Q.Minh - sinh viên năm hai - cho hay: "Tôi khao khát được trải nghiệm ChatGPT!". Và bạn cũng như nhiều gen Z khác - đã dành cả ngày để lùng sục cách dùng hệ thống chatbot trên, do ChatGPT hiện chỉ được dùng giới hạn ở một số quốc gia.
Với Gen Z, công nghệ là yếu tố không thể tách rời trong cuộc sống - Ảnh: ANDREA
Mọi thứ sẽ ra sao khi công nghệ trước đây thay đổi "cuộc chơi" của lao động chân tay và giờ hăm he lấn qua tương lai giới lao động trí óc cùng với sự xuất hiện của ChatGPT?
Khi ChatGPT trở thành "niềm khao khát"
Trước Tết Quý Mão, tôi có cơ hội đọc bài luận ngắn của hơn 50 sinh viên gen Z (người sinh từ năm 1997 - 2012) xoay quanh hai chủ đề viết về một vấn đề quan trọng của bản thân nhưng ít ai biết, hoặc viết về một quyển sách yêu thích nhất kèm lý do vì sao.
Dù đó không phải là một dự án "teamwork" (làm việc nhóm) nhưng kỳ lạ là cách hành văn, nội dung các bài viết gửi về khá giống nhau. Điều đáng băn khoăn hơn là không ít bạn chọn viết về chủ đề sức khỏe tinh thần, còn tên sách cũng trùng lặp không ít.
Những lý do có thể kể đến, nếu có, là một số người làm việc "đối phó" nên chép ý tưởng của nhau, một số khác có thể là "sản phẩm" của việc dạy văn ép theo khuôn mẫu từ thời phổ thông… Nhưng khi trò chuyện riêng thì một số bạn cho biết thêm lý do từ khóa các bạn gõ trên Google đa phần dẫn đến các chủ đề, tựa sách trên.
Nói như thế để thấy công nghệ nói chung, công nghệ thuyết phục (persuasive technology, được thiết kế nhằm thay đổi thái độ hoặc hành vi của người dùng) và chủ nghĩa tư bản giám sát (hệ thống kinh tế tập trung khai thác dữ liệu cá nhân, giám sát tinh vi hành vi người dùng phục vụ việc tạo ra lợi nhuận qua các hoạt động kinh doanh trên Internet, mạng xã hội) nói riêng đã tác động mạnh mẽ đến cuộc sống, tư duy học tập ở gen Z như thế nào.
Sự lệ thuộc đáng kể vào công nghệ là điều dần trở thành "bình thường như cân đường, hộp sữa" với gen Z - thế hệ mới sinh ra đời đã được tiếp cận Internet.
Và do được tiếp cận công nghệ từ khi thế giới quan chưa kịp định hình nên gen Z ít nhận ra một sự thật là công nghệ càng khiến cuộc sống tiện lợi thì càng tước đi nhiều kỹ năng ở họ (chẳng hạn kỹ năng dò hỏi đường, giao tiếp…).
Trớ trêu thay, xã hội nơi AI trỗi dậy lại đòi hỏi các bạn trẻ phải giỏi kỹ năng mềm, trí tuệ cảm xúc (EQ) hơn trí tuệ thông thường (IQ).
Một câu trả lời đầy tính thuyết phục của ChatGPT - Ảnh: DIGITALTRENDS
Và ChatGPT - từ khóa hiện có đến 420 triệu kết quả trả về trên Google - ra đời, một lần nữa không chỉ trở thành đề tài bàn tán của giới chuyên gia, mà còn là chủ đề được nhiều bạn trẻ trong nước quan tâm.
Q.Minh - sinh viên năm hai - cho hay: "Tôi khao khát được trải nghiệm ChatGPT!". Và bạn cũng như nhiều gen Z khác - đã dành cả ngày để lùng sục cách dùng hệ thống chatbot trên, do ChatGPT hiện chỉ được dùng giới hạn ở một số quốc gia.
ChatGPT: Để "biến nguy thành cơ"
Thực chất, hầu hết mọi thứ trong cuộc sống đều xoay quanh khái niệm phù hợp hơn là đúng - sai tuyệt đối. ChatGPT không là ngoại lệ. "Điểm cộng" của ChatGPT là quá rõ và đã được nhiều báo đài đề cập.
Vậy còn những nỗi lo hoặc thậm chí điều đáng sợ về ChatGPT?
Do ChatGPT còn "non". Vì mới ra đời vào cuối tháng 11-2022, lượng dữ liệu khó thể dồi dào đến mức "cái gì cũng biết" hoặc khó phân định được đúng sai. Từ đó khả năng cao nó sẽ góp phần phát tán "tin giả".
Trong một bài viết trên trang cá nhân vào tuần trước, "giáo sư quần đùi" Trương Nguyện Thành không giấu trăn trở khi ChatGPT "đánh" vào những giá trị cốt lõi và đạo đức học thuật mà những người làm giáo dục thật sự mong muốn truyền dạy.
Đơn cử thông qua một đề bài ông giao cho ChatGPT, ông thừa nhận ChatGPT viết và diễn đạt về ông giỏi hơn chính ông. Hệ thống này thậm chí thêm thắt chi tiết để bài viết tăng tính thuyết phục dù hoàn toàn không có thật. Ông cho rằng tính liêm chính học thuật đang bị đe dọa.
Sự ra đời của ChatGPT được cho là sẽ thay đổi bức tranh của giáo dục cũng như tương lai việc làm của giới lao động trí óc - Ảnh: EATHWEB
Nhiều trường đại học tại Mỹ hiện đã "cấm cửa" ChatGPT bằng nhiều hình thức. Trong đó có cả việc chuyển đổi hình thức thi sang viết giấy, phỏng vấn trực tiếp thay cho viết luận như trước đây… do nhiều sinh viên đã nhờ ChatGPT viết hộ.
Một số diễn đàn trên mạng còn đăng các bài viết cho rằng ChatGPT giải thích hay và dễ hiểu, thông tuệ hơn cả các giáo sư. Nói cách khác, người học càng hồ hởi thì người dạy càng lắm ưu tư (dĩ nhiên mặt tốt là buộc giáo dục, người dạy phải nhanh chóng thay đổi để thích nghi).
Điều này càng đáng lo ngại hơn khi tư duy phản biện ở gen Z được cho là cần báo động. Giới truyền thông, báo chí khắp nơi đều hiểu rằng gen Z thích coi hình ảnh hơn là những bài viết sâu, và đó cũng là lý do TikTok nhanh chóng trở thành mạng xã hội số một dù các clip chỉ có 15 đến 30 giây cho một câu chuyện…
Và một khi đã được công nghệ "huấn luyện", quen với những suy nghĩ nhanh như vậy, tư duy phản biện hay kỹ năng phân biệt tin giả sẽ sớm trở thành điều xa xỉ. Câu chuyện bịa đặt "nữ sinh HUFLIT bị hiếp dâm tập thể" được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trong một đêm là một ví dụ…
Sẽ khó thể nói gen Z chỉ gắn liền với toàn "điểm trừ" trong thời đại AI trỗi dậy, vì thế hệ nào cũng có người tài và dở. Nhưng cần thiết nhận diện, nêu các vấn đề liên quan đến công nghệ và ChatGPT nói riêng để từ đó có giải pháp phù hợp trước khi quá muộn.
Và chẳng bao giờ thừa khi nhắc lại một câu nói phổ biến ở Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ): "Cái gì chúng ta dùng và có trả tiền thì cái đó là sản phẩm. Cái gì chúng ta dùng mà không phải trả tiền, chúng ta chính là sản phẩm".
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/con-sot-chatgpt-lieu-co-bien-nguoi-dung-thanh-san-pham-20230130125349377.htm