quoc-mo-cua-vua-mung-vua-lo-2022121921000423.htm


  • Từ khóa

Thị trưởng London Sadiq Khan lại làm nên lịch sử

Ông Sadiq Khan (54 tuổi) thuộc Công đảng vừa được bầu lại làm thị trưởng London (Anh) cho nhiệm kỳ thứ ba, theo AFP.
15:10 - 05/05/2024
29 lượt xem

Brazil hứng lũ nghiêm trọng nhất 80 năm qua, hàng chục người chết

Reuters ngày 5.5 dẫn lời các quan chức Brazil cho biết mưa lớn tại bang Rio Grande do Sul, miền nam Brazil đã khiến ít nhất 55 người thiệt mạng và hơn 70...
08:39 - 05/05/2024
184 lượt xem

Cuộc chạy đua cứu Dải Gaza

Các phái đoàn của Qatar, Israel, Mỹ và cả nhóm vũ trang Hamas đã tề tựu ở thủ đô Cairo - Ai Cập trong ngày 4-5 để cố đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Dải...
07:37 - 05/05/2024
206 lượt xem

Mỹ muốn Qatar trục xuất Hamas vì cản trở thỏa thuận ngừng bắn

Mỹ đã đề nghị Qatar trục xuất các lãnh đạo Hamas nếu phong trào này tiếp tục từ chối thỏa thuận ngừng bắn với Israel tại Dải Gaza.
19:55 - 04/05/2024
496 lượt xem

Nhiều nước châu Á tiếp tục đóng cửa trường học vì nắng nóng

Hàng loạt quốc gia châu Á tiếp tục đóng cửa trường học và chuyển sang hình thức học trực tuyến trong bối cảnh nắng nóng kéo dài.
14:59 - 04/05/2024
601 lượt xem