Tổng thống Philippines tuyên bố không ai được quyền kiểm soát điều ông muốn nói, trong đó có phán quyết Biển Đông, ngay trước chuyến thăm Trung Quốc ngày 28/8.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Inquirer.
"Họ nói sẽ không bàn về chuyện đó. Tôi nói không. Nếu tôi không được phép nói bất cứ điều gì tôi muốn trên cương vị là Tổng thống của một quốc gia có chủ quyền thì chúng ta hoàn toàn không nên đối thoại nữa", Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu hôm 21/8 khi dự lễ khánh thành nhà máy điện mặt trời ở tỉnh Romblon, miền trung đất nước. "Đừng bao giờ kiểm soát lời nói của tôi vì đó là món quà của Chúa".
Duterte không nói cụ thể "họ" mà ông đề cập đến là ai, song ông sẽ thăm Trung Quốc lần thứ năm vào ngày 28/8 và hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình về các vấn đề song phương.
Tổng thống Philippines dường như cũng đề cập ai đó trong chính phủ Trung Quốc. "Bất kể ngài thích hay không thích, hài lòng hay không hài lòng, tức giận hay thế nào đó, thì tôi rất tiếc, chúng ta vẫn phải nói về phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài thường trực", Duterte cho hay.
Theo Duterte, chỉ khi phán quyết được đề cập, hai bên mới tiếp tục bàn đến việc thăm dò và khai thác "những thứ có giá trị trong lòng đất". Bắc Kinh từng đề nghị Manila hợp tác thăm dò và khai thác các mỏ dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông theo tỷ lệ ăn chia 60-40.
"Đề nghị 60-40 với phần lợi nghiêng về chúng tôi sẽ là một khởi đầu tốt. Tôi hy vọng nó sẽ phát triển thành điều gì đó hướng tới cách chúng ta giải quyết phán quyết của trọng tài một cách hòa bình", Duterte nói, cảnh báo thêm rằng bất kỳ cuộc "phiêu lưu hay thám hiểm" nào trong vùng đặc quyền kinh tế của Phillippines đều liên quan trực tiếp đến phán quyết của trọng tài.
Năm 2016, Tòa Trọng tài thường trực ở The Hague bác bỏ yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực, phán quyết rằng Bắc Kinh đã đi ngược lại các nguyên tắc của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển mà nước này cũng là một bên ký kết.
Theo phán quyết, Trung Quốc cũng vi phạm chủ quyền của Philippines khi can thiệp hoạt động khai thác, thăm dò dầu khí và xây đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines. Trung Quốc không công nhận phán quyết này.
Sau khi lên làm Tổng thống, Duterte duy trì chính sách xích lại gần Trung Quốc để đổi lấy các khoản viện trợ và đầu tư, cho rằng việc thi hành phán quyết sẽ dẫn đến chiến tranh và ông nghiêng về đàm phán ngoại giao. Tuy nhiên, Duterte gần đây thay đổi giọng điệu với Trung Quốc, dường như do sức ép từ quan chức và dư luận. Hôm 6/8, người phát ngôn Phủ tổng thống Salvador Panelo dẫn lời Duterte nói rằng đã đến lúc nêu phán quyết Biển Đông với Trung Quốc.
Theo Huyền Lê/VnExpress
(Nguồn SCMP)