19
/
138398
Tôi viết trường ca 'Dạ, tôi là Sáu Dân'
toi-viet-truong-ca-da-toi-la-sau-dan
news

Tôi viết trường ca 'Dạ, tôi là Sáu Dân'

Thứ 4, 23/11/2022 | 15:17:00
2,026 lượt xem

Khi mới đọc cái đầu đề trường ca Dạ, tôi là Sáu Dân trên bản thảo của tôi, có người bạn đã lo lắng hỏi: “Sao anh lại viết “Dạ, tôi là Sáu Dân”?

Tôi cười, mời bạn đọc tiếp 4 câu đề từ của trường ca này:

“Dạ, tôi là Sáu Dân

Là tôi thưa với nghĩa ân tình người

Tôi thưa với nhân dân tôi

Thưa cùng đất nước muôn đời Việt Nam”

Người bạn ấy đọc xong gật gù: Em hiểu rồi anh ạ!

Chỉ với 4 câu mộc mạc, tôi nghĩ, đã nói được phần đáng yêu đáng kính nhất trong phẩm chất, tính cách, tâm hồn một người lãnh đạo từng tham gia Khởi nghĩa Nam kỳ 1940 như ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt.

Tôi viết trường ca 'Dạ, tôi là Sáu Dân' - ảnh 1

Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản trường ca Dạ, tôi là Sáu Dân năm 2016

Tôi nghĩ, khi lễ phép “Thưa” với nhân dân mình, với đất nước mình như ông Sáu Dân, và không quên “Thưa” với “Nghĩa ân tình người”, thì con người ấy đã hiện lên như một CON NGƯỜI viết hoa rồi.

Tôi viết trường ca 'Dạ, tôi là Sáu Dân' - ảnh 2

Nhà thơ Thanh Thảo (trái) và nhà văn Lưu Kiểng Xuân trong rừng chiến khu Tây Ninh, năm 1974 TƯ LIỆU TÁC GIẢ

Trong đời, tôi chỉ có cơ may tình cờ gặp con người ấy một lần duy nhất, và chỉ trong 15 giây. Đó là cuộc gặp tình cờ giữa rừng chiến khu Tây Ninh, năm 1974, khi tôi và nhà văn Lưu Kiểng Xuân bạn tôi đi chơi ở một “cứ” khác trở về “B6 Tuyên truyền Binh vận”. Tôi và anh Tư Xuân đã gặp ông Võ Văn Kiệt khi ông đi xe đạp cùng đoàn cận vệ trở về ngôi nhà sàn ven sông Vàm Cỏ Đông của ông. Ông Sáu Dân khi thấy hai chúng tôi, đã dừng xe đạp, xuống xe và bắt tay hai thằng lính lang thang là tôi và anh Tư Xuân, sau đó lại lên xe đạp tiếp. Tất cả chỉ diễn ra trong khoảng 15 giây.

Cuộc gặp gỡ tình cờ ấy đã để lại trong tôi những chấn động, những suy nghĩ, và tôi thấy, người xuống xe đạp bắt tay mình là người rất tử tế. Lúc ấy, tôi chỉ là người lính, dù làm báo (Đài phát thanh) nhưng vẫn là lính thôi, có gì đâu. Lúc ấy, tôi đã biết ông Sáu Dân, còn có thể, ông chưa biết tôi. Cử chỉ thân ái của ông với hai chúng tôi đã khiến tôi cảm động và suy nghĩ. Và, tôi cũng không ngờ, sau 40 năm, tôi lại viết được một trường ca về ông Sáu Dân.

Khi ông Võ Văn Kiệt qua đời ngày 11.6.2008, tôi đã viết trên Báo Thanh Niên một bài tưởng niệm ông, nhan đề Tiếc thương ông Sáu vì Dân. Trong bài ấy có đoạn thế này:

“Tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt bí danh hoạt động cách mạng của mình là “Sáu Dân”. Có thể, ý nghĩa ban đầu của bí danh này đã có khi ông Kiệt nghĩ mình “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” như mọi chiến sĩ cách mạng khác. Nhưng, về sau, qua suốt cuộc đời hoạt động cách mạng rồi xây dựng bảo vệ đất nước, trải bao thăng trầm của thế cuộc, bao đau thương mình và gia đình mình từng trải cùng nhân dân, bao chiêm nghiệm về lẽ biến lẽ thường trong đời sống, ông Võ Văn Kiệt đã nhìn thấy trong cái tên bí danh “Sáu Dân” giản dị của mình mang nặng một lý tưởng: vì Dân.

Đó là lý tưởng có từ thời các vua Trần, có từ thời Nguyễn Trãi, có trong thơ Nguyễn Du, thơ Cao Bá Quát, đặc biệt là trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, có trong những lời kêu gọi thống thiết cháy lòng của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Và có trong tư tưởng, hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là một truyền thống của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam: yêu nước luôn gắn liền với yêu dân, đấu tranh cho độc lập của Tổ quốc chính là để cho nhân dân được tự do, hạnh phúc, để “Đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, như Bác Hồ hằng tâm niệm”.

Từ lòng ngưỡng mộ của bản thân mình, tôi đã tìm hiểu thêm về cuộc đời ông Sáu Dân, trước khi quyết định viết trường ca Dạ, tôi là Sáu Dân. Người làm thơ, chỉ viết được khi mình đã thật yêu. Và toàn bộ trường ca này là sự thổ lộ của nhân vật chính - ông Sáu Dân:

“Vợ con tôi giờ này ở đâu

Đáy sông nước êm hay nước xiết

Lục bình trôi mải miết

Hồn vợ con tôi nương náu nơi nào

Nửa khuya buồn một tiếng quốc kêu

Sao con tàu lại tên Thuận Phong

Sao vợ con tôi lại ngồi con tàu đó

“Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng

Về sông ăn cá về đồng ăn cua”

Bây giờ ăn gì cũng vậy thôi

Đâu còn vui nữa”

Ông Sáu đã mất vợ và hai con nhỏ của mình ngay trên sông Sài Gòn do bom Mỹ. Mở đầu trường ca bằng một bi kịch thảm khốc của gia đình ông Sáu, tác giả muốn nói gì qua độc thoại của chính nhân vật:

“Tôi cũng có những 0 giờ của mình, nào ai biết

Tôi cũng có những phút giây thảm thiết

Nào ai hay

Cuộc đời tôi không là diễn văn dài

Hay điếu văn ấn tượng

Tôi không muốn khi đứng lên nằm xuống

Lại có người tụng ca

Cuộc đời tôi bùn với đất chan hòa”

Người tự nói ra những điều đau khổ ấy, thực sự là con người lớn lao, dù những lời thổ lộ là hết sức riêng tư, hết sức khiêm nhường. Cả trường ca có rất nhiều những đoạn thổ lộ như vậy của ông Sáu Dân. Tôi muốn người đọc chia sẻ mọi vui buồn, kể cả đau thương đau khổ với nhân vật chính của trường ca này, đúng như tính cách mộc mạc của ông Sáu Dân.

Dạ, tôi là Sáu Dân là bản trường ca về một nhân vật chính, do nhân vật ấy tự thổ lộ qua độc thoại, không có bất cứ những lời chữ hay đoạn thơ nào người viết cố tình dùng uyển ngữ, viết cho hay cho đẹp. Những gì căn cốt đều được nói ra như nó có, không cần những câu thơ tuyệt cú, vì cuộc đời của mỗi con người đều hiện lên với những câu thơ bình thường như vậy. Một nhà thơ bạn tôi đã gọi đó là “thơ - ngoài thơ”. Đúng như thế.

Có những đoạn trong trường ca này, khi viết xong, đọc lại, tôi muốn khóc. Nhưng tôi không thay đổi:

Theo Thanh niên

https://thanhnien.vn/toi-viet-truong-ca-da-toi-la-sau-dan-post1524406.html 

  • Từ khóa

Khai mạc Triển lãm ‘Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam và Tầm vóc thời đại’

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức Triển lãm tư liệu “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam và...
15:15 - 07/05/2024
194 lượt xem

Từ Hà Nội xem tranh panorama ở Điện Biên

Từ bên hồ Gươm (Hà Nội), công chúng có thể ngắm bức tranh panorama về chiến dịch Điện Biên Phủ đang ở một bảo tàng tại tỉnh Điện Biên.
15:28 - 07/05/2024
181 lượt xem

Lần đầu tiên Việt Nam có tour đêm băng rừng ngắm đom đóm, huyền ảo như cổ tích

Nhằm đáp ứng nhu cầu của khách tham quan và mang đến những trải nghiệm mới lạ, thú vị cho du khách, Vườn quốc gia Cúc Phương đã chính thức mở tour tham...
12:22 - 07/05/2024
263 lượt xem

Lần đầu tổ chức Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng

Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất năm 2024 sẽ diễn ra từ 13 đến 20-5, tại Hải Phòng
11:45 - 07/05/2024
280 lượt xem

Công chiếu bộ phim đầu tiên hoàn toàn do trí tuệ nhân tạo AI tạo ra

Liên hoan phim ngắn và châu Á 2024 sẽ tập trung vào các vấn đề đang nổi cộm toàn cầu trong bối cảnh xung đột và thảm họa đang diễn ra trên toàn thế giới,...
10:05 - 07/05/2024
335 lượt xem