Thế giới ghi nhận gần 298.000 người chết do nCoV trong tổng số hơn 4,4 triệu ca nhiễm, nhiều nước nới lỏng hạn chế do tình hình được cải thiện.
212 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận 4.423.902 ca nhiễm và 297.665 ca tử vong, tăng lần lượt 88.081 và 5.364 so với hôm qua, trong khi 1.654.891 người đã hồi phục, theo thống kê của Worldometer.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân ở California ngày 12/5. Ảnh: Reuters
Mỹ ghi nhận 1.428.993 người nhiễm nCoV, tăng 20.357 ca trong 24 giờ qua. Số người chết do nCoV ở nước này cũng tăng 1.719 trường hợp lên 85.144. 307.893 người đã bình phục tại vùng dịch lớn nhất thế giới.
Hầu hết các bang Mỹ đang mở cửa lại theo từng giai đoạn, làm dấy lên lo ngại nguy cơ lây nhiễm nCoV sẽ gia tăng. Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe Mỹ tuần qua đã nâng dự báo số ca tử vong ở nước này lên gần gấp đôi do "sự bùng nổ của hoạt động đi lại ở một số bang". Mỹ báo cáo số người chết mỗi ngày cao nhất vào hôm 1/5 khi ghi nhận 2.909 ca tử vong trong vòng 24 giờ.
Tây Ban Nha, vùng dịch lớn nhất châu Âu, ghi nhận thêm 184 người chết do nCoV, nâng tổng số lên 27.104. Số ca nhiễm tăng 1.575, lên 271.095.
Nhiều cơ sở kinh doanh tại Tây Ban Nha đã nối lại hoạt động. Quán bar, nhà hàng và cơ sở tôn giáo ở một số khu vực được mở cửa trở lại, trong khi người dân cũng được phép tụ tập bạn bè và người thân với quy mô dưới 10 người. Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp kéo dài đến 24/5 và có thể được gia hạn.
Nga ghi nhận 10.028 ca nhiễm nCoV mới, nâng tổng số người nhiễm lên hơn 242.271, trong đó 2.212 người tử vong. Đây là ngày thứ 11 liên tiếp Nga tăng trên 10.000 ca, trở thành vùng dịch lớn thứ ba thế giới.
Phần lớn người lao động Nga hôm qua đi làm trở lại sau gần hai tháng nghỉ có lương, biện pháp do Putin đưa ra để ngăn nCoV lây lan có hiệu lực hôm 28/3 và được gia hạn hai lần sau đó. Putin nói dịch bệnh và các biện pháp hạn chế tác động mạnh đến nền kinh tế và làm tổn thương hàng triệu công dân Nga. Đại dịch khiến nền kinh tế Nga bấp bênh trong bối cảnh giá dầu giảm và các chủ doanh nghiệp chật vật trả lương cho nhân viên dù phải đóng cửa.
Ca nhiễm và tử vong do nCoV ở Anh lần lượt là 229.705 và 33.186 sau khi báo cáo thêm lần lượt 3.403 và 627 ca. Anh là vùng dịch lớn thứ 4 thế giới và là nước ghi nhận số người chết cao nhất châu Âu.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 10/5 công bố kế hoạch nới lỏng theo từng giai đoạn sau hơn 6 tuần sống dưới lệnh phong tỏa. Bắt đầu từ tuần này, chính phủ Anh sẽ "tích cực khuyến khích" mọi người quay trở lại làm việc nếu công việc của họ không thể làm từ xa, như ngành sản xuất hoặc xây dựng.
Người dân cũng được phép tập thể dục ngoài trời không giới hạn từ ngày 13/5. Họ có thể tham gia các môn thể thao nhiều người như đánh golf, tennis và câu cá, miễn là những người đi cùng đều là thành viên trong một gia đình.
Italy ghi nhận thêm 888 ca nhiễm và 195 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 229.705 và 33.186.
Italy đã dần nới lệnh phong tỏa được áp đặt từ hồi tháng ba để ngăn Covid-19. Người dân được phép đi lại trong vùng để thăm người thân, nhưng phải đeo khẩu trang. Trường học và nhiều hoạt động kinh doanh khác vẫn đóng cửa. Các hoạt động tôn giáo và đám cưới chưa được khôi phục.
Pháp xác nhận thêm 178.060 ca nhiễm và 27.074 ca tử vong, tăng 83 ca so với một ngày trước đó. Chính quyền đã nới lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài gần 8 tuần từ 11/5. Tuy nhiên, giới chức nhấn mạnh họ sẵn sàng tái siết chặt hạn chế nếu cần thiết.
Đức ghi nhận thêm 927 ca nhiễm, nâng tổng số lên 174.098, trong đó 7.859 người chết, tăng 121 ca. Tỷ lệ tử vong tại nước này thấp hơn nhiều so với các vùng dịch khác trong khu vực cũng như toàn cầu.
Chính phủ đã nới nhiều biện pháp hạn chế, cho phép các cửa hàng hoạt động trở lại, miễn là tuân thủ quy định vệ sinh và giãn cách. Người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi di chuyển bằng phương tiện công cộng. Giải bóng đá Bundesliga sẽ trở lại vào ngày 15/5. Trường học tất cả các cấp cũng dần tái mở cửa.
Từ ngày 16/5, Đức nới lỏng kiểm soát biên giới với một số nước láng giềng, với mục tiêu nối lại đi lại tự do ở châu Âu từ giữa tháng 6. Người nhập cảnh từ các quốc gia ngoài EU như Mỹ và Nga sẽ vẫn bị hạn chế cho đến sớm nhất là 15/6.
Tại khu vực Mỹ Latinh, Brazil vẫn là vùng dịch lớn nhất với 185.838 ca nhiễm và 13.010 ca tử vong, tăng lần lượt 8.236 và 606 trường hợp. Giới chuyên gia tin rằng số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn 12-15 lần so với số liệu được công bố, khi nhiều trường hợp nhiễm nCoV không được phát hiện vì năng lực xét nghiệm còn hạn chế.
Tòa án Tối cao Brazil đá ra phán quyết rằng chính quyền bang và địa phương có quyền tự xác định các biện pháp hạn chế xã hội cần thiết để ngăn Covid-19. Phán quyết này đi ngược lại mong muốn của Tổng thống Jair Bolsonaro, người luôn thúc đẩy các bang dỡ bỏ lệnh hạn chế.
Ngày 11/5, Bolsonaro mở rộng danh sách các hoạt động kinh doanh được coi là "thiết yếu" để cho phép phòng gym và tiệm làm tóc mở cửa trở lại. Ít nhất 10 thống đốc tuyên bố không tuân theo sắc lệnh của Tổng thống.
Mexico báo cáo 38.324 ca nhiễm và 3.926 ca tử vong, tăng lần lượt 1.997 và 353. Đây là mức tăng ca tử vong trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Chính quyền sẽ cho phép mở một số nhà máy ôtô từ ngày 18/5 sau nhiều lời kêu gọi từ các hãng xe Mỹ.
Chile phong tỏa thủ đô Santiago 7 triệu dân sau khi số ca nhiễm tăng 60% so với hôm trước, với 2.260 ca nhiễm và 12 người chết trong 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 34.381 và 346.
Tại Trung Đông, Iran báo cáo thêm 1.958 ca nhiễm và 50 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 112.725 và 6.783.
Arab Saudi ghi nhận thêm 1.905 ca nhiễm và 9 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 44.830 và 273.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo 725 ca nhiễm mới và thêm 3 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 20.386 và 206.
Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố số liệu.
Ấn Độ báo cáo 78.055 ca nhiễm và 2.551 ca tử vong, tăng lần lượt 3.763 và 136. Hệ thống đường sắt do nhà nước vận hành từ hồi đầu tuần nối lại hoạt động của các tuyến từ thủ đô New Delhi tới 12 thành phố khác, bao gồm Mumbai, Chennai, Bengaluru. Các hành khách phải đeo khẩu trang suốt hành trình, được kiểm tra thân nhiệt trước khi lên tàu và còn phải đăng ký một ứng dụng truy vết tiếp xúc trên điện thoại.
Tại Đông Nam Á, Singapore vẫn là vùng dịch lớn nhất khu vực với 25.346 ca nhiễm và 21 ca tử vong. Indonesia xếp thứ hai với 15.438 ca nhiễm và 1.028 người chết. Tiếp theo là Malaysia, nơi báo cáo 6.779 ca nhiễm và 111 ca tử vong. Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.
Theo Phương Vũ/VnExpress (nguồn Reuters)
https://vnexpress.net/gan-298-000-nguoi-chet-vi-ncov-toan-cau-4099040.html