Các nước có nguy cơ hứng chịu làn sóng nhiễm Covid-19 lần hai nếu dỡ bỏ các hạn chế hiện thời về giãn cách xã hội quá sớm, theo một chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Hong Kong (TQ).
Ngày càng nhiều quốc gia chứng kiến sự gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19 "nhập khẩu", và nỗi lo về đợt lây nhiễm thứ 2 khiến chính phủ nhiều nước phải cân nhắc có nên nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiện nay hay không.
Người dân đeo khẩu trang lưu thông trên đường ở Bắc Kinh ngày 30/3. (Ảnh: Reuters)
"Tôi nghĩ việc đặt ra các mốc thời gian thực sự rất khó. Không nước nào muốn mở cửa quá sớm để rồi trở thành nước đầu tiên hứng làn sóng lây nhiễm thứ 2", hãng tin CNBC dẫn lời giáo sư Ben Cowling tại trường Y tế công Đại học Hong Kong, Trung Quốc, phát biểu hôm ngày 13/4.
"Tôi nghĩ điều đó thực sự khó bởi chúng ta biết rằng kể cả những nước đã qua được đợt dịch thứ nhất, họ sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức từ những quốc gia vẫn đang chống chọi với đợt dịch lần 1 hoặc thậm chí đang trải qua đợt dịch lần 2, mà có thể đang bắt đầu ở Trung Quốc hiện nay", ông Cowling bình luận.
Trong khi số người nhiễm virus corona chủng mới dường như đã giảm mạnh ở những nước như Trung Quốc và Singapore, cả hai quốc gia này đều đang ghi nhận thêm các ca bệnh nhập khẩu từ bên ngoài trong những ngày gần đây.
"Thực sự là sẽ rất khó khăn. Tôi nghĩ xét nghiệm là quan trọng nhưng vẫn cần thiết phải thực hiện giãn cách xã hội. Vì vậy, có thể sẽ không mở cửa hoàn toàn, thậm chí vào tháng 6 hay tháng 7", vị giáo sư dịch tễ học nhận định.
"Nhưng một bài học khác từ Hong Kong, Singapore hay ở một số nơi khác thuộc châu Á là, các ca bệnh nhập khẩu có thể thực sự gây ra những vấn đề lớn cho công tác kiểm soát dịch bệnh ở địa phương", ông Cowling cảnh báo thêm.
Singapore được khen ngợi về chính sách can thiệp kịp thời hồi tháng 1, nhờ đó giảm mạnh số trường hợp nhiễm bệnh. Nhưng sau đó đảo quốc này lại đối mặt với sự gia tăng đột biến số ca nhiễm hoặc thêm nhiều ổ dịch xuất hiện gần đây.
"Ở Singapore, họ ưu tiên hàng đầu cho xét nghiệm và truy dấu, và dường như hiệu quả rất tốt cho đến khi họ có rất nhiều ca bệnh nhập khẩu mà lại gây khó khăn cho xét nghiệm và truy dấu", ông Cowling giải thích.
Theo giáo sư này, bài học từ Singapore cho thấy xét nghiệm và truy dấu các tiếp xúc vẫn rất quan trọng nhưng cần phải có "một mức độ giãn cách xã hội nào đó tiếp tục được thực hiện" trong chiến lược dập dịch. Ông nhấn mạnh thêm một mối đe dọa nữa, đó là xét nghiệm và truy dấu tuy vẫn hiệu quả trong một khoảng thời gian nhưng sau đó sẽ bị áp đảo bởi số ca bệnh nhập khẩu hoặc một ổ dịch bùng phát. Đó là lý do vẫn có thách thức thật sự trong nỗ lực giảm thiểu số ca lây nhiễm.
Thách thức với Mỹ - nước đang bị đại dịch Covid-19 tấn công nặng nề nhất thế giới với hơn 587.000 người nhiễm và hơn 23.600 trường hợp tử vong - vẫn là cách thức hạn chế "số ca nhập khẩu khi một số khu vực của nước này bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa. "Bởi vì có quá nhiều người vào, và điều đó sẽ đặt ra một thách thức lớn cho xét nghiệm và truy dấu", theo giáo sư Cowling.
Theo Thanh Hảo/VietNamNet
https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/chuyen-gia-canh-bao-ve-lan-song-nhiem-covid-19-thu-2-dang-so-633435.html