213
/
151310
Cơ hội, thách thức và giải pháp trong nghiên cứu và đào tạo khoa học công nghệ
co-hoi-thach-thuc-va-giai-phap-trong-nghien-cuu-va-dao-tao-khoa-hoc-cong-nghe
news

Cơ hội, thách thức và giải pháp trong nghiên cứu và đào tạo khoa học công nghệ

Thứ 3, 01/08/2023 | 14:52:00
2,000 lượt xem

Sự hỗ trợ của doanh nghiệp và nhà nước trong việc mở và đào tạo, nghiên cứu các ngành khoa học trọng yếu, cơ bản của đất nước là rất cấp thiết.

Đó là chủ đề của Tọa đàm trong khuôn khổ Hội thảo “Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup - Dấu ấn 5 năm hoạt động”.

Tọa đàm có sự tham dự của các diễn giả, khách mời là lãnh đạo các Học viện và trường Đại học, Viện nghiên cứu: Phó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, Phó giáo sư Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng trường Đại học Quy Nhơn, Phó giáo sư Nguyễn Văn Minh - Viện trưởng Viện Dân tộc học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó giáo sư Vũ Đức Lợi - Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), cùng lãnh đạo của Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF).

Khó khăn trong nguồn tuyển

Ngay từ đầu, Tọa đàm đặt ra một câu hỏi về thực trạng các ngành “trọng yếu” phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang trở nên ngày càng khó khăn trong việc tuyển sinh, giảm sức thu hút những thế hệ sinh viên tài năng so với trước đây.

Phó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Đây đúng là thực trạng một số ngành trọng yếu hiện nay. Tâm lý đám đông làm cho các em sinh viên có xu hướng chọn những ngành nghề “hot” hơn, nhưng thực ra đó là do các em và phụ huynh chưa tìm hiểu kỹ về nhu cầu các ngành công nghiệp ở nước ta. Đang có những luồng quan niệm của xã hội cho rằng đó là những ngành khó học, khó tìm việc, vất vả, ví dụ các ngành vật liệu, luyện kim, môi trường, dệt may... Trên thực tế, những ngành này đóng vai trò cốt lõi trong định hướng công nghiệp hóa của đất nước, và luôn có nhiều cơ hội việc làm cho các kỹ sư mới ra trường với mức thu nhập xứng đáng. Do đó tôi nghĩ công tác hướng nghiệp cần phải làm tốt hơn nữa, ngay từ giáo dục phổ thông. Các cơ quan chính phủ, báo chí, truyền hình, các trường đại học… cũng cần phải truyền thông rõ hơn về định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ.”

Phó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội. 

Đối với vấn đề trên, Phó giáo sư Đỗ Ngọc Mỹ, hiệu trưởng trường Đại học Quy Nhơn có góc nhìn riêng: “Quan trọng là việc tự chủ đại học hiện nay đã được các cơ quan quản lý ủng hộ và các trường đang tiến hành rất tốt. Trên cơ sở đó, các trường có điều kiện hợp tác rộng và sâu với doanh nghiệp và cần chuẩn bị tâm thế để có thể có phương thức hoạt động phù hợp với thời cuộc, chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng cả về chất lượng và số lượng ngành nghề đào tạo.”

Phó giáo sư Đỗ Ngọc Mỹ cho biết thêm, riêng với Quỹ VinIF, Trường ĐH Quy Nhơn đã đồng hành ngay từ những ngày đầu và kết quả là sự hợp tác trong việc đào tạo và mở ngành khoa học dữ liệu - một ngành rất quan trọng đối với quốc gia trong thời đại 4.0. Nếu không có sự chung tay hỗ trợ của doanh nghiệp và nhà nước thì việc mở và đào tạo, nghiên cứu ngành này sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, đối với những ngành trọng yếu khác mà quốc gia chưa kịp giúp đỡ nhiều, sự trợ lực của doanh nghiệp là rất đáng quý để tạo ra một thế hệ tri thức đáp ứng nhu cầu của đất nước trong 5, 10 năm tới.

Ngân sách chi cho KHCN của Việt Nam vẫn còn thấp

Phó giáo sư Đỗ Ngọc Mỹ, hiệu trưởng trường Đại học Quy Nhơn. 

Không chỉ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, lĩnh vực khoa học xã hội cũng cần phải có những thay đổi để phù hợp với thời cuộc. Phó giáo sư Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chia sẻ về những biến chuyển trên và nhu cầu lưu trữ, chuyển đổi số các tài liệu, tạo dựng những thư viện phục vụ hoạt động học tập, đào tạo, nghiên cứu.“Những ngành như Hán Nôm hay khảo cổ học đang rất khó khăn trong việc tuyển sinh như một xu hướng chung trong giai đoạn hiện nay. Thực tế là cơ hội đa dạng việc làm cho những chuyên ngành này không nhiều, trong khi biên chế nhân sự trong các cơ quan lại có liên hệ trực tiếp lại ngày càng bị cắt giảm. Một vấn đề quan trọng nữa là việc lưu trữ, bảo tồn tư liệu phục vụ nghiên cứu, học tập; kho tư liệu về các ngành này, đặc biệt là ngành Hán Nôm, chỉ ở Việt Nam mới có, nên rất quý và rất cần sự lưu giữ cho các thế hệ tương lai. Do đó việc trợ lực trong việc tuyển sinh, lưu trữ, hướng nghiệp, phục chế tài liệu phục vụ các mục đích học thuật là vô cùng cấp thiết", Phó giáo sư Nguyễn Văn Minh chia sẻ.

Trả lời câu hỏi về việc đâu là hướng đi khi một Viện như Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc buộc phải tự chủ trong thời điểm này, để vẫn giữ được chất lượng hoạt động cùng các công trình cống hiến cho xã hội, Phó giáo sư Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc cho biết: “Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc được đầu tư 70 triệu USD, trong đó 35 triệu USD là viện trợ không hoàn lại của chính phủ Hàn Quốc, tập trung vào các nghiên cứu mang tính ứng dụng cao như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, môi trường, y sinh… Đối với việc triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ, Viện có 2 hướng là thực hiện theo ngân sách nhà nước, thứ hai là thực hiện theo ngân sách của các Quỹ là một phần tài trợ quan trọng, đặc biệt là khi Viện đang ngày càng phải tự chủ cho các hoạt động của mình”.

Phó giáo sư Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc. 

Phó giáo sư Vũ Đức Lợi cũng bày tỏ những trăn trở đối với nền khoa học công nghệ Việt Nam: “Hiện tại, ngân sách chi cho KHCN của Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ khoảng 0,53% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước phát triển trong khu vực. Tỷ lệ người làm R&D so với các quốc gia khác cũng thấp. Nên cả về kinh phí và tiềm lực con người đều đang khó khăn. Bên cạnh đó, trang thiết bị phụ trợ công tác nghiên cứu cũng là một vấn đề nan giải. Chúng tôi có sự tự chủ, hỗ trợ tối đa cho các nhà khoa học để có thể bù đắp phần nào những khó khăn đó. Mô hình tài trợ của Quỹ VinIF hiện đang trợ giúp Viện rất nhiều trong việc nâng cao hơn nữa, tự chủ hơn nữa, trợ lực hơn nữa cho các nhà khoa học.” 

Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) thuộc Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (VNCDLL) ra đời từ tháng 8/2018. Ngay từ khi thành lập, VINIF đã ghi dấu ấn đặc biệt đối với giới học thuật Việt Nam khi là Quỹ tư nhân đầu tiên có ngân sách hàng nghìn tỷ đồng tài trợ hoàn toàn phi lợi nhuận cho sự phát triển KHCN nước nhà. Trong 5 năm hoạt động, VINIF đã tài trợ trên 100 Dự án khoa học công nghệ và văn hóa, lịch sử; cấp 1.200 suất học bổng; hỗ trợ 2.500 nhà khoa học… với tổng kinh phí lên tới gần 800 tỷ đồng. Với cách làm bài bản, khác biệt, VinIF đã và đang truyền cảm hứng về phương thức hoạt động cho nhiều chương trình của các cơ sở đào tạo trong nước. 

Theo Linh Trang/ GD&TĐ

https://giaoducthoidai.vn/co-hoi-thach-thuc-va-giai-phap-trong-nghien-cuu-va-dao-tao-khoa-hoc-cong-nghe-post648942.html

  • Từ khóa

Ransomware tấn công mạnh vào các doanh nghiệp ở Đông Nam Á

Trong năm 2023, ước tính Kaspersky đã ngăn chặn gần 300.000 cuộc tấn công ransomware (mã độc tống tiền) nhắm vào các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực...
09:49 - 29/04/2024
104 lượt xem

Tạo ra quần áo, túi xách có thể sạc điện thoại

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa giới thiệu loại túi xách và vải có thể sạc điện thoại vô cùng tiện lợi.
17:46 - 28/04/2024
497 lượt xem

Trung Quốc đang thử nghiệm chip cấy vào não người tương tự của Elon Musk

Trung Quốc đang phát triển một loại chip để cấy vào não người, cho phép con người điều khiển những thứ xung quanh chỉ bằng ý nghĩ. Những thử nghiệm của...
15:23 - 26/04/2024
1,751 lượt xem

Apple xác nhận việc đóng ứng dụng nền có thể làm hao pin iPhone

Trong một tài liệu hỗ trợ gần đây, Apple đã giải thích về tác dụng của việc đóng một ứng dụng nền trên iPhone không giúp tiết kiệm pin mà thậm chí còn hao...
14:45 - 26/04/2024
1,750 lượt xem

TikTok ngừng trả tiền thưởng cho người dùng xem video tại châu Âu

Người dùng phiên bản Lite của TikTok tại châu Âu hiện không còn được chi trả một khoản tiền nhỏ khi xem và tương tác với video.
09:59 - 26/04/2024
1,876 lượt xem