Chỉ với 5.000 đồng/ổ nhưng ngon hết sảy, gánh bánh mì của cụ Nguyễn Thị Ngang (86 tuổi, còn gọi là bà Sáu) được nhiều khách thương mến gọi là bánh mì “rẻ nhất Bình Dương”. Nhiều khách đến mua “trách” bà bán bánh mì rẻ quá, còn đòi trả thêm tiền. 40 năm trước bà bán 100 đồng, và giờ là 5.000 đồng. Vì sao vậy?
Thích bánh mì bình dân
Vốn là Food reviewer đang được giới trẻ yêu thích với hơn 1 triệu lượt theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội, Quan không gờ (tên thật là Lê Nhựt Quan, hiện làm việc ở TP.HCM) đã có những trải nghiệm ẩm thực hết sức phong phú.
Nếu được lựa chọn một hàng bánh mì mà tôi thích nhất, có lẽ là gánh bánh mì của cụ bà U.90 ở Bình Dương bán với giá 5.000 đồng/ổ. Ổ bánh mì của bà mà tôi ăn qua, không chỉ ngon về hương vị, mà còn đậm đà bởi cái tình, cái nghĩa của một cụ bà tóc bạc phơ dành cho những người lao động nghèo bán với giá rẻ bất ngờ
Food reviewer Quan không gờ
Nói về bánh mì, anh tâm sự đây là một món ăn đặc biệt và hết sức phổ biến ở Việt Nam, nhất là trong ẩm thực đường phố, bởi đi đến đâu, vào bất kỳ buổi nào trong ngày, người ta cũng có thể mua cho mình một ổ bánh mì với giá cả hợp túi tiền, khẩu vị.
Là một Food reviewer, anh Quan đã thưởng thức nhiều loại bánh mì khác nhau, từ những bánh mì giá rẻ ngoài lề đường giá rẻ đến những ổ bánh ở những cửa hàng lớn, đắt đỏ. Mỗi loại, với công thức riêng của người bán, đều mang lại cho anh những trải nghiệm ẩm thực đầy thú vị và hấp dẫn.
Tuy nhiên, với Quan không gờ, những gánh bánh mì bình dân được bán vỉa hè, với quang gánh hay xe đẩy có giá vài nghìn, vài chục nghìn lại khiến cho anh có những ấn tượng và thiện cảm đặc biệt, bởi nó gắn bó với anh từ những ngày ở quê nhà Vĩnh Long, những lúc “chân ướt chân ráo” lên TP.HCM học tập và làm việc với nhiều khó khăn.
Những ổ bánh mì bình dân đó “đại chúng” tới mức, người lao động nghèo cũng có thể mua được, người khá giả, thậm chí giàu có cũng có thể mua để thưởng thức bởi bình dân, nhưng hương vị thì không chê vào đâu được.
“Nếu được lựa chọn một hàng bánh mì mà tôi thích nhất, có lẽ là gánh bánh mì của cụ bà U.90 ở Bình Dương bán với giá 5.000 đồng/ổ. Ổ bánh mì của bà mà tôi ăn qua, không chỉ ngon về hương vị, mà còn đậm đà bởi cái tình, cái nghĩa của một cụ bà tóc bạc phơ dành cho những người lao động nghèo bán với giá rẻ bất ngờ”, Quan không gờ giới thiệu.
Bánh mì “rẻ nhất” Bình Dương
Từ lời gợi ý của Quan, vậy là 3 giờ sáng PV Thanh Niên đi từ TP.HCM tìm tới gánh bánh mì của cụ Ngang nằm ở một góc nhỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh (xã Tân An, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương). Đi khung giờ… oái ăm này cũng bởi lẽ, hơn 2 giờ, cụ đã thức chuẩn bị để kịp 4 giờ sáng bán đến 6 giờ 30 phút là hết.
4 giờ sáng, cụ Ngang đã bắt đầu dọn hàng đến nơi bán cách nhà 30 phút đi bộ, con trai bà chở đồ phụ bằng xe máy CAO AN BIÊN
4 giờ 30 phút, PV đã có mặt. Gánh hàng nhỏ của cụ Ngang giờ này đã ngào ngạt mùi bánh mì vừa ra lò, mùi xíu mại tỏa ra trong sương sớm. Chúng tôi có chút bất ngờ vì dù còn rất sớm nhưng hàng ăn đã đông nghẹt khách, hết lượt người này tới lượt người khác tìm mua.
Bán rẻ để cho công nhân, học sinh có cái mà ăn lót dạ buổi sáng trước khi đi làm, đi học chứ mắc quá thì cũng tội người ta, làm có bao nhiêu tiền đâu. Bà bán cũng có lời chứ sao không, nhưng mà lời không có nhiều, đủ để nuôi sống bà không để mấy đứa con phải lo, cũng có chút vốn để duy trì cái gánh này
Cụ Ngang
Bà tâm sự gánh bánh mì của mình được mở hơn 40 năm về trước để nuôi 3 người con trai, khi tuổi bà cũng đã độ tứ tuần. Thời đó, mỗi ổ bà bán chỉ chừng 100 đồng, nếu bà nhớ không lầm. Tới nay, qua gần nửa thế kỷ, hàng bánh vẫn chỉ có giá 5.000 đồng.
“Sao bà bán rẻ dữ vậy bà? Vậy sao bà có lời?”, nghe PV hỏi, cụ bà tóc bạc trắng cười phúc hậu: “Hồi trước dịch bà bán có 3.000 đồng đó con. Mà sau dịch rồi cái gì cũng lên giá nên bà mới bán 5.000 đồng.
Bán rẻ để cho công nhân, học sinh có cái mà ăn lót dạ buổi sáng trước khi đi làm, đi học chứ mắc quá thì cũng tội người ta, làm có bao nhiêu tiền đâu. Bà bán cũng có lời chứ sao không, nhưng mà lời không có nhiều, đủ để nuôi sống bà không để mấy đứa con phải lo, cũng có chút vốn để duy trì cái gánh này”.
Cụ bà cũng nói thêm, nhiều lần, các con khuyên bà nghỉ bán vì quá cực. Nhưng nghĩ đến những người khách suốt bao nhiêu năm ủng hộ, nghĩ tới những người khó khăn cần đến ổ bánh mì vừa rẻ vừa ngon của bình, bà lại không đành lòng. Cứ vậy, bà quyết bán đến khi nào không còn sức nữa thì thôi.
“Có nhiều khách thấy bà bán rẻ quá, người ta thương mình đòi mua hết cho bà về sớm. Nhưng bà không có chịu! Bà mới nói là khách mua đủ ăn thôi, để nhường lại ổ khác cho người ta cần. Dù bà có giàu hay khá giả thế nào thì cũng vẫn phải bán, không bán không chịu được”, bà Ngang kể.
Nghe đến đây, tôi mới thầm nhận ra vì sao người ta vẫn gọi bà là “bà bụt”, “bà tiên” giữa đời thường. Và cũng hiểu lý do vì sao nhiều Food reviewer, khách hàng lại quý cụ bà đến như vậy.
Khách đòi cho thêm vì… quá thương!
Chỉ trong hơn 1 tiếng ngồi ở hàng bánh mì của cụ bà, tôi không thể nhớ hết được bao nhiêu lượt khách tới lui dẫu trời mới tờ mờ sáng. Đa phần, họ là khách quen, là những người lao động bình dân ghé mua bánh mì lót dạ buổi sáng.
Trong những khách quen tới mua, có bà Minh Thùy (57 tuổi, ngụ Bình Dương). Gọi một ổ bánh 5.000 đồng, bà vừa ăn vừa hỏi thăm tình hình buôn bán của cụ bà. Theo lời vị khách, bà bán vé số quanh khu vực Tân An này, mấy tháng qua, từ ngày biết đến bánh mì của cụ, ngày nào cũng như ngày nấy, bà Thùy đều tới đây ăn.
“Thứ nhất là giá rẻ quá, mình ăn tiết kiệm. Thứ 2 là không hiểu sao bánh mì bà làm ngon, ăn vô thấy đậm đà, không giống với hương vị mấy chỗ khác. Nói thiệt là bánh mì Việt Nam, bánh mì của cụ Ngang là số 1 luôn, ăn hoài không thấy ngán”, bà bày tỏ.
Kế bên, bà Thu Thảo (51 tuổi, cũng ở Tân An) thì nói, mình là khách ở đây từ ngày mới học lớp 1, nay có con cháu rồi vẫn ghé hàng của bà ăn. Dù nhiều lần cụ đổi chỗ bán, nhưng bà vẫn quyết tìm cho bằng được.
Hôm nay, như thường lệ, bà Thảo mua 3 ổ bánh mì cho các thành viên trong gia đình ăn sáng. Vì là khách quen nên cụ cũng biết ý, thoáng chốc, cụ bà nhanh nhẹn, minh mẫn làm xong gửi cho khách.
“Bã bán rẻ quá, nên nhiều người tới ăn người ta trách, hỏi sao bán rẻ quá vậy. Người ta cho thêm tiền. Nhưng cụ bà nhất quyết không lấy đâu, phải gửi lại cho bằng được. Bà già như sống trước sau, đâu ra đó”, vị khách ngưỡng mộ nói thêm.
Với cụ Ngang, hàng bánh mì này chính là cả cuộc đời, là tình cảm mà bà hết lòng dành cho khách thập phương mấy chục năm ủng hộ. 7 giờ kém, hàng bánh cũng hết dần, cụ lặng lẽ dọn hàng, đi bộ hơn 30 phút về nhà nghỉ ngơi, để kịp chuẩn bị nguyên liệu cho ngày bán mới…
Theo Cao An Biên/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/ba-cu-ban-o-banh-mi-thit-re-nhat-vn-5000-dong-khach-trach-sao-qua-re-food-reviewer-me-man-post1506646.html