11
/
121785
Cởi trói cho người thầy khỏi gánh nặng tiền trường, khó đến thế sao?
coi-troi-cho-nguoi-thay-khoi-ganh-nang-tien-truong-kho-den-the-sao
news

Cởi trói cho người thầy khỏi gánh nặng tiền trường, khó đến thế sao?

Thứ 2, 20/12/2021 | 16:37:33
1,788 lượt xem

Đọc bài viết "Giáo viên toát mồ hôi thu đủ loại tiền trường" trên báo Dân Trí, chúng tôi rất đồng cảm với nỗi lòng của người thầy xung quanh nhiệm vụ nhọc nhằn: Vận động thu các khoản tiền trường.

Sau bao năm giáo viên lên tiếng đòi "cởi trói" khỏi gánh nặng tiền trường, vậy mà nơi nơi vẫn còn buộc người thầy vào nhiệm vụ không dính dáng gì đến chuyên môn giảng dạy và giáo dục học sinh ư?

Thú thật, chúng tôi may mắn hơn khi lãnh đạo cấp cơ sở ít nhiều thấu hiểu nỗi lòng của giáo viên. Vì vậy, những năm trở lại đây, nhiệm vụ thu các khoản được chuyển về cho bộ phận văn thư của trường. Dù vậy, nhiệm vụ vận động thu vẫn còn quàng vào vai vô số áp lực.

Cứ mỗi dịp đầu năm học, khi tiếng trống khai trường vừa vang lên một vài tuần thì mùa họp phụ huynh học sinh cũng theo đó ùa đến kéo theo bao nỗi lo về chuyện tiền trường, tiền lớp. Năm nay dịch bệnh diễn biến bất thường nên kỳ họp phụ huynh chỉ có thể online qua các phần mềm lớp học ảo.

Nếu kỳ họp phụ huynh là dịp gặp gỡ đầu năm giữa nhà trường và gia đình để luận bàn, trao đổi chuyện học hành, giáo dục con trẻ thì tốt biết bao nhiêu. Giáo viên cần gặp gỡ phụ huynh để trao đổi về nhiệm vụ năm học mới, về tình hình học tập, nề nếp sau thời gian ngắn nhận lớp. Phụ huynh cần gặp gỡ giáo viên để tường tận việc học hành của con em mình, từ đó có sự phối hợp cần thiết với nhà trường để chăm lo chu toàn hơn cho sự học của con trẻ.

Tiếc rằng cả giáo viên lẫn phụ huynh đều ngán vô cùng mùa vụ họp phụ huynh. Bởi sau những thủ tục nhanh gọn nhằm triển khai nhiệm vụ trường lớp năm học mới, phần lớn thời gian còn lại của cuộc họp lại tập trung nhiều hơn vào việc thống nhất các khoản thu đầu năm học.

Giáo viên nhận nhiệm vụ trực tiếp phổ biến các khoản thu đến phụ huynh trong cuộc họp. Và tất nhiên giáo viên cũng là người "đứng mũi chịu sào" trước những phản biện, chất vấn gay gắt của không ít phụ huynh trong các cuộc họp.

"Thầy cô thu gì mà nhiều tiền thế?", "Khoản thu này phục vụ hoạt động của các cháu hay để chi riêng cho giáo viên?", "Chúng tôi đóng cho thầy cô bao nhiêu tiền?", "Sao năm nào tôi cũng đóng khoản nâng cấp sân vận động trường mà giờ con tôi cuối cấp rồi vẫn chưa khởi công?"… Bao nhiêu câu hỏi về tiền trường dội đến là bấy nhiêu lần lòng người thầy thắt lại vì lo.

Bởi các khoản thu đều do ban giám hiệu cùng hội phụ huynh trường thống nhất và giáo viên chỉ là người thông báo các khoản thu và huy động đóng góp nên có nhiều khoản cũng không tường tận thu thế nào, chi thế nào.

Nhưng giáo viên chủ nhiệm lại là người chịu trách nhiệm chính trong vận động sự đồng tình của phụ huynh nên phải làm mọi cách để thuyết phục phụ huynh nhất trí trăm phần trăm và ký tên đồng loạt để có thể bàn giao giấy tờ cho nhà trường. Vậy nên phải khôn khéo lựa lời vừa thuyết phục vừa năn nỉ cốt để phụ huynh vừa lòng với mức "giá" mà nhà trường vận động mà năm sau luôn cao hơn năm trước.

Hiệu quả của công tác chủ nhiệm bị đánh giá ở ngay chính khâu vận động, thuyết phục phụ huynh nhất trí với các khoản thu là một điều cực kỳ vô lý. Nếu vận động được trăm phần trăm chữ ký của phụ huynh sẽ nhận lại thái độ hài lòng của cấp lãnh đạo, còn bằng không sẽ phải giải trình và bị nhắc nhở.

Bởi vậy, mỗi khi mùa họp phụ huynh đầu năm đến, đâu chỉ mỗi phụ huynh lo lắng về gánh nặng chi phí học hành từ các khoản thu trong quy định, thu hộ, thu thỏa thuận, thu vận động mà ngay chính giáo viên cũng lặng thầm nuốt tiếng thở dài.

Năm học đặc biệt này lại đối diện với muôn vàn khó khăn. Phụ huynh sau ngày dài giãn cách xã hội và vất vả mưu sinh trong hoàn cảnh dịch giã càng thêm chật vật. Các khoản tiền trường sẽ dội thêm gánh nặng khiến lòng người muộn phiền. Còn giáo viên chủ nhiệm lại phải đối diện với nỗi lòng trĩu nặng của bố mẹ để thỏa thuận và vận động thu…

Đến bao giờ người thầy mới lại có thể an nhiên họp phụ huynh, lòng thanh thản đối diện với cha mẹ học sinh để cùng đổi trao về tình hình học tập, nề nếp của trường lớp và gửi gắm những lời nhắn nhủ, hy vọng về sự tiến bộ của con trẻ? Đến bao giờ người thầy thôi quay quắt mỗi khi đối diện với trò để thăng hoa cùng bài giảng thay vì canh cánh nỗi lo vận động thu?

Cởi trói cho người thầy khỏi gánh nặng "tiền trường", khó đến thế sao?

Theo Dân trí

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/coi-troi-cho-nguoi-thay-khoi-ganh-nang-tien-truong-kho-den-the-sao-20211220150131673.htm

  • Từ khóa

Trường quốc tế phát sách 'nhạy cảm' cho học sinh lớp 11, Sở GD-ĐT TP.HCM nói gì?

Trưa 3.5, Sở GD-ĐT TP.HCM đã phát đi thông tin về việc phụ huynh học sinh một trường quốc tế phản ánh học sinh được phát sách đọc có nội dung nhạy cảm với...
17:09 - 03/05/2024
71 lượt xem

Học bạ dưới 5 điểm/môn cũng trúng tuyển đại học

Trong khi giáo dục phổ thông 'lạm phát' học sinh giỏi thì ở nhiều trường đại học, thí sinh chỉ cần có học bạ từ 5 điểm/môn (3 môn) là trúng tuyển, thậm...
15:10 - 03/05/2024
118 lượt xem

Lần đầu tiên, Trung Quốc yêu cầu du học sinh thi đầu vào mới được nhập học

Kỳ thi tuyển sinh ĐH này áp dụng với một số đối tượng nhất định, theo thông tin do Hội đồng xét duyệt học bổng Trung Quốc (CSC) thuộc Bộ Giáo dục Trung...
10:48 - 03/05/2024
241 lượt xem

Thành lập hàng chục đoàn thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa phê duyệt kế hoạch kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
09:16 - 03/05/2024
273 lượt xem

Từ hôm nay, Úc tiếp tục tăng yêu cầu chứng minh tài chính với du học sinh

Sau hơn nửa năm kể từ khi công bố yêu cầu mới về tài chính, Úc tiếp tục tăng mức tối thiểu mà du học sinh phải chứng minh để được xét duyệt thị thực du...
06:45 - 03/05/2024
328 lượt xem