205
/
92088
Luật Tổ chức Quốc hội: Đại biểu chuyên trách phải đi đôi với chuyên nghiệp
luat-to-chuc-quoc-hoi-dai-bieu-chuyen-trach-phai-di-doi-voi-chuyen-nghiep
news

Luật Tổ chức Quốc hội: Đại biểu chuyên trách phải đi đôi với chuyên nghiệp

Thứ 3, 26/05/2020 | 11:03:22
375 lượt xem

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, việc tăng đại biểu chuyên trách như dự kiến là tốt, tuy nhiên cần tránh “chuyên trách mà không chuyên nghiệp”.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 26/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi).

luat to chuc quoc hoi: can tranh dai bieu chuyen trach ma khong chuyen nghiep hinh 1

Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi).

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đề nghị của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban, Viện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo đề xuất tiếp thu 9 nội dung về: tiêu chuẩn về quốc tịch đối với ĐBQH; việc quyết định số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Đoàn ĐBQH; luật hóa quy định về đánh giá, phân loại đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương; thay hình thức văn bản kết luận bằng nghị quyết phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giữ số lượng Hội đồng, Ủy ban nhưng đề nghị đổi tên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thành Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; giữ quy định vế số lượng cấp phó tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội như hiện nay; gắn quyền đăng ký tham gia làm thành viên Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của ĐBQH với trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ thành viên Hội đồng, các Ủy ban; bổ sung quy định về hình thức hoạt động của ĐBQH hoạt động chuyên trách; quy định kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Đoàn ĐBQH do ngân sách trung ương bảo đảm.

luat to chuc quoc hoi: can tranh dai bieu chuyen trach ma khong chuyen nghiep hinh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng  đọc báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Ngoài các nội dung nêu trên, cũng có một số ý kiến đề xuất nhiều nội dung rất xác đáng, có lập luận cụ thể, rõ ràng nhưng do thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật, văn bản khác hay đề án bầu cử ĐBQH nên xin phép được chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung, thể hiện cụ thể trong các luật, văn bản có liên quan.

Đề cập đến những vấn đề cụ thể về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến của ĐBQH tại Kỳ họp thứ 8 cho rằng phạm vi sửa đổi, bổ sung như dự thảo Luật còn hẹp, chủ yếu tập trung vào cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết số 18/NQ-TW mà chưa khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện Luật thời gian qua, đề nghị cần đổi mới một cách căn bản việc thực hiện cả 3 chức năng lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước và cách thức tổ chức, hoạt động của Quốc hội, đổi mới việc tổ chức bầu cử và xác định nhiệm kỳ của Quốc hội,...

Đại biểu chuyên trách phải đi đôi với chuyên nghiệp

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến các địa biểu Quốc hội đề nghị nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách lên cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của cơ quan dân cử, tiến tới hoạt động chuyên nghiệp.

Các đại biểu đánh giá, nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. 

Đại biểu Nguyễn Sơn, đoàn Hà Tĩnh cho rằng, tổ soạn thảo đã tiếp thu khá nhiều nội dung, nhưng vẫn cần sửa đổi thêm.

luat to chuc quoc hoi: can tranh dai bieu chuyen trach ma khong chuyen nghiep hinh 3

Đại biểu Nguyễn Sơn, đoàn Hà Tĩnh cho rằng, tổ soạn thảo đã tiếp thu khá nhiều nội dung, nhưng vẫn cần sửa đổi thêm.

Về cơ cấu, ông Sơn đề nghị cần có chính sách thu hút các cán bộ, công chức, viên chức có kinh nghiệm công tác lâu năm, có năng lực, trí tuệ, sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về sức khỏe tham gia làm đại biểu hoạt động chuyên trách.

“Đại biểu quốc hội hoạt động chuyên trách là 40%, nhưng cần hoạt động thời gian nhiều hơn, nên có thêm các chuyên gia, nhà nghiên, nhà nghiên cứu, nhà khoa học cứ có năng lực, trình độ để tham gia đảm bảo địa biểu chuyên trách. Xây dựng bảng lương phù hợp cho đại biểu chuyên trách làm việc tại các Đoàn đại biểu và tại Quốc hội. Cần quan tâm nâng tầm của Ban công tác đại biểu của Quốc hội, để nhân dân thấy đây là chỗ dựa tin tưởng, gửi gắm những kiến nghị vào người đại biểu dân cử của mình”, ông Sơn nêu ý kiến.

Đại biểu Dương Xuân Hòa, đoàn Lạng Sơn cho rằng, về tỷ lệ đại biểu chuyên trách, các ngành phải có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nguồn nhân sự giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, để hoạt động chuyên trách bảo đảm chất lượng và tính khả thi của luật.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng, đoàn Quảng Trị cơ bản tán thành với các nội dung trong Báo cáo, đặc biệt là các nội dung về đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; việc bảo đảm kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và bộ máy tham mưu, giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội; việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách...

luat to chuc quoc hoi: can tranh dai bieu chuyen trach ma khong chuyen nghiep hinh 4

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp đề nghị giảm đại biểu kiêm nhiệm công tác tại các cơ quan hành pháp, giảm số lượng đại biểu quốc hội của các cơ quan như công an, quan đội để tăng số lượng các địa biểu chuyên trách lên.

Tuy nhiên, quy định về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách còn rụt rè và chưa thực sự rõ ràng. Do vậy. đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu làm sao để để tăng cường tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách hơn nữa, bởi yếu tố này rất quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến chất lượng lập pháp.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, về việc chuyển các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thì chưa nên đặt vấn đề chuyển các Ban thành cơ quan thuộc Quốc hội.

Do đó, đề nghị cho tiếp tục giữ vị trí, chức năng của Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội như hiện nay; đồng thời đề nghị nghiên cứu quy định bổ sung các chế độ, chính sách phù hợp hơn đối với đội ngũ cán bộ của các Ban để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Về việc điều chỉnh tên gọi "Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng" thành "Ủy ban Văn hóa, Giáo dục" và đổi tên “Ủy ban Về các vấn đề xã hội” thành “Ủy ban Xã hội”, đại biểu Hòa cho rằng, về nguyên tắc, tên gọi của các cơ quan cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, thể hiện được lĩnh vực hoạt động chủ yếu của cơ quan, để có thể phân biệt với các cơ quan khác nhưng không cần thiết và không thể ghi đầy đủ tất cả các lĩnh vực, nội dung hoạt động của cơ quan trong tên gọi.

luat to chuc quoc hoi: can tranh dai bieu chuyen trach ma khong chuyen nghiep hinh 5

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, nếu đại biểu chuyên trách mà không chuyên nghiệp thì chắc chắn hiệu quả sẽ không cao.

Việc xác định tên gọi nên theo lĩnh vực (ví dụ Văn hóa, Giáo dục), chứ không nên xác định theo phạm vi đối tượng chủ thể (ví dụ Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng hay Trẻ em), vì nếu xác định theo đối tượng chủ thể thì tên gọi của một số Ủy ban khác cũng chưa thể hiện đầy đủ phạm vi phụ trách.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề nghị giảm đại biểu kiêm nhiệm công tác tại các cơ quan hành pháp, giảm số lượng đại biểu quốc hội của các cơ quan như công an, quan đội để tăng số lượng các địa biểu chuyên trách lên.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Thanh Vân lưu ý trong quá trình sửa đổi Luật không thể coi Quốc hội như một cơ quan hành chính nhà nước để đặt ra vấn đề tinh giản, tinh gọn mà Quốc hội là tập hợp của 500 đại biểu đã được Hiến pháp quy định rõ. Quốc hội là thiết chế quyền lực đại diện của nhân dân, là gốc rễ của hệ thống quyền lực nhà nước. Đại biểu nhấn mạnh cần nhìn nhận cho đúng nguyên lý về cơ cấu tổ chức để quy định cơ cấu tổ chức của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Theo Phi Long/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/luat-to-chuc-quoc-hoi-dai-bieu-chuyen-trach-phai-di-doi-voi-chuyen-nghiep-1052607.vov

  • Từ khóa

Bộ Y tế: Người tiêm vắc xin AstraZeneca không cần xét nghiệm đông máu

Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cơ quan này đã nhận được đề nghị của Công ty dược phẩm AstraZeneca về chấm dứt hiệu lực phê duyệt sử dụng vắc xin...
08:09 - 11/05/2024
79 lượt xem

Phó thủ tướng: Một số người dân, cán bộ vẫn lơ là, chủ quan trước thiên tai

Ngày 10.5, tại trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm...
16:36 - 10/05/2024
412 lượt xem

El Nino chuyển sang La Nina gây đột biến thời tiết cuối năm

Lãnh đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn nhấn mạnh, những tháng cuối năm 2024, mưa, bão, lũ, ngập lụt xuất hiện nhiều hơn do hiện tượng El Nino chuyển sang La...
15:31 - 10/05/2024
465 lượt xem

Đề xuất chi hơn 256 nghìn tỉ đồng phát triển văn hóa

Bộ VH-TT-DL đề xuất chi 256.250 tỉ đồng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa trong 11 năm từ 2025 - 2035, phấn đấu công nghiệp văn...
13:58 - 10/05/2024
505 lượt xem

Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường: Hàng xuất khẩu chờ tin vui

"Đây là bước quan trọng trong quá trình xem xét hồ sơ, công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả...
10:10 - 10/05/2024
595 lượt xem