Số ca nhiễm nCoV ở Iran vẫn tăng trong khi ngày càng xuất hiện nhiều lo lắng về cách chính phủ phản ứng với dịch bệnh.
Iran là nước có số người chết cao nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục. Kể từ sau hai ca nhiễm đầu tiên được phát hiện hôm 19/2, tính đến hôm nay, Iran ghi nhận tổng cộng 26 ca tử vong, 245 ca nhiễm và con số chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ít nhất 4 quan chức cấp cao Iran có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV, gồm Phó tổng thống Masoumeh Ebtekar, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Đối ngoại và An ninh Quốc gia thuộc Quốc hội Iran Mojtaba Zolnour, Thứ trưởng Y tế Iraj Harirchi cùng nghị sĩ Mahmoud Sadeghi.
Hai phụ nữ đeo khẩu trang trên đường phố thủ đô Tehran, Iran, ngày 25/2. Ảnh: Reuters
Một đội ngũ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang lên kế hoạch tới Iran vào cuối tuần để đánh giá tình hình và xây dựng phương án hỗ trợ phù hợp.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo chưa có kế hoạch phong tỏa các thành phố và thị trấn nơi dịch đã lan tới. Tại tâm dịch Qom, các nhà thờ vẫn mở cửa, bao gồm cả đền thờ Hazrat Masumeh, nơi mỗi năm có hàng triệu tín đồ Hồi giáo Shitte từ khắp nơi trên thế giới tới viếng thăm.
Nhà chức trách khuyến cáo người dân tránh tụ tập đông người không cần thiết và không di chuyển đến Qom, song chính quyền địa phương không đóng cửa hoàn toàn các địa điểm tôn giáo trong thành phố.
Người cai quản đền Hazrat Masumeh nói rằng dân chúng lâu nay vẫn tin ngôi đền mang đến nguồn năng lượng giúp họ hồi phục và chữa lành, vì thế nó không thể bị đóng cửa.
"Đóng cửa đền thờ là một động thái nghiêm trọng đối với các giáo sĩ và rất ít khả năng họ sẽ thực hiện biện pháp này trừ khi đối diện áp lực từ quốc tế", phóng viên Rana Rahimpour từ BBC nhận xét.
Cảnh sát tại thủ đô Tehran đã cấm sử dụng bình hút shisha trong các quán trà và cà phê trên khắp thành phố. Shisha thường được hút chung và truyền từ người này sang người khác, tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh cao.
Ở những tỉnh bị ảnh hưởng, trường học ngừng hoạt động, các trận thi đấu thể thao, sự kiện công chiếu phim, khai trương phòng trưng bày nghệ thuật cũng bị hoãn.
Cảnh sát Iran đã bắt 24 người bị cáo buộc tuyên truyền tin đồn về dịch Covid-19 trên mạng. Khoảng 118 người dùng Internet khác đã bị triệu tập và cảnh cáo, lãnh đạo lực lượng an ninh mạng Iran Vahid Majid cho hay.
WHO đã hỗ trợ Iran các bộ xét nghiệm nCoV cùng đồ bảo hộ cho nhân viên y tế. Theo một phát ngôn viên thuộc Bộ Y tế Iran, WHO đến nay đã chuyển tổng cộng 4 kiện hàng gồm dụng cụ xét nghiệm và đồ bảo hộ.
Tuy nhiên, nhiều người dân Iran lo ngại về tình trạng thiếu trang thiết bị. Một nhà nhập khẩu thiết bị y tế Iran cho biết ông không thể nhập dụng cụ xét nghiệm virus vì vướng các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt.
"Nhiều công ty quốc tế sẵn sàng cung cấp các bộ dụng cụ xét nghiệm nCoV cho Iran nhưng chúng tôi không thể chuyển tiền cho họ", Ramin Fallah, thành viên hội đồng Hiệp hội các Nhà nhập khẩu Thiết bị Y tế Iran, nói.
Mỹ phủ nhận thông tin rằng các lệnh trừng phạt họ đưa ra làm giới hạn khả năng nhập khẩu vật tư y tế của Iran, dẫn chứng việc Washington vẫn có những miễn trừ nhất định đối với hàng viện trợ nhân đạo.
Dù vậy, phía Iran lý giải các công ty chủ yếu gặp khó khăn khi thanh toán bởi đa số ngân hàng đều lo sợ họ có thể phá vỡ những quy tắc do Mỹ đặt ra và tự đưa mình vào danh sách bị trừng phạt.
Giống như những quốc gia khác đang phải đương đầu với dịch bệnh, người dân Iran cũng đổ xô tới các hiệu thuốc để mua khẩu trang, gel và thuốc xịt khử trùng. Giá cả những mặt hàng này chứng kiến tốc độ tăng phi mã, có nơi gấp đến 10 lần.
Trên mạng xã hội, một số người cho rằng lý do khiến Iran bị thiếu khẩu trang bắt nguồn từ việc họ đã ủng hộ cho Trung Quốc hàng triệu chiếc cách đây vài tuần. Theo hãng thông tấn IRNA, Iran đã tặng ba triệu khẩu trang cho Trung Quốc "như một bằng chứng về tình hữu nghị truyền thống bền chặt giữa hai nước".
Truyền thông địa phương còn suy đoán tình trạng thiếu nguồn cung ở trong nước là do các công ty Trung Quốc đang tích cực thu mua số lượng lớn khẩu trang từ Iran. Chính phủ Iran thông báo đã cấm xuất khẩu khẩu trang trong vòng ba tháng tới, đồng thời yêu cầu các nhà máy đẩy mạnh sản xuất.
Người đàn ông phun thuốc tẩy trùng một đền thờ ở thành phố Qom, Iran, ngày 24/2. Ảnh: AP
Iran đến nay chưa cấm công dân ra nước ngoài nhưng một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan hay Iraq đã đóng cửa biên giới. Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã đình chỉ các chuyến bay từ Iran. Đây đều là những đích đến quan trọng đối với các mặt hàng xuất khẩu không phải dầu mỏ của Iran, do đó nền kinh tế chắc chắn sẽ chịu tổn thương, chuyên gia nhận định.
Giới phê bình cả trong và ngoài Iran đăng đặt câu hỏi rằng liệu các quan chức ở Tehran có đem đến cho công chúng một bức tranh đầy đủ và chính xác về dịch bệnh hay không. Việc tỷ lệ tử vong ở Iran cao bất thường (10,6% so với 0,65% ở Hàn Quốc hay 2,6% ở Italy) cũng là điều khiến không ít người quan ngại.
Mohammad Reza Ghadir, người đứng đầu Đại học Y khoa ở Qom, từng tiết lộ trên truyền hình rằng Bộ Y tế cấm công bố số liệu về dịch bệnh tại thành phố. "Bộ Y tế yêu cầu chúng tôi không thông báo số liệu mới", Ghadir trả lời phóng viên khi được hỏi có bao nhiều người ở Qom đang bị cách ly.
Các chuyên gia y tế cho rằng báo cáo về số ca nhiễm nCoV ở Iran nhiều khả năng đang bị chậm hơn so với báo cáo về số ca tử vong, bởi giới chức Iran có thể bỏ lỡ những ca ít nghiêm trọng hơn trên cả nước hay bởi cách họ xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhân, cách thông tin được chia sẻ hoặc do hỏng hóc trong thiết bị y tế.
"Đây dường như là vấn đề liên quan đến việc báo cáo", Yanzhong Huang, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y tế Toàn cầu tại Đại học Seton Hall, Mỹ, đánh giá.
Theo William Schaffner, giáo sư về y tế dự phòng và bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y khoa Đại học Vanderbilt, hiện cũng chưa rõ năng lực phát hiện bệnh nhân nhiễm nCoV của Iran đến đâu. Quá trình này đòi hỏi giới chức y tế phải đến cả những ngôi làng và thị trấn xa xôi để xét nghiệm, kết quả không thể chỉ dựa vào các bệnh nhân đến những bệnh viện lớn với triệu chứng nghiêm trọng.
"Điều đó đồng nghĩa họ phải đến các khu dân cư, gõ cửa từng nhà và thực sự quyết liệt trong nỗ lực tìm kiếm các ca nhiễm bệnh", Schaffner nói. "Tôi không biết họ có đủ khả năng làm vậy hay không. Rất nhiều nước không làm được và họ không có truyền thống như thế trong hệ thống y tế. Đây là điều mới mẻ đối với họ".
Lý giải cho tỷ lệ tử vong cao, Schaffner nhận định một phần nguyên nhân có thể do các bệnh nhân chủ yếu đến từ bộ phận dân số già, dễ bị tổn thương. Nếu virus "lây nhiễm cho những người già hoặc người đang mang bệnh tiềm ẩn thì tỷ lệ tử vong cao là hoàn toàn hiểu được", ông nói.
Theo bác sĩ John Torres, chuyên gia tư vấn về y tế của NBC News, không cóbằng chứng cho thấy virus đã biến đổi, vì thế lý do khiến tỷ lệ tử vong cao phần nhiều có lẽ do cách Iran phá hiện và theo dõi những trường hợp nhiễm bệnh.
Iran đang đối mặt chỉ trích vì cách họ xử lý thông tin liên quan đến vụ bắn rơi máy bay Ukraine hồi tháng một khiến 176 người thiệt mạng. Quân đội Iran lúc bấy giờ phải mất ba ngày mới thừa nhận họ chịu trách nhiệm cho thảm kịch.
Sự việc làm dấy lên hoài nghi rằng, cũng giống như vụ bắn rơi máy bay Ukraine, Iran đang cố tình che giấu thông tin về dịch bệnh. Nhà chức trách Iran trong khi đó một mực bác bỏ cáo buộc nói họ hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 25/2 nói tại một cuộc họp báo rằng Washington "quan ngại sâu sắc trước thông tin cho thấy chính quyền Iran có thể đang che giấu những chi tiết quan trọng về dịch bệnh ở nước này".
"Mọi quốc gia, bao gồm cả Iran, nên công bố sự thật về dịch Covid-19 và hợp tác với các tổ chức viện trợ quốc tế", ông nhấn mạnh.
Theo Vũ Hoàng/VnExpress (Nguồn BBC, NBC News)
https://vnexpress.net/the-gioi/nang-luc-chong-covid-19-cua-iran-gay-hoai-nghi-4061562.html