190
/
149177
Cứu người trầm cảm ra sao?
cuu-nguoi-tram-cam-ra-sao
news

Cứu người trầm cảm ra sao?

Thứ 4, 21/06/2023 | 14:46:00
2,057 lượt xem

Ngày càng nhiều người ở mọi độ tuổi rơi vào hố sâu trầm cảm. Con đường "chiến đấu" bệnh trầm cảm, quay lại cuộc sống thường nhật không mấy dễ dàng. Họ rất cần sự giúp đỡ của người thân, bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Kim Hoàn thăm khám một phụ nữ gặp bất ổn về sức khỏe tinh thần - Ảnh: XUÂN MAI

Bác sĩ Vũ Kim Hoàn thăm khám một phụ nữ gặp bất ổn về sức khỏe tinh thần - Ảnh: XUÂN MAI

Theo số liệu thống kê từ Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, số lượt bệnh nhân khám vì trầm cảm trong ba tháng đầu năm 2023 liên tục gia tăng. Cụ thể, trong tháng 1, bệnh viện tiếp nhận thăm khám 2.687 bệnh nhân trầm cảm. Đến tháng 2, con số này tăng vọt lên 3.468 ca và tiếp tục tăng lên 3.925 ca vào tháng 3.

Học không nhớ gì

Khi bạn bè chuẩn bị tốt nghiệp ra trường, nam sinh viên N. (22 tuổi) học chuyên ngành công nghệ thông tin tại một trường đại học trên địa bàn TP.HCM phải bảo lưu kết quả, tạm dừng việc học về nhà vì học không nhớ gì, điểm thi các môn đều 0 điểm, không muốn giao tiếp với bạn bè, bỏ học.

Mới đây, chị T. - mẹ em N. - đưa con đến Bệnh viện Tâm thần TP.HCM thăm khám. Tại bệnh viện, N. luôn gục mặt, rụt rè, sợ hãi mọi thứ xung quanh.

"Thời điểm đầu con học tập sa sút, tôi chỉ nghĩ con không còn hứng thú chuyện học nữa nên tôi chỉ hướng dẫn, khuyên bảo con. Nhưng sau đó, gia đình mới phát hiện con bỏ học", chị T. nghẹn lời nói và chia sẻ trước đây khi còn học cấp III, N. là học sinh giỏi được tuyển đi thi cấp tỉnh.

Những ngày gần đây, N. không nhớ tất cả những hoạt động trong cuộc sống thường nhật đã diễn ra. Bất cứ đồ đạc cá nhân nào của mình N. cũng không biết rõ để đâu. "Vài ngày con hỏi tôi cái ví của con đâu mẹ, vài ngày hỏi cái dây nịt con đâu mẹ. Rồi cứ hỏi cái này, cái kia của con đâu", chị T. kể.

Trả lời câu hỏi của bác sĩ về thời gian ngủ của N., chị T. cho hay: "Đêm con cứ trằn trọc đến gần sáng mới ngủ, rồi ngủ tới trưa nhưng gia đình cũng không rõ con có ngủ được sâu giấc hay không. Lúc con dậy người rất uể oải, lừ đừ".

Đối diện và trả lời trực tiếp các câu hỏi của bác sĩ, N. còn cho biết bản thân rất sợ người khác nhìn mình và sợ luôn những người lạ xung quanh bàn tán, nói xấu về mình. N. cũng cho hay bản thân không sử dụng các chất kích thích, kể cả thuốc lá nhưng chán hết mọi thứ.

Giải quyết tiêu cực

Ngoài trường hợp sinh viên N. nêu trên, bác sĩ CKII Vũ Kim Hoàn (phó phòng kế hoạch tổng hợp, chuyên khoa tâm thần - nội khoa tổng quát Bệnh viện Tâm thần TP.HCM) cho biết bệnh viện từng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân trầm cảm, trong đó có vài bệnh nhân trầm cảm nặng sau dịch COVID-19. Họ đã tự tử nhưng may mắn được người nhà phát hiện kịp thời.

Điển hình trường hợp bệnh nhân nữ 61 tuổi. Từ một người phụ nữ rất năng động, kinh doanh quần áo với quy mô lớn, tham gia nhiều hoạt động từ thiện. Sau dịch, bệnh nhân dần rơi vào hố sâu trầm cảm, bế tắc, rồi chọn tự tử để giải thoát.

Chị gái của bệnh nhân cho biết, trong thời gian TP.HCM giãn cách xã hội, việc kinh doanh, buôn bán của bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng nề. Để duy trì hoạt động kinh doanh, bệnh nhân phải trả mặt bằng lớn, rồi thuê mặt bằng nhỏ hơn nhưng hàng hóa vẫn không bán được, trong khi có rất nhiều khoản chi.

Nợ nần chồng chất, bệnh nhân bế tắc. Bước đường cùng, người bệnh đã chọn cách treo cổ tự tử. May mắn người nhà phát hiện rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến một bệnh viện đa khoa trên địa bàn TP cấp cứu. Sau cấp cứu, bệnh nhân được bệnh viện này giới thiệu sang Bệnh viện Tâm thần để điều trị trầm cảm.

Tại Bệnh viện Tâm thần, qua thăm khám, bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có đầy đủ các triệu chứng trầm cảm nặng, không có triệu chứng loạn thần (chưa nghe tiếng nói trong tai, chưa hoang tưởng có người bị hại).

Bác sĩ Hoàn đã giải thích rất kỹ cho người nhà bệnh nhân vì bệnh nhân đã có hành động tự tử một lần thì trong hai tuần tới không biết lúc nào bệnh nhân tiếp tục thực hiện hành vi này, do đó chỉ định bệnh nhân nhập viện điều trị.

Dù là chỉ định bắt buộc nhưng người nhà và bệnh nhân đều muốn đưa bệnh nhân về nhà để tiện theo dõi, chăm sóc và điều trị. Bác sĩ đã yêu cầu người nhà viết cam kết từ chối nhập viện, kê đơn uống thuốc trong một tuần, tái khám sau khi uống hết thuốc và hướng dẫn cụ thể chăm sóc và quản lý bệnh nhân tại nhà.

Thời điểm tái khám, thể chất của bệnh nhân khá hơn, ngủ được, tinh thần có phấn chấn hơn. Bác sĩ tăng liều thuốc và số lượng thuốc uống lên hai tuần. Lần tái khám kế tiếp, bệnh nhân vui vẻ hơn, hợp tác điều trị tốt, ăn ngủ được.

Qua hơn hai tháng điều trị, bệnh nhân bắt đầu trở lại gần như bình thường, cảm thấy tương đối thoải mái, không còn lo lắng nhiều. Tính đến nay, bệnh nhân đã điều trị gần một năm, sức khỏe tâm thần đã ổn định.

X.MAI (Nguồn Bộ Y tế) - Đồ họa: TẤN ĐẠT

X.MAI (Nguồn Bộ Y tế) - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Người thân là cơ quan phòng vệ rất đặc biệt

Bác sĩ Vũ Kim Hoàn cho hay, trầm cảm có ba triệu chứng chính gồm: buồn chán, dễ mệt mỏi, mất thích thú gần như suốt ngày và kéo dài trên hai tuần. Bên cạnh đó còn có bảy triệu chứng phổ biến là ăn không được, ngủ không yên, không muốn tiếp xúc với ai, mất tự tin, cảm thấy bi quan, mặc cảm tội lỗi, nghĩ đến cái chết.

Theo bác sĩ Hoàn, trong cuộc sống hằng ngày, khó ai tránh khỏi áp lực, đối diện các chuyện buồn không như ý. Biết cách giải tỏa căng thẳng, suy nghĩ tích cực thì sức khỏe thể chất và tinh thần được cân bằng trở lại.

Tuy nhiên với những người có bệnh lý trầm cảm, các rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ thì quy trình cân bằng này bị phá vỡ. Chẳng hạn với giấc ngủ chập chờn, không sâu, thì sự phục hồi của cơ thể không được tái tạo bình thường, nên sau khi thức giấc bệnh nhân vẫn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, chán nản, không có sinh lực để bắt đầu làm việc, học tập.

Thời gian xác định trầm cảm phải là ít nhất hai tuần khi bệnh nhân có đầy đủ triệu chứng nêu trên. Khi bệnh nhân trầm cảm nặng, sẽ được chỉ định điều trị nội trú và được theo dõi sát 24/24 giờ (hộ lý cấp 1).

Khi bệnh nhân được bác sĩ cho điều trị tại nhà, bên cạnh uống thuốc theo đơn và tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ thì việc hỗ trợ của gia đình là điều cực kỳ quan trọng.

Người nhà phải là cơ quan phòng vệ rất đặc biệt để giúp nâng đỡ, hỗ trợ bệnh nhân và luôn bên cạnh người bệnh 24/24 giờ, tránh tối đa trường hợp xấu xảy ra, đặc biệt là buổi tối - thời điểm bệnh nhân dễ có hành vi tự tử trở lại.

Theo Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/cuu-nguoi-tram-cam-ra-sao-20230620223637398.htm 

  • Từ khóa

Dưa hấu và dưa lưới: Loại quả nào tốt hơn cho sức khỏe?

Nhờ hàm lượng nước cao, dưa là lựa chọn tối ưu cho chế độ ăn kiêng vào mùa hè. Nhưng ăn dưa hấu và dưa lưới, loại nào tốt hơn cho sức khỏe?
12:39 - 04/05/2024
309 lượt xem

AstraZeneca thừa nhận vắc xin có thể gây cục máu đông, có đáng lo?

Lần đầu tiên AstraZeneca thừa nhận vắc xin COVID-19 của hãng có thể gây cục máu đông, nói đây là tác dụng phụ hiếm gặp. Nhiều người ở Việt Nam đã tiêm...
14:51 - 03/05/2024
833 lượt xem

WHO: Không chỉ rượu, thức uống này cũng dễ gây ung thư gan

Nguy cơ ung thư biểu mô tế bào gan có thể tăng đến 83% bởi một loại đồ uống mà nhiều người tưởng rằng không liên quan đến cơ quan này.
11:21 - 03/05/2024
914 lượt xem

Phát hiện dạng đậu mùa khỉ mới dễ lây, có thể khiến 10% người bệnh tử vong

Theo Tổ chức Y tế thế giới, CHDC Congo đã báo cáo gần 300 trường hợp tử vong nghi ngờ do đậu mùa khỉ (mpox) kể từ tháng 1-2024.
09:39 - 03/05/2024
956 lượt xem

Bệnh nghề nghiệp nào được Bộ Y tế đề xuất hưởng bảo hiểm xã hội?

Bộ Y tế đề xuất quy định Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và hướng dẫn chẩn đoán, giám định bệnh nghề nghiệp.
07:44 - 03/05/2024
1,028 lượt xem