Ngay từ bây giờ cộng đồng doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp để tận dụng những lợi thế từ Hiệp định Việt Nam-EU (EVFTA).
Là thành viên của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), các doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu đến những thị trường nhiều tiềm năng và nhập khẩu những thiết bị, nguyên liệu đầu vào cho kinh doanh với giá thấp, chất lượng cao…
Với trên 99% dòng thuế được cắt giảm về 0% trong vòng 7 năm sẽ là cơ hội tốt, mở ra một sân chơi lớn để giao thương cũng như đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Để hiện thực được các lợi thế này thì phải đáp ứng nhiều yêu cầu về xuất xứ hàng hoá, môi trường, quan hệ lao động, phát triển bền vững... Tuy nhiên, việc này không hề đơn giản.
Những ưu đãi của EVFTA sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may Việt Nam khi xuất khẩu vào EU
Ông Phí Ngọc Trịnh – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Dệt may Hồ Gươm chia sẻ, những ưu đãi của EVFTA sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may Việt Nam khi xuất khẩu vào EU. Mặc dù, thị trường EU được đánh giá là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam, nhưng doanh thu hàng năm không phản ánh đúng tiềm năng đó. Tay nghề công nhân của Việt Nam cũng được đánh giá cao hơn so với các nước láng giềng, song với mức thuế suất bình quân là 9,6%, sản phẩm dệt may của Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh rất lớn. Do vậy, các doanh nghiệp rất trông chờ vào Hiệp định này.
Ông Trịnh nhận diện, hiện ngành dệt may chưa thể hưởng lợi nhiều ngay lập tức, bởi chúng ta đang vướng ở việc đảm bảo nguyên tắc xuất xứ, do phần lớn vải và các phụ liệu khác nhập khẩu từ những thị trường chưa ký hiệp định FTA với EU.
“Sau khi Hiệp định có hiệu lực thì ngành dệt may cũng không thể ngay lập tức có được các lợi thế. Cụ thể, ngành dệt may của chúng tôi vải đang nhập từ Đài Loan và Trung Quốc- hai thị trường này hiện chưa ký hiệp định FTA với EU, nên không thể được hưởng ngay ưu đãi về thuế. Trong Hiệp định có nói, cho phép vải nhập từ các nước có Hiệp định thương mại tự do với Châu Âu như Hàn Quốc. Tuy nhiên, thực tế chúng ta lại không nhập vải từ Hàn Quốc mà lại nhập từ Đài Loan và Trung Quốc, Indonesia nên không thể được hưởng lợi thế ngay được”, ông Phí Ngọc Trịnh nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, để tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA mang lại thì vấn đề đầu tiên là cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nội luật hóa được các quy định của EVFTA. Quá trình nội luật hóa các cam kết trong EVFTA đòi hỏi Việt Nam phải khéo léo tận dụng các khoảng không gian chính sách để sửa đổi hệ thống pháp luật phù hợp.
Bản thân doanh nghiệp phải có tầm nhìn toàn diện hơn, chủ động hơn trong việc tiếp cận thông tin về các thị trường mới. Đồng thời, phải định vị thị trường của mình trong bối cảnh hội nhập, tái cấu trúc việc quản trị và công nghệ để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật, xác lập được một hệ thống phòng ngừa rủi ro.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng vụ Đa biên - Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã báo cáo Chính phủ cho phép triển khai ngay quy trình phê chuẩn EVFTA; chủ trì phối hợp với các bộ ngành đánh tác động làm cơ sở trình Quốc hội phê chuẩn vào kỳ họp tháng 10 tới đây, ngay sau kế hoạch hành động sẽ được ban hành. Bộ phấn đấu, năm 2020 Hiệp định sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu kỹ hiệp định này để tận dụng cơ hội càng nhanh càng tốt, cũng như duy trì lợi thế càng lâu càng tốt.
“Chúng ta biết quy tắc xuất xứ và thấy rằng, quy tắc xuất xứ đáp ứng được không có nghĩa là bán dược ngay với EU. Phải quan tâm đến thực phẩm thì SPS thế nào, liên quan đến hàng về kỹ thuật thì TBT thế nào. Ngoài ra, còn nhiều quy định khác trong khi doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc các bộ thuế thế nào hay cao hơn là quy tắc xuất xứ, mà chưa quan tâm rộng hơn đến xuất khẩu các sản phẩm từ Việt Nam sang EU thì thủ tục như thế nào. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị doanh nghiệp cần hiểu rõ và chi tiết hơn”, ông Ngô Chung Khanh cho hay.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng cho rằng, từ nay đến khi Hiệp định được chính thức đi vào thực thi, các cơ quan chức năng, bộ, ngành địa phương cần tăng cường cập nhật thông tin thường xuyên để doanh nghiệp nắm bắt được rõ ràng, cụ thể. Từ đó, tận dụng được các lợi thế từ Hiệp định mang lại cũng như xây dựng được chiến lược kinh doanh phù hợp trong bối cảnh mới.
Ông Nguyễn Xuân An, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quốc tế OJ Việt Nam nêu thực tế: “Việc tìm hiểu về thông tin khá khó khăn đối với các doanh nghiệp ở tỉnh, nhiều doanh nghiệp không nắm bắt được thông tin từ Hiệp định EVFTA. Do đó, mong muốn cơ quan, Nhà nước tạo điều kiện để tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị thường xuyên hơn. Tại các tỉnh thành Sở Công thương, Trung tâm xúc tiến thương mại mở các lớp tập huấn, các buổi hội thảo để cập nhật thông tin cho doanh nghiệp”.
Hiện, nếu tính cả những hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán, dự kiến ký kết trong 1 - 2 năm tới như: Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)... thì cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp nước ta là rất lớn.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là mức độ hấp thụ của Việt Nam và tuân thủ những cam kết trái ngược nhau giữa các Hiệp định. Do đó, Chính phủ cần sớm có nghị định hướng dẫn cụ thể để giúp doanh nghiệp hiểu đúng các cam kết. Các ngành hàng cũng cần ngồi lại với nhau để cùng nhận diện thách thức, cơ hội từ tất cả các FTA mang lại và mức độ cạnh tranh với các nước có cùng thế mạnh. Từ đó giúp các doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước cũng như nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế./.
Theo Nguyễn Hằng/VOV.VN