190
/
144988
WHO: Người khỏe mạnh dưới 60 tuổi không cần tiêm thêm vắc-xin COVID-19 sau mũi 3
who-nguoi-khoe-manh-duoi-60-tuoi-khong-can-tiem-them-vac-xin-covid-19-sau-mui-3
news

WHO: Người khỏe mạnh dưới 60 tuổi không cần tiêm thêm vắc-xin COVID-19 sau mũi 3

Thứ 4, 29/03/2023 | 16:23:18
1,968 lượt xem

Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ban hành hướng dẫn quốc tế mới, cập nhật khuyến nghị đối với việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 với nhiều sửa đổi quan trọng.

Theo văn bản mà Báo Người Lao Động vừa nhận được từ WHO sáng 29-3, SAGE - WHO đã sửa đổi lộ trình ưu tiên sử dụng vắc-xin COVID-19. Theo bác sĩ Hanna Nohynek, Chủ tịch SAGE, lộ trình này được cập nhật "để phản ánh rằng phần lớn dân số đã được tiêm phòng hoặc đã nhiễm COVID-19 trước đó hoặc cả hai".

Trong hướng dẫn mới nhất này, SAGE chia cộng đồng thành ba nhóm ưu tiên cao, trung bình và thấp.

WHO: Người khỏe mạnh dưới 60 tuổi không cần tiêm thêm vắc-xin COVID-19 sau mũi 3 - Ảnh 1.

Logo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - Ảnh: REUTERS

Nhóm ưu tiên cao (nguy cơ cao) bao gồm người lớn tuổi; những người trẻ tuổi mắc các bệnh đi kèm nghiêm trọng; những người có tình trạng suy giảm miễn dịch (ví dụ người sống chung với HIV hay đã được ghép tạng), kể cả trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên; người mang thai; và nhân viên y tế tuyến đầu.

Nhóm nguy cơ cao này được khuyến nghị tiêm nhắc vắc-xin COVID-19 mỗi 6 hoặc 12 tháng kể từ liều cuối cùng, với khung thời gian tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi tác và tình trạng suy giảm miễn dịch.

Nhóm ưu tiên trung bình bao gồm người lớn khỏe mạnh – thường được quy định là dưới 50 hoặc 60 tuổi – không có bệnh đi kèm, trẻ em và thanh thiếu niên có bệnh đi kèm nhưng không nghiêm trọng.

SAGE đề xuất các liều cơ bản và liều tăng cường đầu tiên cho nhóm ưu tiên trung bình (thường là 3 mũi đầu tiên). Mặc dù các liều tăng cường bổ sung là an toàn cho nhóm này nhưng SAGE không khuyến nghị sử dụng chúng thường xuyên do lợi ích sức khỏe cộng đồng tương đối thấp.

"Vắc-xin an toàn và có hiệu quả chống lại bệnh nghiêm trọng và tử vong, nhưng đối với nhóm nguy cơ trung bình này, mặc dù không có hại gì khi tiêm thêm một mũi nữa, nhưng lợi ích của những mũi tiêm bổ sung này thực sự rất nhỏ" - bác sĩ Nohynek nói trong cuộc họp báo toàn cầu tối 28-3.

Nhóm ưu tiên thấp bao gồm trẻ em và thiếu niên khỏe mạnh từ 6 tháng đến 17 tuổi. Liều cơ bản và liều tăng cường an toàn và hiệu quả ở trẻ em và thanh thiếu niên. Đối với nhóm này, SAGE - WHO không yêu cầu việc có tiêm chủng hay không, mà trao quyền cho các quốc gia.

"Xét đến gánh nặng bệnh tật thấp, SAGE kêu gọi các quốc gia đang xem xét tiêm chủng cho nhóm tuổi này nên đưa ra quyết định tiêm hay không (bao gồm đối với các liều cơ bản) dựa trên các yếu tố hoàn cảnh, chẳng hạn như gánh nặng bệnh tật, hiệu quả chi phí và các ưu tiên về sức khỏe hoặc chương trình khác" - văn bản của WHO nêu rõ.

Bác sĩ Nohynek nhấn mạnh một trong những yếu tố quan trọng các quốc gia cần cân nhắc khi lựa chọn tiêm hay không tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em và thiếu niên khỏe mạnh đó là điều này có làm ảnh hưởng tiến trình tiêm ngừa các vắc-xin thông thường khác "rất quan trọng đối với sức khỏe và hạnh phúc của nhóm tuổi này hay không".

Trước đó, WHO từng nhiều lần cảnh báo về việc chương trình tiêm chủng các vắc-xin cứu mạng hàng đầu cho trẻ em đã bị gián đoạn do đại dịch COVID-19 - ví dụ vắc-xin sởi - có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, nên được xem là ưu tiên hàng đầu trong chính sách tiêm chủng.

SAGE - WHO cũng đặc biệt nhấn mạnh việc tiêm phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai, bởi bệnh này có nguy cơ cao với thai phụ đồng thời gánh nặng do COVID-19 nghiêm trọng ở trẻ dưới 6 tháng tuổi vẫn cao hơn so với trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Tiêm phòng cho người mang thai giúp bảo vệ cho em bé trong thai kỳ và cả giai đoạn đầu đời.

Theo Người lao động

https://nld.com.vn/suc-khoe/who-nguoi-khoe-manh-duoi-60-tuoi-khong-can-tiem-them-vac-xin-covid-19-sau-mui-3-20230329091326141.htm

  • Từ khóa

AstraZeneca thừa nhận vắc xin có thể gây cục máu đông, có đáng lo?

Lần đầu tiên AstraZeneca thừa nhận vắc xin COVID-19 của hãng có thể gây cục máu đông, nói đây là tác dụng phụ hiếm gặp. Nhiều người ở Việt Nam đã tiêm...
14:51 - 03/05/2024
113 lượt xem

WHO: Không chỉ rượu, thức uống này cũng dễ gây ung thư gan

Nguy cơ ung thư biểu mô tế bào gan có thể tăng đến 83% bởi một loại đồ uống mà nhiều người tưởng rằng không liên quan đến cơ quan này.
11:21 - 03/05/2024
169 lượt xem

Phát hiện dạng đậu mùa khỉ mới dễ lây, có thể khiến 10% người bệnh tử vong

Theo Tổ chức Y tế thế giới, CHDC Congo đã báo cáo gần 300 trường hợp tử vong nghi ngờ do đậu mùa khỉ (mpox) kể từ tháng 1-2024.
09:39 - 03/05/2024
240 lượt xem

Bệnh nghề nghiệp nào được Bộ Y tế đề xuất hưởng bảo hiểm xã hội?

Bộ Y tế đề xuất quy định Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và hướng dẫn chẩn đoán, giám định bệnh nghề nghiệp.
07:44 - 03/05/2024
275 lượt xem

4 nhóm thực phẩm gây ảnh hưởng đến ‘chuyện ấy’

Chế độ ăn uống không chỉ quyết định đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến “chuyện ấy”. Trong đó, có một số nhóm thực phẩm có thể làm giảm nhiệt...
15:59 - 02/05/2024
635 lượt xem