Sau 29 năm lang bạt, cô trông trẻ xinh xắn năm xưa giờ là người phụ nữ chậm chạp, lúc tỉnh lúc mê, đang tập hòa nhập.
Trong một xưởng may ở xã Đông Lỗ, Hiệp Hòa, Bắc Giang, bà Nguyễn Thị Biên, 51 tuổi ngồi lọt thỏm giữa đống túi dưới sàn nhà. Xung quanh, gần hai chục công nhân đang vận hành máy may, riêng Biên được giao nhiệm vụ bắn tem lên túi.
"Khó lắm, tôi không may được", bà chậm chạp nói. Được đào tạo may bao bì trong 8 ngày, bà vẫn không thể chạy máy. Thành thử, hai tháng nay, bà đang làm công việc đến đứa trẻ lên 3 cũng làm được. Công việc này cũng do một người trong thôn, thương cảnh bà lưu lạc lâu ngày vừa trở về đầu tháng 8, tạo điều kiện giao cho.
Bà Biên ghim tem mác cho túi chiều 8/10 tại một cơ sở may tư nhân trong làng, mỗi ngày kiếm được vài chục nghìn đồng. Ảnh: Phan Dương.
Bà Nguyễn Thị Biên mất tích khỏi làng vào ngày 2/10/1991 và vừa trở về ngày 2/8/2019, tức gần 29 năm. Năm đó, Biên là cô gái 19 tuổi xinh xắn nhất trong gia đình có 4 chị em gái và hai em trai. Vừa làm ruộng, Biên vừa tham gia lớp trông giữ trẻ của thôn. Một ngày, cô gái vác cuốc đi làm đồng rồi "bốc hơi".
"Quê khi ấy đường xá đi lại khó khăn, điện còn chưa có. Cả đêm đó nhà chúng tôi cuốc bộ đi loanh quanh mấy làng lân cận hỏi, nhưng cũng chẳng ai biết Biên đi về hướng nào. Đến hôm sau tôi đã biết là con mất tích rồi, tìm con ở đâu bây giờ", cụ Nguyễn Văn Nhòm, 82 tuổi, bố bà Biên nói.
Vợ mất sớm, mình cụ Nhòm chèo chống nuôi nấng, dựng vợ, gả chồng cho các con. Gia đình luôn trong hoàn cảnh cận nghèo nên họ không có điều kiện đi tìm Biên. "Hàng năm, cứ vào mùng 2/10, tôi thắp một nén nhang để mong con gái ở phương trời nào đó được yên ổn", cụ Nhòm run run nói.
Đêm 1/8 vừa qua, gia đình bàng hoàng khi người hàng xóm chạy sang báo có thông tin về Biên trên Facebook. "Nhìn bức ảnh trên mạng, bố tôi không nhận ra được chị. Nhưng sau một hồi soi các đường nét trên khuôn mặt, đôi mắt thì chúng tôi chắc 80-90% là người nhà mình", ông Nguyễn Văn Thắng, em trai bà Biên kể.
"Cả nhà thao thức suốt đêm, một mặt gõ cửa tiệm ảnh để in bức ảnh trên Facebook, mang về nhìn cho kỹ, một mặt liên hệ với người đăng thông tin, muốn lên đón chị ngay. Bố cứ giục đi ngay đi", ông Thắng cho biết thêm. Nhưng, họ phải chờ đến trưa hôm sau để gặp người nhà mình.
Hóa ra vài tháng trước, Trung Quốc truy quét những người nhập cư bất hợp pháp, trục xuất về nước, trong đó có bà Biên. Một người dân trong thôn đang làm ăn ở khu vực biên giới Lạng Sơn tình cờ gặp bà trong quán nước, trên người không có đồng nào, nói tiếng Việt khó khăn, và chỉ nhớ quê ở xã Đông Lỗ và tên bố, mẹ. Người này đăng giúp thông tin lên mạng tìm kiếm người thân. Sau đó cũng chính anh đưa bà Biên trở về, bàn giao cho chính quyền địa phương.
Trưa 2/8, gia đình cụ Nhòm được gọi ra UBND xã nhận người. Hơn chục thân nhân vây quanh, những người hàng xóm thân cận cũng kéo nhau ra chào đón. Những tiếng "Biên ơi, có nhận ra ai đây không", chồng chéo lên nhau. Bà Biên lần thần, mãi một lúc thì nhận ra bố đầu tiên, sau đó nhận thêm được chị và em gái.
Trong chiếc túi ngày trở về của bà không có một giấy tờ gì, ngoài ba bộ quần áo cũ.
Bà Biên kể, năm đó đi theo một người đàn ông quen biết cùng tỉnh Bắc Giang, vì tin lời người này nói "sang Trung Quốc sung sướng". Nhưng sang đó, bà bị bán cho một gia đình ở nông thôn hẻo lánh. Quanh năm suốt tháng, bà "làm ruộng, trồng ngô, làm trong xưởng dệt, không được trả lương, nếu không đi làm sẽ bị nhốt trong nhà". Bao lần bà định bỏ trốn mà không biết đường, biết tiếng nên đành chịu.
"Vì không biết chữ nên tôi không lấy được chồng, không có con", đây là câu bà nói mỗi khi ai hỏi đến chuyện chồng con, còn nhiều ký ức khác đều đứt quãng, nhập nhoàng.
Gia đình ông Nhòm thuộc diện cận nghèo. Ảnh: Phan Dương.
Những ngày đầu bà Biên mới trở về, không khí gia đình vui vẻ. Ngày nào đèn cũng sáng đến nửa đêm đón tiếp bà con xóm giềng đến chung vui.
Tuy nhiên, nỗi buồn cũng dần kéo đến. Bà Biên nói chủ yếu tiếng Hán, gia đình phải kiên nhẫn mới hiểu được. Đến giờ bà đã giao tiếp được trong ngôn ngữ hạn chế, song ít nói nên chưa gần gũi được các thành viên trong nhà.
Nhiều đêm bà Biên tỉnh dậy, đi ra ngoài sân, một mực đòi ra ở riêng, nếu không cho ở riêng sẽ bỏ đi. "Xưa con khôn là vậy, mà giờ lúc tỉnh, lúc mê, các ký ức lộn xộn, không rõ, có lúc còn nghĩ mình hai mấy tuổi, lúc lại nghĩ tôi đuổi đi", cụ Nhòm xót xa nói.
"Đến tôi là em ruột mà nhiều lúc chị cũng không biết", một người em trai của bà Biên nói thêm. Gia đình đang bàn dựng tạm một ngôi nhà nhỏ ngay cạnh, để Biên và người chị gái không lập gia đình ra đó sống, hỗ trợ lẫn nhau.
Mặt trời chính ngọ, trong căn nhà ngói ba gian cũ kỹ, bà Biên lầm lũi ăn cơm, trong khi những người lớn và trẻ con khác trong gia đình trò chuyện qua lại. Rồi bà đạp cái xe nặng nề xuyên qua những con ngõ nhỏ tới chỗ làm. Ở đó, có ngày bà chẳng nói một câu, nếu không có ai hỏi.
"Trong thôn có một số phụ nữ bị mất tích cùng thời điểm, nhưng mới có bà Biên là người trở về đầu tiên", ông Nguyễn Văn Sơn, phó trưởng công an xã Đông Lỗ, cho biết. Xã đang làm các thủ tục để bà nhập hộ khẩu trở lại và cấp thẻ căn cước công dân. |
Theo Phan Dương/VnExpress