205
/
137975
Hoàn thành kỳ họp đổi mới và trách nhiệm
hoan-thanh-ky-hop-doi-moi-va-trach-nhiem
news

Hoàn thành kỳ họp đổi mới và trách nhiệm

Thứ 4, 16/11/2022 | 08:25:00
2,138 lượt xem

Quốc hội đã biểu quyết thông qua 6 luật, 12 nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết chung của kỳ họp, thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý và cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật

Chiều 15-11, sau 21 ngày làm việc tích cực, nghiêm túc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương, khoa học và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 4 Quốc hội (QH) khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

Cải cách tiền lương cán bộ, công chức

Trước khi họp phiên bế mạc, với 484 đại biểu (ĐB) QH tán thành, chiếm 97,19% tổng số ĐBQH, QH đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 4 QH khóa XV. Trong Nghị quyết kỳ họp thứ 4, QH quyết nghị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, trình QH xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 trong thời gian sớm nhất.

Riêng về chính sách thu nhập tăng thêm, TP HCM được tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 nhưng cần tính toán, cân đối để không vượt mức tối đa theo quy định của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (DN).

Nghị quyết kỳ họp cũng quyết nghị áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên; bổ sung thông tin "nơi sinh" vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân khi thực hiện hoạt động nhập cảnh tại các nước.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết tiếp nối và phát huy thành công tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, QH đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tâm lực, trí lực giải quyết một khối lượng công việc lớn, quan trọng với sự đồng thuận, nhất trí cao. QH đã biểu quyết thông qua 6 luật, 12 nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết chung của kỳ họp, thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý và cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.

QH đã dành nhiều thời gian thảo luận tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2022; đánh giá cao những kết quả quan trọng, nổi bật, khá toàn diện đã đạt được cả về phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; an sinh xã hội; chăm sóc người có công và công tác đối ngoại của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

QH cũng lưu ý trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, dự báo tình hình kinh tế và chính trị - an ninh thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, áp lực lạm phát, tỉ giá, lãi suất tăng cao; thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu DN, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN và người dân còn nhiều khó khăn.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức phát biểu tại phiên thảo luận về Luật Đấu thầu (sửa đổi) vào ngày 15-11Ảnh: VĂN DUẨN

Do đó, QH yêu cầu phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tập trung giải quyết căn cơ, có kết quả cụ thể các yếu kém, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, trong xử lý các tổ chức tín dụng, các dự án, DN yếu kém, thua lỗ; việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, giáo dục và thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế...; tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu; chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch năm 2022 và 2023, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

QH cũng đề nghị cử tri và nhân dân cả nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, HĐND các cấp tích cực tham gia cùng với QH, các cơ quan của QH giám sát việc thực hiện nghị quyết giám sát, các cam kết, lời hứa của Chính phủ và các bộ, ngành, tạo nên sức mạnh cộng hưởng để đồng hành, thúc đẩy, tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, đề nghị các cấp, ngành nỗ lực thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, gia đình chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn.

Quy định riêng về đấu thầu y tế

Trước đó, sáng 15-11, thảo luận tại hội trường về Luật Đấu thầu (sửa đổi), ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) cho rằng đấu thầu chỉ là một phương tiện, không phải là mục đích. Mục đích của đấu thầu là làm sao để có những sản phẩm chất lượng và kiểm soát được giá cả. Tuy nhiên, thời gian qua tiêu cực nhiều nên dự thảo đã tăng cường những biện pháp nhằm giám sát với các quy trình phức tạp hơn.

Cho rằng các mặt hàng, nhóm sản phẩm, dịch vụ sử dụng ngân sách đều phải đấu thầu nhưng một số nhóm mặt hàng, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, chuyện cứu chữa người bệnh, việc ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe của người dân thì không thể chậm được, vì vậy ĐB Phong Lan kiến nghị phải có một chương riêng về đấu thầu trong lĩnh vực y tế. ĐB cũng đề nghị phải căn cứ theo thị trường thực tế chứ không thể căn cứ vào giá trúng thầu của năm trước để làm giá kế hoạch thầu của năm sau, điều này dẫn đến giá càng ngày càng thấp và không bảo đảm được chất lượng.

Là người trực tiếp điều hành ở cơ sở, ĐB Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết trong dự thảo luật chỉ nói về đấu thầu thuốc là chưa đủ mà cần có một chương riêng đối với đấu thầu y tế, bởi trong đấu thầu y tế được chia thành 4 nhóm lớn: mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm; mua sắm trang thiết bị y tế; vật tư y tế tiêu hao; dịch vụ phi tư vấn trong y tế. Bên cạnh đó, đề nghị vật tư y tế cần được được xem là hàng hóa đặc biệt vì liên quan trực tiếp đến tính mạng người bệnh. "Chúng ta đã có Hội đồng thuốc điều trị, Hội đồng khoa học kỹ thuật, vì vậy nên tôn trọng ý kiến của các nhà chuyên môn trong lựa chọn vật tư y tế, thuốc điều trị cho người bệnh, không nên chỉ chăm chăm vào loại nào rẻ nhất mà nên chọn giá hợp lý để có lợi cho người bệnh" - ĐB Nguyễn Tri Thức nêu ý kiến. 

Kịp thời có chính sách tháo gỡ khó khăn

ĐB Phan Xuân Dũng (đoàn Ninh Thuận) cho rằng QH luôn đồng hành cùng Chính phủ, kịp thời ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống. Các ĐBQH đã thể hiện rất rõ vai trò của mình với tâm thế, tinh thần và trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị Chính phủ và các cấp có thẩm quyền đưa ra chủ trương, chính sách thực sự phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh đầy biến động.

Thảo luận sôi nổi, mang hơi thở cuộc sống

ĐB Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên - đánh giá trong mỗi kỳ họp QH, hoạt động nghị trường đều được các ĐB sôi nổi thảo luận, mang hơi thở cuộc sống đến với QH.

Những phản ánh, kiến nghị của cử tri; tình hình thực tế của đời sống đều được các ĐB đưa vào phiên thảo luận tổ, thảo luận ở hội trường hay phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 2 ngày rưỡi. Những vấn đề "nóng" như xăng dầu thiếu hụt nguồn cung; vấn đề tự chủ và xin dừng tự chủ tài chính của một số bệnh viện; tình hình thiếu thuốc và vật tư y tế; sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Giá... được các ĐB, trưởng ngành đặc biệt quan tâm thảo luận.

Theo Văn Duẩn - Minh Chiến/ NLĐ

https://nld.com.vn/thoi-su/hoan-thanh-ky-hop-doi-moi-va-trach-nhiem-20221115212259488.htm

  • Từ khóa

Chủ tịch Hồ Chí Minh và việc giáo dục thanh niên

Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là anh hùng giải phóng dân tộc, vừa là 'kiến trúc sư' của Nhà nước Việt Nam độc lập. Với tầm nhìn của một vĩ nhân cùng trải...
07:32 - 19/05/2024
53 lượt xem

Giới thiệu ông Tô Lâm để bầu làm Chủ tịch nước, ông Trần Thanh Mẫn bầu làm Chủ tịch Quốc hội

Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội, được giới thiệu...
19:33 - 18/05/2024
505 lượt xem

Bộ Chính trị quy định 5 chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai...
16:00 - 18/05/2024
424 lượt xem

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 18-5, Đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Bác.
11:28 - 18/05/2024
547 lượt xem

Trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1.7

Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng là rất cần thiết, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và đề xuất Chính phủ điều...
06:36 - 18/05/2024
653 lượt xem