205
/
151866
Chủ tịch nước: Việt Nam mong tiếp đón thêm nhiều nhà khoa học trên thế giới
chu-tich-nuoc-viet-nam-mong-tiep-don-them-nhieu-nha-khoa-hoc-tren-the-gioi
news

Chủ tịch nước: Việt Nam mong tiếp đón thêm nhiều nhà khoa học trên thế giới

Thứ 7, 12/08/2023 | 21:48:35
1,895 lượt xem

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện, cơ chế thu hút các nhà khoa học quốc tế đến với Việt Nam nhiều hơn, bền chặt hơn

Chiều 12-8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gặp mặt 56 nhà khoa học quốc tế và Việt Nam tham dự Hội nghị khoa học quốc tế "Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ".

Hội nghị được tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, 10 năm hoạt động của Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Chủ tịch nước: Việt Nam mong tiếp đón thêm nhiều nhà khoa học trên thế giới - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đại diện các nhà khoa học cho rằng Việt Nam hội tụ đầy đủ những yếu tố để phát triển khoa học cơ bản, thúc đẩy sự phát triển của tương lai, cần tận dụng những thế mạnh hiện có, để phát triển khoa học công nghệ xứng tầm với tiềm năng.

Bày tỏ mong muốn sẵn sàng hợp tác và làm việc với Việt Nam, các nhà khoa học mong muốn có thêm nhiều điểm đến, thêm những mô hình trung tâm phát triển khoa học tương tự như ICISE. Mong muốn Đảng, Nhà nước có những chính sách đảm bảo vị trí việc làm, môi trường làm việc chuyên nghiệp, hạn chế ràng buộc bởi thủ tục hành chính; tạo điều kiện để các nhà khoa học tham dự các hội nghị, hội thảo ở nước ngoài cũng như tạo điều kiện cho các nhà khoa học quốc tế sinh sống và làm việc tại Việt Nam…

Vui mừng được gặp mặt, lắng nghe những ý kiến đánh giá và góp ý tâm huyết, chân thành của các nhà khoa học, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định những việc Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã làm trong 30 năm qua có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của khoa học và giáo dục Việt Nam nói riêng, sự phát triển của đất nước Việt Nam nói chung.

Nhờ đó, Quy Nhơn, Bình Định trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu, làm việc của các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Thông qua những hoạt động như: Kết nối, liên kết hợp tác đào tạo hiệu quả, hỗ trợ hoạt động khoa học, đào tạo nhân lực chất lượng cao đã dẫn dắt, truyền cảm hứng, mở ra các hướng nghiên cứu, phát triển mới, tạo điều kiện cho sinh viên, thế hệ trẻ Việt Nam được tiếp cận, phát triển, nhất là trong lĩnh vực vật lý, khoa học cơ bản.

Chủ tịch nước biểu dương, đánh giá cao gia đình hai Giáo sư Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc - những trí thức khoa học tiêu biểu, mẫu mực, đã rất thành danh ở nước ngoài nhưng theo tiếng gọi của trái tim, của tình yêu Tổ quốc đã trở về nước và hoạt động không mệt mỏi, vượt qua những rào cản, trở ngại, xây dựng và cống hiến, làm được nhiều việc thiết thực và ý nghĩa cho sự nghiệp khoa học và giáo dục Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước chân thành cảm ơn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và học giả ở nhiều độ tuổi, màu da khác nhau, quốc tịch khác nhau, nhưng cùng gặp gỡ trong tình yêu khoa học, tình yêu đối với Việt Nam và trong những nỗ lực cùng nhau vun bồi những giá trị tốt đẹp cho nhân loại.

Chủ tịch nước: Việt Nam mong tiếp đón thêm nhiều nhà khoa học trên thế giới - Ảnh 3.

Các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam tham dự buổi gặp gỡ. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước cho biết Đảng và Nhà nước Việt Nam nhận thức rõ một quốc gia muốn bứt phá và phát triển cần có nền khoa học và giáo dục phát triển mạnh mẽ. Trên con đường xây dựng và phát triển đất nước, thực hiện khát vọng, tầm nhìn đến 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao, Việt Nam luôn coi khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu.

Nhấn mạnh: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia", là "vốn quý của dân tộc", Chủ tịch nước nêu rõ: Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn mong muốn tài năng của mỗi cá nhân được phát huy, yếu tố con người luôn đặt ở trung tâm của sự phát triển.

Xác định trí thức là lực lượng lao động đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn chú trọng thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh để nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, xem đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững.

"Một dân tộc không thể tự hào vươn ra thế giới nếu không có đội ngũ trí thức tài năng."- Chủ tịch nước nói.

Trích dẫn câu nói của Albert Einstein: "Luật hấp dẫn không chịu trách nhiệm về việc con người ta yêu nhau", Chủ tịch nước cho rằng, Việt Nam còn là một quốc gia có nhiều khó khăn, điều kiện để thu hút, hấp dẫn có thể chưa bằng các nước phát triển, nhưng các nhà khoa học vẫn nhiệt thành đến với Việt Nam, vì tình yêu, sự cảm mến không điều kiện, rất chân thành và tự nhiên.

Chủ tịch nước mong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các nhà khoa học quốc tế, các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học kiều bào. Thông qua hợp tác và kết nối, giao lưu có thể vun đắp, hỗ trợ, tạo cảm hứng, dẫn dắt cho các nhà khoa học trẻ của Việt Nam ở trong và ngoài nước, tiếp đón thêm nhiều nhà khoa học trên thế giới, có nhiều gợi ý chính sách, những kinh nghiệm quý báu về phát triển và phát triển bền vững, để khoa học, giáo dục đóng góp nhiều nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, qua đó, đóng góp chung vào thành tựu của khoa học thế giới.

Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, trong đó có tỉnh Bình Định, tiếp tục đồng hành hiệu quả, tích cực phối hợp hành động, hỗ trợ Hội Gặp gỡ Việt Nam hiện thực hóa các ý tưởng, dự án tốt đẹp, khả thi dành cho khoa học, giáo dục nước nhà, nhất là những vấn đề mang tầm chiến lược trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đồng thời, nhân rộng thêm những mô hình trung tâm phát triển khoa học tương tự như ICISE ở các thành phố lớn, từ đó thúc đẩy cho khoa học và giáo dục của Việt Nam phát triển vững mạnh.

Bên cạnh đó, cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện, cơ chế thu hút các nhà khoa học quốc tế đến với Việt Nam nhiều hơn, bền chặt hơn. Đặc biệt, phát huy được tiềm năng, xây dựng được các mạng lưới quy tụ các nhà khoa học Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài về cống hiến cho đất nước, cho nền khoa học và giáo dục nước nhà, để Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với thế giới về mọi mặt, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam phồn thịnh, phát triển bền vững trên nền tảng của khoa học và giáo dục chất lượng.


Theo Người lao động

https://nld.com.vn/chinh-tri/chu-tich-nuoc-viet-nam-mong-tiep-don-them-nhieu-nha-khoa-hoc-tren-the-gioi-20230812203206693.htm

  • Từ khóa

Thủ tướng cắt băng khánh thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và một đoạn cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (từ Diễn Châu đến quốc lộ 46B) chính thức khánh thành, giúp người dân từ TPHCM và Hà...
19:08 - 28/04/2024
369 lượt xem

Thêm nhiều điểm cháy trên núi Cô Tô, 300 người được huy động dập lửa

Các đám cháy nhỏ trên núi Cô Tô sáng 28/4 là "tàn dư" của đám cháy lớn ngày 26/4. Do nắng nóng, gió lớn cộng thêm địa hình núi có nhiều hốc đá ủ khói nên...
10:29 - 28/04/2024
615 lượt xem

Nghệ thuật phân tán địch trên chiến trường Điện Biên Phủ

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu nghệ thuật quân sự trong cuộc kháng chiến chống Pháp, trong đó có nghệ thuật phân tán địch trên các chiến...
09:16 - 28/04/2024
625 lượt xem

Trung ương đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi chức Chủ tịch Quốc hội

Xét theo nguyện vọng cá nhân, Trung ương đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương khóa XIII, Chủ tịch Quốc...
15:22 - 27/04/2024
1,116 lượt xem

Thành phố Điện Biên Phủ rực rỡ cờ hoa trước ngày đại lễ 7/5

Chuẩn bị cho ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các tuyến đường, phố của thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, được trang hoàng rực rỡ cờ...
09:47 - 27/04/2024
1,234 lượt xem