11
/
56360
Giáo viên được lựa chọn tác phẩm để dạy trong chương trình Ngữ văn mới
giao-vien-duoc-lua-chon-tac-pham-de-day-trong-chuong-trinh-ngu-van-moi
news

Giáo viên được lựa chọn tác phẩm để dạy trong chương trình Ngữ văn mới

Thứ 6, 22/12/2017 | 08:07:33
741 lượt xem

Ở chương trình Ngữ văn mới, giáo viên chỉ bắt buộc dạy 6 tác phẩm và được lựa chọn học những bài trong phần gợi ý của sách giáo khoa. 

Chủ biên chương trình môn Ngữ văn PGS Đỗ Ngọc Thống (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) chia sẻ đổi mới trong chương trình môn học sắp tới.

- Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Ngữ văn sẽ thay đổi như thế nào về mục tiêu môn học, thưa ông?

PGS Đỗ Ngọc Thống. Ảnh: NVCC.
PGS Đỗ Ngọc Thống. Ảnh: NVCC.

- Môn Ngữ văn không xác định mục tiêu theo kiến thức, kỹ năng, thái độ mà được xác định trên hai bình diện: phẩm chất và năng lực.

Về phẩm chất, môn học sẽ hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất như: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. Qua việc tìm hiểu những tác phẩm văn học chọn lọc, đặc sắc, học sinh có cơ hội khám phá bản thân và thế giới xung quanh. Từ đó các em có sự thấu hiểu con người, biết đồng cảm sẻ chia, có lòng trắc ẩn, vị tha, có cá tính và đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn…

Về năng lực, môn Ngữ văn giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp; thẩm mỹ; tư duy hình tượng; tư duy logic, đặc biệt trong lập luận, phản biện. Thông qua hệ thống kiến thức phổ thông nền tảng về văn học và tiếng Việt, học sinh được phát triển vốn học vấn căn bản; hình thành và phát triển con người nhân văn; biết tiếp nhận, cảm thụ, thưởng thức, đánh giá tác phẩm văn học và các giá trị cao đẹp trong cuộc sống. Cùng các môn học và hoạt động giáo dục khác, chương trình môn Ngữ văn góp phần giúp học sinh phát triển các năng lực chung như tự chủ và tự học, hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

- Môn Ngữ văn ở chương trình hiện hành gồm nhiều nội dung của khoa học Ngữ văn như: lý luận văn học; văn học Việt Nam qua các thời kỳ, các dòng văn học; văn học nước ngoài… Ở chương trình mới, cấu trúc này được thay đổi ra sao?

- Khoa Ngữ văn trong trường đại học có nhiều ngành lớn như: Ngôn ngữ học, lý luận văn học, văn học Việt Nam, văn học nước ngoài; trong văn học Việt Nam lại có văn học trung đại, văn học hiện đại… Chương trình phổ thông hiện hành lấy toàn bộ khung của khoa học Ngữ văn ấy để thu nhỏ lại dùng cho học sinh phổ thông. Trong khi môn Ngữ văn trong trường phổ thông không bao hàm toàn bộ ngành khoa học kể trên.

Chương trình môn Ngữ văn mới giảm tải số lượng tác phẩm học sinh bắt buộc phải học. Ảnh minh họa: Thành Nguyễn.

Chương trình môn Ngữ văn mới giảm tải số lượng tác phẩm học sinh bắt buộc phải học. Ảnh minh họa: Thành Nguyễn.

Xuất phát từ yêu cầu mới về mục tiêu môn học là tập trung hình thành, phát triển năng lực giao tiếp và thẩm mỹ - nhân văn, cấu trúc nội dung môn Ngữ văn cũng có sự thay đổi. Chương trình chỉ chọn lựa nội dung giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực, cụ thể là biết đọc hiểu, giao tiếp tốt, biết cảm thụ, thưởng thức văn chương là chính, chứ không đi sâu vào nghiên cứu khoa học Ngữ văn. Tất nhiên các kỹ năng cần được hiểu theo nghĩa rộng, ví dụ "Đọc" không chỉ là đọc thành tiếng mà còn là đọc hiểu, đọc thẩm mỹ, đọc sáng tạo, bao hàm cả yêu cầu cảm nhận, thưởng thức, đánh giá giá trị văn học.

Chương trình mới không tổ chức dạy theo tiến trình lịch sử văn học mà cho học sinh hình thành và phát triển cách đọc, viết, nói và nghe các kiểu loại văn bản. Kiến thức lịch sử văn học, lý luận văn học, ngôn ngữ được tích hợp vào các hoạt động đọc, viết, nói, nghe và phục vụ trực tiếp cho việc rèn luyện các kỹ năng này một cách hiệu quả.

Văn bản đọc được lựa chọn theo tiêu chí mục đích xã hội, bao gồm: văn học, nghị luận và văn bản thông tin. Chương trình Ngữ văn mới chú ý cả ba loại văn bản trên và quy định tỷ lệ loại văn bản một cách phù hợp. Đương nhiên theo tinh thần này, văn bản văn học vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất và việc dạy đọc loại này vẫn hết sức quan trọng.

- Các tác phẩm như thế nào sẽ được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn mới?

- Chương trình Ngữ văn mới không quy định cụ thể văn bản văn học được dạy trong từng lớp. Tuy vậy, một số tác phẩm quan trọng bắt buộc dạy học trong nhà trường được xác định rõ gồm: Nam quốc sơn hà tương truyền của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh. Các tác phẩm này chủ yếu được giảng dạy từ cuối cấp THCS và tập trung ở cấp THPT.

Quy định tác phẩm bắt buộc không có nghĩa là chỉ dạy tác phẩm đó. Việc dạy và học tác phẩm nào phải căn cứ vào yêu cầu cần đạt đã nêu trong chương trình để xác định lựa chọn cho phù hợp. Tuy nhiên để các tác giả sách giáo khoa và giáo viên tham khảo, hình dung được độ khó và sự thích hợp về thể loại, đề tài của văn bản đối với từng lớp học, chương trình Ngữ văn mới nêu kèm phụ lục văn bản được khuyến nghị dạy trong nhà trường cho mỗi lớp hoặc nhóm lớp.

Theo định hướng ấy, giáo viên và học sinh hoàn toàn có thể tự chọn tác phẩm (kể cả ngoài sách giáo khoa) để trao đổi trên lớp. Tuy nhiên, việc lựa chọn phải thận trọng, dựa vào các tiêu chí của văn bản ngữ liệu đã quy định trong chương trình.

- Như vậy, điểm ưu việt nhất học sinh sẽ được thụ hưởng trong chương trình môn Ngữ văn mới là gì?

- Học sinh sẽ học nhẹ nhàng hơn. Chương trình mới không chạy theo số lượng tác phẩm của cả nền văn học mà chỉ chọn lọc những tác phẩm tiêu biểu cho mỗi thể loại. Ví dụ trước đây cùng một thể loại truyền thuyết, học sinh lớp 6 sẽ học 4-5 tác phẩm thì chương trình mới chỉ dạy một sau đó yêu cầu các em đọc mở rộng tác phẩm khác. Như vậy, số lượng văn bản mang tính chất mẫu giảm đi, thời gian dành cho việc khai thác một tác phẩm tăng lên. Giáo viên sẽ có thời gian hướng dẫn học sinh tìm hiểu sâu hơn về tác phẩm, tập trung gợi ý những điểm quan trọng để đọc hiểu. Người học chương trình mới cũng có nhiều thời gian trao đổi, thảo luận và thấm nhuần giá trị của tác phẩm hơn.

Chương trình Ngữ văn mới giúp học sinh học chủ động hơn, có năng lực ngữ văn, phương pháp đọc, biết tự đọc, tự khám phá để nắm thông tin, hiểu được nội dung chính của một văn bản, hiểu được cái hay cái đẹp tác phẩm văn học. Qua đó, các em biết viết đúng, rõ ràng, diễn đạt ý tưởng của riêng mình một cách mạnh dạn, gãy gọn, sáng sủa; nói và nghe tự tin, có văn hóa. Thông qua chương trình học sinh sẽ yêu thích văn học, tiếng Việt; được phát triển lành mạnh về tâm hồn và nhân cách.

- Văn mẫu là vấn đề nhức nhối trong dạy - học, kiểm tra - đánh giá môn Ngữ văn hiện hành. Chương trình mới sẽ khắc phục như thế nào tình trạng này?

- Chương trình Ngữ văn mới chủ trương tôn trọng và khuyến khích sự sáng tạo của học sinh trong việc viết bài văn. Để tránh tình trạng đọc chép, chương trình có những quy định cụ thể về yêu cầu cần đạt, phương pháp dạy học và đặc biệt nêu rõ trong yêu cầu kiểm tra, đánh giá kết quả.

Chẳng hạn chương trình yêu cầu: "Việc đánh giá kết quả học tập cuối năm, cuối khóa không dựa vào các ngữ liệu đã học trong một cuốn sách giáo khoa Ngữ văn cụ thể mà lấy yêu cầu cần đạt nêu trong văn bản chương trình môn học làm căn cứ để biên soạn đề kiểm tra, đánh giá"; Hoặc "Cần xây dựng được câu hỏi, bài tập một cách rõ ràng, dễ đo lường; các đề thi, kiểm tra quan trọng cần yêu cầu học sinh vận dụng với tình huống và ngữ liệu mới. Dù đánh giá theo hình thức nào cũng đều phải bảo đảm nguyên tắc học sinh được bộc lộ, thể hiện phẩm chất, chất năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mỹ và tư duy của chính các em, không vay mượn, sao chép; khuyến khích các bài viết có cá tính và sáng tạo".

Từ định hướng trên, các giáo viên cần được tập huấn, bồi dưỡng để nắm được yêu cầu đổi mới đánh giá, từ nhận thức cho đến kỹ thuật ra đề.

Theo Quỳnh Trang/VnExpress

  • Từ khóa

Mới lớp 12, sinh viên năm nhất đã làm việc cùng người nổi tiếng

Tham gia các câu lạc bộ ở trường cao đẳng, đại học giúp sinh viên có cơ hội hợp tác với các nghệ sĩ nổi tiếng, tự tin tổ chức sự kiện.
15:50 - 08/05/2024
87 lượt xem

Dạy đại trà AI cho học sinh: Cần nhưng không vội

Các chuyên gia giáo dục đưa ra một số quan điểm xung quanh việc có nên đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào giảng dạy đại trà cho học sinh?
14:53 - 08/05/2024
97 lượt xem

Úc chấp nhận trở lại một chứng chỉ tiếng Anh quốc tế

Sau hơn 10 tháng từ chối để xét duyệt các cải tiến mới, chính phủ Úc đã chấp nhận trở lại chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT cho các mục đích thị thực (visa)...
10:52 - 08/05/2024
208 lượt xem

Đã trúng tuyển bằng học bạ có được xét thêm điểm thi tốt nghiệp THPT?

Trong giai đoạn xét tuyển sớm, nhiều thí sinh đã trúng tuyển bằng học bạ nhưng băn khoăn liệu sau khi thi tốt nghiệp THPT, muốn dùng điểm này để xét tuyển...
09:10 - 08/05/2024
310 lượt xem

Start-up Việt phát triển ứng dụng AI học tập được 300 trường học sử dụng

Start-up có tên Tomia phát triển ứng dụng học tập kết hợp AI và phương pháp giáo dục Montessori vốn được nhiều trường mầm non và phụ huynh sử dụng trong...
07:35 - 08/05/2024
300 lượt xem