Ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên thừa nhận “Đây là sự việc rất đau lòng, làm ảnh hưởng danh dự, uy tín ngành giáo dục”. Theo ông Phóng, đến thời điểm hiện tại, địa phương đã chỉ đạo Công an tỉnh tăng cường lực lượng chuyên môn nghiệp vụ giỏi điều tra làm rõ vụ việc.
Tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan việc nhóm nữ sinh đánh hội đồng, lột quần áo học sinh lớp 9 tại Hưng Yên hôm qua (31/3), cả Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Phùng Xuân Nhạ và Chủ tịch tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng đều cho rằng, cần xem xét cách chức Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu nhà trường vì thiếu tinh thần trách nhiệm, xử lý “du di, xuê xoa”.
Xử lý du di, xuê xoa
Trước sức nóng của đoạn video ghi lại cảnh nhóm nữ sinh đánh đập, hành hạ dã man, lột đồ nữ sinh N.T.H.Y học sinh lớp 9, Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi (Hưng Yên) gây phẫn nộ trong dư luận, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã về làm việc với nhà trường, Sở GD&ĐT, lãnh đạo UBND Tỉnh Hưng Yên cũng như thăm hỏi học sinh. Tại buổi làm việc, ông Nhạ khẳng định: “Đây là vụ việc rất nghiêm trọng, đau lòng, ảnh hưởng đến niềm tin xã hội, phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc tại Hưng Yên ngày 31/3
Sau khi yêu cầu Hiệu trưởng Trường THCS Phù Ủng, giáo viên chủ nhiệm trình bày lại sự việc, cách xử lý, bộ trưởng khẳng định, qua sự việc cho thấy, hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm chưa ý thức hết chức trách, nhiệm vụ được giao. Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm chưa chủ động nắm bắt tình hình, chưa sát sao với học sinh và các hoạt động của nhà trường. Lãnh đạo nhà trường đã buông lỏng quản lí, khi sự việc xảy ra chỉ nghe báo cáo, không có các giải pháp xử lý triệt để, kịp thời.
“Với vai trò là hiệu trưởng, là giáo viên chủ nhiệm, các thầy cô phải có trách nhiệm sát sao nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh. Nếu có trường hợp học sinh cá biệt phải kịp thời có biện pháp hỗ trợ. Các thầy cô cần phải quan tâm hơn đến các em, khi thấy có dấu hiệu bất thường phải phối hợp với gia đình để có biện pháp giáo dục thích hợp” - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, Hội đồng kỷ luật nhà trường xử lý một sự việc nghiêm trọng như vậy là chưa thỏa đáng, có phần du di, xuê xoa, không đủ sức răn đe.
Bộ trưởng đề nghị, “Ban Giám hiệu không hoàn thành nhiệm vụ thì xem xét cho thôi. Đây là bài học không chỉ cho ngành giáo dục Hưng Yên mà là bài học chung cho cả nước”. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên điều tra làm rõ sự việc, xử lý nghiêm sai phạm, sớm ổn định tình hình để các thầy cô chuyên tâm dạy học.
Bộ trưởng đề nghị chính quyền địa phương, các thầy cô giáo quan tâm, thăm hỏi, động viên hỗ trợ tối đa để em Y. sớm ổn định tâm lý, sớm trở lại học tập bình thường. Lãnh đạo địa phương, các nhà trường nhận thức sâu sắc về trách nhiệm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng, chống bạo lực học đường, có các giải pháp quyết liệt để không tái diễn các trường hợp tương tự.
Công an vào cuộc điều tra, làm rõ
Ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng thừa nhận “Đây là sự việc rất đau lòng, làm ảnh hưởng danh dự, uy tín ngành giáo dục”.
Theo ông Phóng, đến thời điểm hiện tại, địa phương đã chỉ đạo Công an tỉnh tăng cường lực lượng chuyên môn nghiệp vụ giỏi điều tra làm rõ vụ việc. “Đối với Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu Trường THCS Phù Ủng đề nghị xem xét làm quy trình xử lý cách chức, cách chức cả chi ủy nhà trường, cách chức tổng phụ trách đội, xem xét kỷ luật hội đồng kỷ luật nhà trường vì bao che, nương nhẹ. Xem xét trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm ở hình thức nặng hơn nữa vì không nắm được tâm tư nguyện vọng, tình cảm diễn biến của học sinh”.
Về các học sinh đánh bạn, ông Phóng yêu cầu, xem xét hạnh kiểm của những học sinh này và cả những em chứng kiến việc bạo hành mà không can ngăn, bênh vực.
Cô giáo H.T.T, giáo viên chủ nhiệm lớp 9, Trường THCS Phù Ủng, cho biết, trên lớp Y. rất ít nói, ít chơi với các bạn nên sự việc xảy ra, em không nói cho giáo viên cũng như gia đình để xử lý kịp thời . Cô chủ nhiệm cũng phủ nhận việc mình yêu cầu học sinh xoá clip để bao biện, che dấu mà chỉ dặn học sinh, sự việc đang trong quá trình điều tra nên các em không có những ánh nhìn, lời nói hay cử chỉ làm ảnh hưởng đến tinh thần bạn.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, cách xử lý của giáo viên chủ nhiệm cũng như lãnh đạo trường, hội đồng kỷ luật như vậy là thờ ơ, vô trách nhiệm, thậm chí là muốn bưng bít sự việc. Khi học sinh H.Y bị đánh chiều 22/3, đến tận ngày 25/3, nhà trường mới tổ chức cuộc họp kỷ luật với sự có mặt của gia đình 5 học sinh tham gia đánh bạn, đại diện gia đình H.Y và nhà trường. Tại buổi làm việc, hội đồng kỷ luật chỉ phạt đình chỉ học tập 4,5 ngày đối với các học sinh tham gia đánh bạn.
Ông Vũ Tiến Vinh, Cty Luật Bảo An cho rằng, hành vi đánh và lột quần áo người khác liên quan đến 2 tội danh là cố ý gây thương tích và làm nhục người khác. Hành vi đánh hội đồng trong vụ việc trên có thể chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa các em học sinh này không bị pháp luật xử lý.
“Nếu xét thấy những học sinh này thuộc đối tượng học sinh cá biệt mà việc dạy dỗ ở gia đình và nhà trường không đạt được hiệu quả thì cần đưa vào trường giáo dưỡng để các em phải tuân thủ các quy định và phải chấp hành các biện pháp giáo dục nghiêm khắc hơn. Pháp luật đã quy định khá đầy đủ về đối tượng, điều kiện để đưa vào trường giáo dưỡng”, ông Vinh cho biết. Về thiệt hại dân sự, do các em chưa đủ 16 tuổi nên cha mẹ, người giám hộ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị hại nếu có yêu cầu.
Theo Nguyễn Hà/Tiền phong