18
/
154558
Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 19: Xin lỗi người hâm mộ!
truong-doan-the-thao-viet-nam-tai-asiad-19-xin-loi-nguoi-ham-mo
news

Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 19: Xin lỗi người hâm mộ!

Thứ 2, 09/10/2023 | 11:33:00
2,151 lượt xem

Ông Đặng Hà Việt - trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 19 - xin lỗi người hâm mộ cả nước vì thành tích của đoàn chưa được như mong đợi.

Ông Đặng Hà Việt - trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 19 - gửi lời xin lỗi người hâm mộ vì thành tích của đoàn chưa được như kỳ vọng - Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Ông Đặng Hà Việt - trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 19 - gửi lời xin lỗi người hâm mộ vì thành tích của đoàn chưa được như kỳ vọng - Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Tối 8-10, Asiad 19 đã khép lại tại Trung Quốc. Kết thúc đại hội, đoàn thể thao Việt Nam giành 3 HCV và đứng thứ 6 Đông Nam Á, thứ 21 châu Á. Dù hoàn thành chỉ tiêu huy chương trước khi đi (giành từ 2-5 HCV), tuy nhiên xét về tổng thể thể thao Việt Nam đã thụt lùi ở khu vực, châu Á và bị các đối thủ bỏ rất xa. 

Trả lời phỏng vấn truyền thông sau khi Asiad 19 kết thúc, ông Đặng Hà Việt - cục trưởng Cục Thể dục thể thao kiêm trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Aisad 19 - cho biết:

"Về chuyên môn, kết thúc Asiad 19 đoàn thể thao Việt Nam giành 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ và đã hoàn thành chỉ tiêu đạt được từ 2-5 HCV. Điều chúng tôi hài lòng là các VĐV đã nỗ lực thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Trong đó có những môn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như: đội tuyển bắn súng, cầu mây, mỗi đội đoạt 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ; đội tuyển karatedo đoạt 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ. Nhiều môn thể thao tuy không đạt được huy chương vàng như thể dục, bắn cung, bóng chuyền... đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của các VĐV trẻ.

Về thông số thành tích, ngoài sự xuất sắc của các môn trên còn có một số thành tích khác, tuy chưa đạt kết quả như mong muốn nhưng cũng đáng để khích lệ như thành tích 7 phút 51 giây 44 của VĐV Nguyễn Huy Hoàng, nội dung bơi 800m tự do, đã tốt hơn 2,88 giây so với lần Hoàng giành HCĐ ở Asiad 18. Nội dung 4x400m tiếp sức của môn điền kinh, dù chỉ về đích ở vị trí thứ 4 nhưng thành tích 3 phút 31 giây 61 đã vượt qua mức 3 phút 32,36 ở Giải vô địch châu Á 2023. Đặc biệt đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đạt vị trí tốt nhất tại các kỳ Asiad. Dù thua Thái Lan 0-3 ở trận tranh HCĐ, đứng hạng tư chung cuộc nhưng đội đã có những chiến thắng làm nức lòng người hâm mộ trước Hàn Quốc, Triều Tiên".

Dù vậy, theo ông Đặng Hà Việt, Asiad 19 cũng để lại nhiều tiếc nuối. Đó là việc tay đua Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Hoàng Thị Mỹ Tâm (karatedo)... bị chấn thương trước đại hội nên không thể thực hiện mục tiêu giành HCV.

Môn bắn súng, dù xạ thủ Phạm Quang Huy xuất sắc đoạt HCV nhưng theo trưởng đoàn thể thao Việt Nam, các VĐV Phan Công Minh, Hà Minh Thành, Trịnh Thu Vinh trước đại hội tập tốt nhưng vào đại hội không có thành tích. Kình ngư Huy Hoàng cũng chưa đạt chuẩn A Olympic Paris 2024 và đổi màu được huy chương ở cự ly sở trường 1.500m tự do.

Kình ngư Huy Hoàng chưa thể bảo vệ thành tích ở nội dung sở trường 1.500m tự do - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Kình ngư Huy Hoàng chưa thể bảo vệ thành tích ở nội dung sở trường 1.500m tự do - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trước câu hỏi về bài toán thể hình, thể lực VĐV Việt Nam kém so với đối thủ, cách khắc phục, ông Đặng Hà Việt nói:

Hiện chúng ta đã có đề án tổng thể nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Đề án này được thực hiện không chỉ góp phần vào mục tiêu dân cường thì nước thịnh, như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn giúp cho thể thao thành tích cao của Việt Nam có được thành tích tốt hơn. Tuy nhiên việc triển khai đề án hiện chưa được như mong muốn, chúng ta chưa có được sự phối hợp nhịp nhàng từ tất cả các nguồn lực, y tế, giáo dục tới thể thao… nên chưa thể thực hiện được mục tiêu. Vì thế công tác tuyển chọn VĐV, tuyển chọn nhân tài cho thể thao Việt Nam còn nhiều khó khăn.

Ví dụ điển hình ở đội bóng đá nữ Việt Nam, đứng trước nguy cơ bị đội tuyển Philippines vượt lên bởi chính sách nhập tịch. Các nữ cầu thủ Philippines có lợi thế về chiều cao và thể lực để hướng tới mục tiêu cao hơn là Olympic.

Môn rowing, Việt Nam rất mạnh ở nội dung thuyền nhẹ và là môn mang về HCV Asiad 18, được ta tiếp tục đầu tư. Chính vì vậy bạn đã không đưa các nội dung thuyền nhẹ vào thi đấu tại Asiad 19. Các VĐV thuyền nhẹ phải chuyển đổi sang thuyền nặng để tập luyện từ đầu năm 2023. Các VĐV Việt Nam đều thấp, bé, nhẹ cân trong khi đó VĐV nữ thấp nhất của Trung Quốc cao tới 1,8m. Đối với các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, để tuyển chọn được VĐV nữ thi đấu ở môn đua thuyền nặng nói riêng và các môn khác nói chung mà cao 1,8m, có tố chất phù hợp rất khó khăn. 

Việc phát triển thể thao thành tích cao không phải chỉ trong ngày một, ngày hai, chúng ta đã có ngay các nhà vô địch châu Á, Olympic. Đó sẽ là một quá trình cần một hệ thống bài bản, từ việc phát triển giáo dục thể chất, xác định môn nào là trọng điểm. Cần phải có hệ thống tuyển chọn ở 63 tỉnh, thành và gần như ngay ở các cấp, từ cấp tiểu học đã phải có hệ thống thi đấu, từ đó mới lựa chọn được nhiều tài năng cho thể thao Việt Nam.

Hoạt động tuyển chọn tài năng cho thể thao Việt Nam giống như việc "đãi cát tìm vàng", nếu chúng ta "đãi cát" ở 63 tỉnh, thành và ở cả hệ thống tiểu học thì sẽ tìm được nhiều tài năng. Còn hiện nay, tuy nói là đầu tư trọng điểm nhưng mới chỉ là trọng điểm trong tập huấn, thi đấu cấp độ đội tuyển và tuyển trẻ. 

Thể thao Việt Nam cần một quy trình toàn diện, khoa học và bài bản, từ khâu tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, hồi phục, phòng tránh - điều trị chấn thương. Bên cạnh đó là đội ngũ khoa học với trang thiết bị hiện đại để hỗ trợ công tác kiểm tra, đánh giá VĐV, phân tích đối thủ và đặc biệt các môn thể thao trọng điểm cần có hệ thống thi đấu từ cấp tiểu học.

Thấp bé, nhẹ cân là điểm yếu của các VĐV Việt Nam so với châu lục và thế giới - Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Thấp bé, nhẹ cân là điểm yếu của các VĐV Việt Nam so với châu lục và thế giới - Ảnh: QUÝ LƯỢNG

* Có ý kiến cho rằng chúng ta đứng đầu ở Đông Nam Á nhưng lại "rơi rụng" ở Asiad, Olympic. Đâu là lý do của tình trạng này?

- Asiad và Olympic là 2 đấu trường đỉnh cao của châu lục và thế giới. Để đầu tư đạt được thành tích tại 2 đấu trường lớn nhất này chúng ta xác định còn rất nhiều việc phải làm. Các nhà nghiên cứu về khoa học thể dục thể thao trên thế giới đã chỉ ra rằng thể thao thành tích cao chính là sự cạnh tranh quyết liệt của những nền kinh tế lớn. Tại đấu trường Olympic, sự cạnh tranh đó sẽ diễn ra giữa các nền thể thao của những nền kinh tế lớn trên thế giới là: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... như bảng tổng sắp của Olympic Tokyo 2020. Ở Asiad sẽ là cuộc cạnh tranh của các nền kinh tế lớn nhất châu lục là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây cũng là 3 cường quốc dẫn đầu tại Asiad 19.

Các nền kinh tế lớn sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của thể thao thành tích cao. Đó là sự đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ, đội ngũ nhân lực chất lượng cao, việc kêu gọi các nguồn tài trợ đầu tư cho thể thao thành tích cao... Còn với Việt Nam, dù Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương luôn quan tâm nhưng để thành tích của thể thao được như mong muốn, chúng ta cần thêm nhiều yếu tố từ đầu tư tới công tác đào tạo, tuyển chọn, hệ thống các giải đấu. 

Quy trình để đào tạo cho 1 tài năng thể thao thường mất khoảng 10 năm. Trong quá trình đó, vẫn phải diễn ra việc "đãi cát tìm vàng", có khi hàng ngàn VĐV tham gia tập luyện chuyên nghiệp mới có được một tài năng cấp châu lục và thế giới. Việc này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và cách làm việc khoa học, bài bản.

Điền kinh là một trong những môn thi thất bại tại Asiad 19 - Ảnh: ĐỨC KHUÊ

Điền kinh là một trong những môn thi thất bại tại Asiad 19 - Ảnh: ĐỨC KHUÊ

Phân tích các môn thể thao đoạt huy chương vàng của các nước Đông Nam Á thấy rất rõ, hầu hết huy chương của họ đến từ các môn thể thao xã hội hóa và các môn thể thao truyền thống có hệ thống thi đấu từ cấp tiểu học: Thái Lan 12 HCV (2 golf, 1 e-sports, 3 thuyền buồm, 4 cầu mây); Malaysia 6 HCV (1 cưỡi ngựa, 1 thuyền buồm, 3 squash), Singapore 3 HCV (2 thuyền buồm)...

Mặc dù đạt chỉ tiêu đề ra nhưng đoàn thể thao chưa đạt thành tích như mong đợi. Thay mặt lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam, tôi gửi lời xin lỗi đến người hâm mộ trong cả nước và mong thời gian tới thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, người hâm mộ. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng phấn đấu để nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam.

Theo Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/truong-doan-the-thao-viet-nam-tai-asiad-19-xin-loi-nguoi-ham-mo-20231009074315538.htm 

  • Từ khóa

HLV Kim Sang-sik: ‘Tôi muốn đem lại tự hào cho Việt Nam như người tiền nhiệm Park Hang-seo’

Bóng đá Việt Nam đang nhận những dấu hiệu tích cực khi mối quan hệ giữa VFF và tân HLV trưởng Kim Sang-sik bắt đầu bằng sự hiểu thấu lẫn nhau.
08:21 - 04/05/2024
96 lượt xem

Ông Kim Sang-sik chính thức làm HLV trưởng tuyển Việt Nam

LĐBĐ Việt Nam (VFF) và HLV Kim Sang-sik đã đồng thuận, thống nhất các nội dung liên quan đến vị trí HLV trưởng đội tuyển Việt Nam và U23 quốc gia với bản...
16:05 - 03/05/2024
501 lượt xem

HLV Shin Tae-yong phẫn nộ chỉ trích trọng tài sau trận thua U23 Iraq

Mặc dù không có vấn đề gì về trọng tài ở trận thua U23 Iraq nhưng HLV Shin Tae-yong vẫn chỉ trích giới trọng tài ở giải đấu châu Á năm nay.
15:33 - 03/05/2024
511 lượt xem

Cơ hội cho Uzbekistan và Nhật Bản

Tại trận chung kết Giải bóng đá U23 châu Á năm 2024 đêm nay 3/5 (theo giờ Việt Nam), đội U23 Nhật Bản sẽ có cơ hội "đòi nợ" sau thất bại trước đội U23...
11:10 - 03/05/2024
602 lượt xem

Indonesia nhận ‘cái kết đau đớn’ tại U23 châu Á

“Cái kết đau đớn’ là cách truyền thông Indonesia mô tả về trận thua của đội nhà trước Iraq khiến hụt vé dự Olympic Paris thông qua giải U23 châu Á...
08:56 - 03/05/2024
672 lượt xem