11
/
163635
Lỗ hổng kiểm định đại học
lo-hong-kiem-dinh-dai-hoc
news

Lỗ hổng kiểm định đại học

Thứ 2, 06/05/2024 | 10:30:00
2,111 lượt xem

Mở ngành loạn xạ, hợp tác trường và ngành kinh tế còn hạn chế, doanh nghiệp vẫn kêu sinh viên tốt nghiệp thiếu kiến thức và kỹ năng làm việc... Đó là những lỗ hổng không khó để nhận ra ở nhiều trường đại học, kể cả các trường/ngành đã được kiểm định.

Cơ hội việc làm luôn là một trong những mối băn khoăn của phụ huynh, học sinh tại các chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ. Trong ảnh: phụ huynh đặt câu hỏi trong chương trình tư vấn “Cùng con chọn trường” vào ngày 21-4 vừa qua - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trong những năm qua, hàng trăm chương trình đào tạo đã được đánh giá và được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chương trình bởi các trung tâm kiểm định trong nước và nước ngoài.

Có thể nói công việc này đã tốn rất nhiều tiền bạc và các nguồn lực khác nhưng đổi lại liệu nó có góp phần cải thiện chất lượng ngành học thì chưa có kiểm chứng qua các nghiên cứu đánh giá.

Kiểm định kiểu... thầy bói xem voi

Nguyên nhân đầu tiên dẫn tới những lỗ hổng trong kiểm định đại học là do chúng ta đồng phục hóa tiêu chuẩn kiểm định mà thiếu đi tiêu chuẩn riêng cho những ngành học mang tính chuyên nghiệp và ứng dụng cao như khối ngành kỹ thuật công nghệ, y khoa, sư phạm, luật...

Vừa qua tại hội thảo nâng cao chất lượng đào tạo bác sĩ, một số đại biểu kiến nghị cần phải có tiêu chuẩn kiểm định riêng cho ngành học này.

Nếu áp dụng tiêu chuẩn kiểm định chung sẽ bỏ qua các tiêu chuẩn chuyên môn mà người hành nghề này phải đáp ứng và chương trình đào tạo được kiểm định phải đảm bảo việc chuẩn bị cho sinh viên đáp ứng những đòi hỏi này.

Nguyên nhân thứ hai có thể kể đến là do việc áp dụng tiêu chuẩn chung như vậy nên các kiểm định viên được đào tạo và cấp chứng chỉ cũng chỉ có kiến thức, kỹ năng chung chung, rất khó có thể xem xét đánh giá một chương trình cụ thể ở mức độ chuyên môn sâu.

Ngoài ra, chương trình đào tạo kiểm định viên lại thiếu hẳn tiêu chuẩn chuyên nghiệp của các kiểm định viên đi từ bản mô tả vị trí việc làm kiểm định viên, nên chương trình đào tạo kiểm định viên khó đạt được mức xác thực như kỳ vọng.

Nguyên nhân thứ ba của lỗ hổng phải kể đến công tác tổ chức đoàn kiểm định đang mang nặng kiến thức thủ tục hơn là những kiến thức chuyên môn. Một số đoàn kiểm định đánh giá ngoài thường chỉ một hoặc hai người gọi là chuyên gia gắn với ngành hoặc gần với ngành học, còn lại hầu như không có chuyên môn về ngành học.

Thành ra, hiện tượng nhận xét theo kiểu "thầy bói xem voi" có thể xảy ra. Anh không có kiến thức chuyên môn về ngành y, luật, sư phạm mà đi đánh giá chương trình mang tính chuyên sâu thì rõ ràng là một cách làm hình thức, làm cho có.

Giá trị mà nhà trường được tổ chức kiểm định mang lại có lẽ chỉ còn lại quy trình đảm bảo chất lượng mang tính thủ tục, còn lại những vấn đề về chương trình giảng dạy, trang thiết bị phù hợp hoặc chất lượng giảng viên thực hiện chương trình giảng dạy sẽ khó có khuyến cáo giá trị để cải thiện chất lượng về thực chất.

Kết hợp giữa học thuật và chuyên môn

Từ những phân tích nêu trên, Bộ GD-ĐT nên sớm chỉ đạo xây dựng các tiêu chuẩn kiểm định riêng trước hết cho hai ngành y khoa và sư phạm đang có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội nếu chất lượng chương trình đào tạo không đảm bảo.

Đồng thời nên có chương trình đào tạo bồi dưỡng riêng cho kiểm định chương trình theo ngành học mà không đưa hết học viên vào "một rọ" để đào tạo lẫn lộn cả kiểm định nhà trường và kiểm định chương trình vì sự tác nghiệp của một nhóm kiểm định viên không hoàn toàn giống nhau.

Việc tổ chức các đoàn kiểm định cần có sự hài hòa giữa chuyên gia học thuật và chuyên môn để đảm bảo đánh giá toàn diện các chương trình từ cả góc độ lý thuyết và thực tiễn, tránh kiểu "giáo sư biết tuốt" khi cho những nhận xét đánh giá ngoài chương trình.

Sự kết hợp này giúp duy trì sự đánh giá cân bằng và kỹ lưỡng về việc liệu các chương trình có đáp ứng các tiêu chuẩn giáo dục và chuyên môn cần thiết hay không.

Việc lấy các giảng viên ngành học từ các trường đại học có lợi thế do họ hiểu được các phương pháp giáo dục phù hợp với ngành học, những kỹ thuật phát triển chương trình giảng dạy và văn hóa của trường đại học.

Tuy nhiên, không bỏ qua những lĩnh vực đòi hỏi kinh nghiệm thực tế cao về chuyên môn. Kinh nghiệm này giúp kiểm định viên hiểu được các phương pháp sư phạm và phương pháp giáo dục phù hợp của từng lĩnh vực.

Kinh nghiệm cho thấy kiểm định viên là chuyên gia từ doanh nghiệp là khá phổ biến trên thế giới tham gia đoàn kiểm định đánh giá ngoài nhờ họ có kinh nghiệm thực tế. Họ có thể đánh giá liệu chương trình giảng dạy có cập nhật với các công nghệ, phương pháp và tiêu chuẩn ngành mới nhất hay không.

Họ có thể giúp thu nhỏ khoảng cách chênh lệch giữa giáo dục đại học và đòi hỏi từ thực tế, giúp loại bỏ những nội dung không ăn nhập với nhu cầu doanh nghiệp và tư vấn bổ sung những kiến thức cập nhật, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo.

Tất nhiên, những chuyên gia từ ngoài doanh nghiệp cũng cần được đào tạo bồi dưỡng về tiêu chuẩn đánh giá, kiến thức thủ tục, kỹ năng giao tiếp, soạn thảo báo cáo...

Tóm lại, mặc dù việc kiểm định giáo dục đại học (bao gồm kiểm định cơ sở giáo dục và kiểm định chương trình) đang phát triển khá mạnh mẽ, nhưng việc xây dựng một chiến lược kiểm định cần được quan tâm đảm bảo hiệu quả thực chất từ hoạt động kiểm định để tự chủ đại học đi vào thực chất hơn, tránh "đồng phục hóa" tiêu chuẩn kiểm định chương trình chung chung.

Giá trị của kiểm định

Việc xây dựng bộ tiêu chuẩn kiểm định riêng cho những ngành đòi hỏi tính chuyên nghiệp sâu góp phần thúc đẩy công nhận bằng cấp xuyên biên giới, mở ra cơ hội việc làm cho người tốt nghiệp.

Đồng thời, nhà tuyển dụng dựa vào chứng nhận kiểm định để đảm bảo rằng sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình này có những kỹ năng và kiến thức cần thiết.

Điều này đặc biệt quan trọng trong các lĩnh vực kỹ thuật và chuyên môn cao, nơi học phí rất cao như ngành y chẳng hạn và hậu quả gây ra có thể rất lớn nếu chất lượng không đảm bảo.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/lo-hong-kiem-dinh-dai-hoc-20240505223736258.htm

  • Từ khóa

Làm gì để bảo vệ nhà khoa học?

Sự việc gây xôn xao trên nhiều diễn đàn nghiên cứu khoa học tuần qua là một tạp chí quốc tế gỡ bỏ bài báo có tên tác giả là giáo sư kinh tế Việt Nam.
07:35 - 18/05/2024
559 lượt xem

Thủ tướng chỉ thị chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/5/2024 về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung...
08:32 - 17/05/2024
1,112 lượt xem

Vụ lật xuồng chở công nhân ở Phú Yên: Do xuồng va đập vào thành cầu

Xác định nguyên nhân ban đầu của vụ lật xuồng chở công nhân trên sông Ba (Phú Yên) khiến 1 người chết và 2 người mất tích.
11:15 - 16/05/2024
1,672 lượt xem

Lùm xùm hơn 100.000 chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: Bất cập quản lý, tổ chức thi

Vụ lùm xùm liên quan hơn 100.000 chứng chỉ tiếng Anh quốc tế bị Thanh tra Bộ GD-ĐT kết luận tổ chức 'trái phép', vi phạm quy định tại VN là một sự việc...
07:55 - 16/05/2024
1,725 lượt xem

Trưởng khoa có ‘thực tài’ mới làm giám đốc doanh nghiệp ngoài trường?

Mặc dù pháp luật hiện nay không cho phép nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần có nhiều trưởng khoa, giảng viên là giám đốc doanh nghiệp để dạy tốt hơn, vì phải...
15:53 - 15/05/2024
1,934 lượt xem