190
/
161741
Sởi, ho gà, thủy đậu bùng phát, lo xuất hiện dịch
soi-ho-ga-thuy-dau-bung-phat-lo-xuat-hien-dich
news

Sởi, ho gà, thủy đậu bùng phát, lo xuất hiện dịch

Thứ 6, 22/03/2024 | 15:45:00
1,952 lượt xem

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gần đây cảnh báo số ca mắc bệnh sởi gia tăng và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới. Việt Nam cũng có nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh bao gồm sởi.

Phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI

Phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI

Bộ Y tế thông tin từ đầu năm đến nay ghi nhận rải rác ca mắc sởi và phát ban nghi sởi, thủy đậu, ho gà... Trong khi từ cuối 2022 - 2023 nhiều trẻ chưa được tiêm đúng lịch hoặc chưa tiêm đủ mũi các vắc xin trong những năm gần đây vì nhiều lý do.

Gián đoạn tiêm chủng, nguy cơ bùng dịch sởi

Theo hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến nay ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh thành, không ghi nhận ổ dịch tập trung.

Do ảnh hưởng của COVID-19 và thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng kéo dài từ năm 2022 đến 2023, tỉ lệ tiêm chủng vắc xin trên toàn quốc bị ảnh hưởng. Nhiều trẻ không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vắc xin là yếu tố nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh.

Trong đó tỉ lệ tiêm chủng năm 2023 giảm thấp hẳn, chỉ đạt 66,4% bé dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, trong khi theo quy định hằng năm phải đạt 75%. Ngoài ra, tỉ lệ bao phủ của vắc xin 5 trong 1 (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hib) cũng thấp hơn hẳn so với các loại vắc xin khác khi chỉ đạt 52,6%.

Trước đó các chuyên gia đã cảnh báo có thể bùng phát một số dịch bệnh như sởi, ho gà, thủy đậu... trong năm 2024 do tỉ lệ tiêm chủng giảm. 2024 là năm nằm trong chu kỳ 4-5 năm bùng phát của dịch sởi. Các chuyên gia nhận định nếu không có biện pháp tiêm vắc xin phòng ngừa đầy đủ, dịch sởi sẽ có nguy cơ bùng phát trở lại.

Bắt đầu từ đầu tháng 1 năm nay, vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã bắt đầu được cung ứng trở lại, đủ để tiêm chủng bù mũi cho trẻ em chưa được tiêm trong năm 2023 và các trẻ đến lịch tiêm trong 6 tháng đầu năm nay.

Thế nhưng tiêm chủng chưa được đẩy nhanh như dự kiến, ca mắc sởi, ho gà ghi nhận rải rác ở nhiều nơi, bệnh thủy đậu cũng ghi nhận ổ dịch ngay từ đầu năm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 21-3, đại diện Văn phòng Tiêm chủng quốc gia cho hay ngay từ đầu năm khi được phân bổ vắc xin các địa phương đã tổ chức tiêm chủng, tiêm bù, tiêm vét cho trẻ. Các điểm tiêm nỗ lực để tiêm chủng cho trẻ phòng các bệnh có thể dự phòng bằng vắc xin.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy, trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho hay hiện khoa không ghi nhận ca sởi nào và tình hình bệnh sởi tại khu vực miền Nam vẫn ổn định. Tuy nhiên chúng ta không được lơ là bởi nhiều quốc gia lân cận vẫn ghi nhận ca bệnh sởi.

"Để dịch sởi bùng phát mới lo thì đã quá chậm trễ. Thời gian qua, bệnh viện đã phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM thống nhất chương trình chăm sóc, phát hiện sớm ca sởi cũng như giám sát từng ca có triệu chứng sốt, phát ban nghi sởi, đẩy mạnh tuyên truyền trẻ tiêm ngừa sởi", bác sĩ Quy nói.

Chú ý phòng thủy đậu, ho gà

Bên cạnh bệnh sởi, thời gian qua tại miền Bắc cũng ghi nhận rải rác ca bệnh mắc ho gà, thủy đậu. Trong đó, dịch thủy đậu đang lây lan ở các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái... khiến hàng trăm ca mắc, đã có 1 trường hợp tử vong.

Trường hợp tử vong là bệnh nhân nữ 42 tuổi (trú tỉnh Yên Bái, có tiền sử phình mạch máu não) với chẩn đoán thủy đậu và viêm phổi ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp), suy đa tạng.

Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 200 trường hợp mắc bệnh thủy đậu. Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) những ngày gần đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc thủy đậu.

Bác sĩ Trần Thị Kim Anh, trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, cho biết có trường hợp bệnh tưởng nhẹ nhưng lại rất nguy hiểm khi bị biến chứng.

Điển hình trường hợp bé gái 9 tháng tuổi mắc thủy đậu biến chứng viêm phổi. Bệnh nhi xuất hiện nhiều nốt thủy đậu trên mặt và người, kèm theo viêm phổi khiến việc điều trị khó khăn hơn. Mẹ bé chia sẻ chưa tiêm phòng thủy đậu cho con.

Tại khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), bác sĩ Dư Tuấn Quy cho hay hiện khoa đang điều trị 4 ca thủy đậu, tăng hơn so với những tháng trước. Khai thác bệnh sử ghi nhận con đường lây bệnh thủy đậu đến trẻ chủ yếu là người lớn mang mầm bệnh về lây cho trẻ, hoặc trẻ lớn đi học lây bệnh rồi lây cho trẻ khác...

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng vừa có công văn gửi sở y tế các tỉnh thành về việc tăng cường công tác phòng chống ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc xin, trong đó đề nghị các địa phương thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm, chưa tiêm đủ mũi.

Phòng bệnh bằng vắc xin

Bác sĩ Dư Tuấn Quy cho biết sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch, lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Trước đây bệnh sởi chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa lạnh; nhưng hiện nay bệnh có thể mắc ở bất cứ lứa tuổi nào do chưa được tiêm phòng hoặc chưa được tiêm mũi nhắc lại.

"Tiêm ngừa bằng vắc xin là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất. Tiêm vắc xin mũi đầu khi trẻ đủ 9 tháng, mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng", bác sĩ Quy nhấn mạnh.

Đối với bệnh thủy đậu, bác sĩ Đinh Thị Uyên, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, cho hay bệnh không chỉ là bệnh ngoài da để lại sẹo, mà có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi, viêm tai ảnh hưởng đến thính lực... Thủy đậu đặc biệt nguy hiểm với bà bầu, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người có bệnh nền mãn tính.

Theo Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/soi-ho-ga-thuy-dau-bung-phat-lo-xuat-hien-dich-20240322000158727.htm

  • Từ khóa

Khoa học giải oan cho xoài ngọt

Xoài là một trong những loại trái cây nhiệt đới được yêu thích nhất trên thế giới. Nhưng vì xoài có chứa đường tự nhiên nên nhiều người thắc mắc là người...
10:22 - 29/04/2024
132 lượt xem

6 loại đồ uống tự làm giúp gan khỏe hơn

Chăm sóc gan và thực hiện các biện pháp điều chỉnh lối sống có thể tăng cường chức năng của gan và làm chậm bệnh gan nhiễm mỡ. Dưới đây là 6 loại đồ uống...
07:16 - 29/04/2024
201 lượt xem

Vết bầm tím bất thường có thể cảnh báo ung thư

Vết bầm tím là do mạch máu dưới da bị tổn thương, làm máu thoát ra ngoài và tạo thành vết bầm dưới da. Những va chạm đủ mạnh sẽ gây ra các vết bầm tím...
08:56 - 28/04/2024
755 lượt xem

Bác sĩ chia sẻ chế độ ăn giúp kiểm soát huyết áp cao

Người bệnh huyết áp cao cần có chế độ ăn hợp lý, kiểm soát cân nặng, cắt giảm muối, bổ sung lượng kali, magie và canxi phù hợp.
09:15 - 27/04/2024
1,343 lượt xem

Một loại vitamin có khả năng tăng cường miễn dịch ung thư

Nhóm tác giả từ các cơ sở nghiên cứu hàng đầu ở Mỹ và Đan Mạch đã đạt được kết quả bất ngờ trong thử nghiệm liên quan đến ung thư đường tiêu hóa.
17:12 - 26/04/2024
1,754 lượt xem