Trong dịp tết, một số người trẻ kiếm thêm hàng chục triệu đồng nhờ nhận làm đẹp bonsai, chăm sóc cây kiểng.
Công việc sửa bonsai, chăm sóc kiểng rất đa dạng. Từ đến tận nhà để sửa hay nhận cây về chăm sóc, cũng có người hợp đồng sửa dài hạn...
Tất bật cắt tỉa, tạo dáng
Dù trời đã tối, nhưng Hoàng Thiên Đình (25 tuổi) ở số 911/60 Lạc Long Quân, P.11, Q.Tân Bình (TP.HCM) vẫn tất bật cắt tỉa, tạo dáng cho cây nguyệt quế do khách đã gửi anh chăm sóc, bảo dưỡng trong dịp tết.
Dưới bàn tay khéo léo và thuần thục của Đình, từng tán kiểng giống như một chiếc ô được gọn gàng, chỉn chu hơn. Theo chàng trai này, đây là kiểu dáng truyền thống bonsai đang được nhiều khách hàng ưa thích.
Thiên Đình cho hay anh chơi kiểng cũng được hơn 5 năm. Ngoài kinh doanh, vào dịp tết mỗi năm anh còn nhận sửa cây, làm đẹp bonsai bằng cách bẻ dáng, cắt tỉa gọn lại...
Lập nhận chăm kiểng từ nhỏ đến cỡ lớn NVCC
“Gần đến tết lượng khách nhờ tôi chăm sóc kiểng tăng dần. Bắt đầu từ cuối tháng 12, mỗi ngày tôi chỉnh sửa 5 - 6 cây bonsai mini, với giá dao động từ vài trăm ngàn đồng đến 1 triệu đồng/cây. Có thể nói đây thời điểm nghề chăm sóc cây kiểng ăn nên làm ra nhất trong năm. Trung bình 2 - 3 ngày là tôi “trả hàng” lại cho khách”, Đình bộc bạch.
Thiên Đình dành một nửa khu vườn rộng gần 100 m2 của mình để chứa hơn 200 dòng bonsai đủ loại từ mai chiếu thủy, linh sam, sam hương, sam núi của khách đang đợi được sửa dáng, tỉa cành.
“Ngoài ra khách cũng thường hay gửi những cây bị suy yếu cho chúng tôi dưỡng lại. Tôi còn đến tận nhà để "bắt bệnh” cho kiểng, tuy nhiên chi phí sẽ cao hơn vài trăm ngàn đồng”, Đình nói.
Theo Đình, muốn thành công ở cái nghề này người làm kiểng cần có những yếu tố cơ bản như có tầm nhìn xa, óc thẩm mỹ trừu tượng để định hướng cho cây phát triển theo hình dạng nào.
Thu nhập “khủng” dịp tết
Dịp tết cũng là thời điểm ăn nên làm ra của những người trẻ chơi và kinh doanh kiểng. Từ tháng 11, họ bắt đầu nhận và trông hộ bonsai của những vị khách “sộp” không có thời gian chăm sóc chúng, từ đó họ có thu nhập cao…
Điển hình như Phan Tấn Đạt (26 tuổi), ngụ ấp 6, xã Phú An, H.Cai Lậy (Tiền Giang). Ngoài việc nhận nuôi phôi, cây lâu năm, thì từ tháng 11 hằng năm, Đạt được khách gửi hàng chục bonsai để chăm sóc ngắn hạn như: mai chiếu thủy, linh sam, dâm bụt, sanh, si, tùng.
Theo Tấn Đạt, trung bình mỗi năm anh nhận chỉnh sửa cho hơn 200 cây kiểng lớn nhỏ với giá dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/cây. Từ tháng 12, chàng trai 26 tuổi đã tranh thủ "chạy nước rút" để kịp giao cây cho khách.
“Những bonsai tôi nhận vào dịp tết thường là chỉnh sửa, bấm tàn, vệ sinh, thay và ép chậu, có những cây tôi cắt tỉa và giao lại cho khách trong ngày nữa. Trung bình doanh thu dịp tết từ 50 - 100 triệu đồng”, Đạt chia sẻ.
“Trước khi nhận cây tôi phải kiểm tra thể trạng của nó như thế nào. Việc sửa cây cho khách mà gặp rủi ro là bản thân phải chịu trách nhiệm. Do đó, những kiểng có thể trạng suy yếu thì tôi không nhận tiền liền, mà phải thỏa thuận, làm hợp đồng với khách vì đối với một số người, cây của họ dù mua mắc tiền thật nhưng câu chuyện, kỷ niệm về cây mới là quan trọng”, Đạt nói thêm.
Trong khi đó, Phan Văn Lập, 27 tuổi, ở xóm 18, Điền Xá, Nam Trực (Nam Định), chia sẻ đầu tháng 12, bản thân đã “chạy show” đi cắt tỉa, chăm sóc, uốn nắn lại cây kiểng cho khách đón tết và đến khoảng ngày 25 tháp chạp thì Lập mới nghỉ ngơi, vui chơi với gia đình.
Lập theo nghề bonsai được hơn 10 năm nay với hy vọng được kế thừa những kiến thức, cách làm kiểng mà ông nội, cha anh để lại.
Chàng trai 27 tuổi cho biết thêm quá trình chăm sóc cây cảnh cho khách hàng được thực hiện theo từng đợt, ví dụ như một vườn anh chăm sóc 2 lần/năm (đầu năm và cuối năm). “Sau khi cắt tỉa, chỉnh sửa thì tôi sẽ bàn giao lại cho chủ nhà chăm sóc tưới tắm thường xuyên theo sự hướng dẫn của mình. Những khó khăn vướng mắc thì cũng ít khi xảy ra vì trước khi làm đã bàn bạc và thống nhất giữa hai bên”.
Ngoài ra, trong dịp tết, Lập còn nhận ký gửi và chăm sóc cây nhỏ cho khách hàng. “Ngày nào khách cũng gửi và giao dịch mua sản phẩm của nhà vườn tôi. Nhiều khách hàng không có thời gian chăm cây thì bên tôi nhận cũng như hỗ trợ tại nhà hoặc chuyển về nhà vườn bên tôi chăm sóc”, Lập chia sẻ.
Lập cũng cho hay để theo nghề cái tỉa bonsai vững chắc như hiện tại bản thân đã chịu khó học hỏi và hiểu biết sâu sắc về những tác phẩm mình làm ra, từ đó anh biến chúng trở nên sinh động, hấp dẫn.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/ky-3-nghe-kiem-tien-ngay-can-tet-lam-dep-bonsai-cham-soc-kieng-dang-chay-nuoc-rut-post1536730.html