11
/
126546
Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2022: Khó cho trường và thí sinh
du-thao-quy-che-tuyen-sinh-dai-hoc-2022-kho-cho-truong-va-thi-sinh
news

Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2022: Khó cho trường và thí sinh

Thứ 6, 15/04/2022 | 11:27:00
87 lượt xem

Nhiều chuyên gia cho rằng dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 với nhiều điểm mới sẽ gây khó cho các trường và cả thí sinh.

Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2022: Khó cho trường và thí sinh - Ảnh 1.

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: LÊ TIÊN

Theo dự thảo quy chế này, Bộ GD-ĐT nêu yêu cầu chung trong tuyển sinh trong đó nhấn mạnh: "Các cơ sở đào tạo phối hợp chặt chẽ dưới sự hỗ trợ, giám sát của Bộ GD-ĐT nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và liên thông trong hệ thống; giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyển sinh của mỗi cơ sở đào tạo và của toàn hệ thống". Tuy nhiên, đại diện các trường cho rằng nếu thực hiện theo dự thảo sẽ nảy sinh nhiều bất cập.

Dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay Bộ GD-ĐT không cho xác nhận nhập học sớm là một bước lùi và gây khó khăn cho các trường.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng

Thí sinh sẽ nhầm lẫn nhiều

Nội dung mới trong dự thảo quy chế khiến nhiều trường băn khoăn là quy định đăng ký xét tuyển trên hệ thống theo kế hoạch chung. 

Theo đó, thí sinh thể hiện nguyện vọng của mình qua những lựa chọn trên phiếu đăng ký (theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT): thứ tự ưu tiên của nguyện vọng (số 1 thể hiện nguyện vọng cao nhất); lựa chọn về cơ sở đào tạo, đơn vị tuyển sinh (mã trường); lựa chọn ngành, nhóm ngành, chương trình đào tạo và phương thức tuyển sinh (mã ngành); lựa chọn tổ hợp xét tuyển (mã tổ hợp) đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi theo môn thi, hoặc phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập các môn học THPT.

Về việc này, trưởng phòng đào tạo một trường đại học phía Bắc cho rằng với dự kiến của bộ sẽ xét tuyển nhiều phương thức cùng một đợt, chạy lọc ảo chung sẽ khó cho cả thí sinh và các trường. 

Ví dụ trường tuyển ngành công nghệ thông tin theo nhiều phương thức (học bạ, điểm thi THPT, điểm thi đánh giá năng lực...), nếu đặt vào cùng đợt xét, để máy tính nhận thì mỗi phương thức phải có một mã xét tuyển riêng và theo cả tên ngành. "Như vậy mỗi ngành sẽ có nhiều mã xét tuyển, khiến thí sinh dễ nhầm mã xét tuyển. 

Tôi đoán thí sinh sẽ nhầm lẫn nhiều và chọn sai mã xét tuyển dẫn đến sai lệch kết quả. Nhưng nếu không đặt ra nhiều mã xét tuyển thì lại không xét chung một đợt được. 

Quy định xét tuyển chung tất cả các phương thức xét tuyển cùng một đợt và lọc ảo chung sẽ nảy sinh nhiều yếu tố kỹ thuật bất cập rất khó để đảm bảo sự thuận lợi cho thí sinh và các trường trong xét tuyển" - vị này nói.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, những năm trước các trường yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm là để chống ảo và dồn chỉ tiêu mà các em không nhập học cho các phương thức xét tuyển khác thì trường mới tuyển đủ chỉ tiêu đồng thời tăng khả năng trúng tuyển của các thí sinh ở các phương thức còn lại. 

"Chỉ cần quy định các trường ĐH phải tải danh sách các thí sinh đã xác nhận nhập học sớm lên cổng thông tin để không xét tuyển ở các trường khác là đủ. Bộ còn cho phép các em đã trúng tuyển tạm thời tiếp tục lựa chọn nguyện vọng ở các phương thức khác càng làm tăng ảo và nguy cơ lớn là các trường sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu" - ông Dũng nói.

Lo lắng

TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - nhận định: "Dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay về mặt lý thuyết thì tốt. Tuy nhiên, với rất nhiều phương thức xét tuyển, mỗi phương thức lại có thể có nhiều tiêu chí khác nhau. 

Đồng thời, số lượng nguyện vọng cực lớn thì không biết khả năng xử lý của công cụ lọc ảo và xác định nguyện vọng trúng tuyển duy nhất cho mỗi thí sinh sẽ thế nào. 

Đó là điều chúng tôi lo lắng. Bên cạnh đó, các trường phải ấn định tỉ lệ phần trăm thí sinh trúng tuyển cho mỗi phương thức, trong khi rất nhiều thí sinh trúng tuyển nhưng vẫn không nhập học. Điều này có thể gây khó cho các trường".

Tương tự, ThS Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cũng cho rằng với quy định thí sinh đã dự tuyển vào các trường theo kế hoạch xét tuyển sớm sau đó phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT sẽ gây khó cho các trường. 

"Trường hợp thí sinh đã được các trường thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) một nguyện vọng nhất định, thí sinh tự quyết định đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng khi đăng ký trên hệ thống (tùy thuộc thí sinh muốn được công nhận trúng tuyển nguyện vọng đó hay muốn mở rộng cơ hội trúng tuyển nguyện vọng khác). Điều này hơi kỳ so với quy định các trường được tự chủ tuyển sinh, do vậy nên bỏ quy định này" - ông Sơn kiến nghị.

ThS Phùng Quán (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng quy định các trường được tổ chức đăng ký xét tuyển và xét tuyển sớm nhưng không được công nhận kết quả trúng tuyển, việc này gây khó khăn cho các trường và thí sinh. 

"Theo dự kiến, thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo các phương thức như học bạ, đánh giá năng lực... được các trường công bố kết quả xét tuyển sớm vẫn sẽ phải đăng ký nguyện vọng này lên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT và xếp thứ tự ưu tiên. Rõ ràng thí sinh phải thêm một lần đăng ký nguyện vọng xét tuyển nữa dù đã trúng tuyển" - ông Quán cho biết thêm.

Điểm ưu tiên khu vực chỉ áp dụng trong năm tốt nghiệp THPT

Đáng chú ý, theo dự thảo, mức điểm cộng ưu tiên khu vực sẽ được giữ nguyên: cộng khu vực 1 là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn là 0,5 điểm và khu vực 2 là 0,25 điểm. Tuy nhiên, điểm cộng ưu tiên khu vực chỉ áp dụng cho năm thí sinh tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp).

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ thì không được tính điểm ưu tiên khu vực (như khu vực 3). Nói về nội dung điều chỉnh này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho biết:

"Đây là điểm thu hẹp diện thí sinh được cộng điểm ưu tiên so với quy chế tuyển sinh các năm trước. Sự điều chỉnh này là phù hợp vì thực tế trước đây có thí sinh ở khu vực 1, khu vực 2 nông thôn năm tốt nghiệp THPT không trúng tuyển đã đến các thành phố lớn để luyện thi, với quy chế cũ những thí sinh này vẫn được cộng điểm ưu tiên khu vực thì bất công. Tuy nhiên, thực ra điều chỉnh này không tác động nhiều vì giờ ít thí sinh thi lại".

Theo Trần Huỳnh/ Tuổi Trẻ

https://tuoitre.vn/du-thao-quy-che-tuyen-sinh-dai-hoc-2022-kho-cho-truong-va-thi-sinh-20220414215102717.htm

  • Từ khóa

Rớt lớp 10 trường công lập không phải là một thảm họa

Học sinh lớp 9 đối mặt nhiều áp lực trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Tôi muốn kể câu chuyện bản thân mình trưởng thành từ trung tâm giáo dục thường xuyên...
20:28 - 29/04/2024
189 lượt xem

Đào tạo nhân lực sư phạm: Có cần kỳ thi riêng?

Năm 2024, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm TPHCM tiếp tục tổ chức kỳ thi riêng cùng các phương thức tuyển sinh khác
12:42 - 29/04/2024
386 lượt xem

Giáo sư hàng đầu thế giới cảnh báo cẩn trọng với việc chạy đua thứ hạng

Giáo sư Lily Kong, Chủ tịch ĐH Quản lý Singapore (SMU) cho rằng, cần cẩn trọng với các bảng xếp hạng đại học bởi nhiều tiêu chí không phản ánh chất lượng...
08:29 - 28/04/2024
1,019 lượt xem

Sinh viên trường được doanh nghiệp "ưng nhất" khó đạt loại khá, giỏi?

Chỉ hơn 66% sinh viên của trường đại học được các nhà tuyển dụng phía Nam "ưng" nhất khi tuyển dụng xếp loại học lực khá, giỏi, xuất sắc.
08:43 - 27/04/2024
1,675 lượt xem

Bộ Công an ban hành đề thi tham khảo kỳ thi đánh giá năm 2024

Bộ Công an ban hành đề thi tham khảo nhằm giúp thí sinh có nguyện vọng đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá của Bộ Công an năm 2024 có căn cứ để nghiên cứu,...
15:33 - 26/04/2024
1,975 lượt xem