Để thu hút người dùng ví điện tử, tổ chức cung ứng dịch vụ ví cần triển khai nhiều cách để giúp người dân thuận lợi khi bổ sung thông tin.
Hiện nay, việc thanh toán qua ví điện tử đang trở nên phổ biến như: trả tiền điện, nước, internet, mua hàng hóa, dịch vụ, thẻ cào, bảo hiểm…
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện, cả nước có 26 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử đó là: SenPay, Moca, MoMo, AirPay, ZaloPay, Vimo…và khoảng 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử. Tính đến cuối năm 2018, cả nước có 4,2 triệu ví đã liên kết với tài khoản ngân hàng, một số ví điện tử có lượng khách hàng lên tới hàng triệu người.
Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung nhiều quy định mới theo hướng mở tài khoản ví, quy định hạn mức giao dịch.
Tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2014/TT-NHNN của NHNN mới đây hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán đã bổ sung nhiều quy định mới theo hướng kiểm soát việc mở tài khoản ví, quy định hạn mức giao dịch…
Trong đó quy định, cá nhân mở ví điện tử cần cung cấp thông tin, giấy tờ như, căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy khai sinh (đối với cá nhân là công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi); thị thực nhập cảnh hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thị thực nhập cảnh của người mở ví (đối với người nước ngoài); họ tên, ngày tháng năm sinh…
Với ví điện tử của tổ chức, cần một trong các giấy tờ chứng minh như: quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật...
Dự thảo thông tư cũng yêu cầu người dùng phải hoàn thành việc liên kết ví điện tử với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ATM chính chủ mở tại ngân hàng tại Việt Nam trước khi kích hoạt ví để sử dụng.
Việc nạp tiền vào ví của khách hàng phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán hay thẻ ATM của chủ ví điện tử tại ngân hàng hoặc thông qua việc nhận tiền từ ví khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ mở…
Trước hàng loạt quy định mới được bổ sung và siết chặt điều kiện mở và sử dụng ví điện tử, nhiều ý kiến lo ngại người dùng sẽ “nản” và chuyển sang sử dụng các kênh thanh toán khác đơn giản hơn.
Chị Trần Thu Hồng, ở Đội Cấn, Ba Đình (Hà Nội) cho biết, chị kinh doanh mỹ phẩm, quần áo từ nhiều năm nay, trên máy tính và điện thoại có cài đặt khá nhiều ứng dụng ví điện tử như: Vietcombank Pay, Techcombank Pay, MoMo, ZaloPay… Mới đây, khi biết quy định mở ví được siết chặt thì chị sẽ cân nhắc và giảm bớt số lượng ví, chỉ giữ lại những ứng dụng ví thông dụng để dùng.
Có cùng quan điểm, anh Trần Hữu Thái ở Cầu Giấy cho hay, là người kinh doanh lâu năm và thường phải giao dịch tài chính trực tuyến. Hiện, anh dùng 2 ứng dụng ví điện tử, anh có ý định mở thêm 1, 2 ví nữa để thuận tiện cho việc giao dịch. Tuy nhiên, khi biết quy định mới về mở ví cần nhiều thủ tục hơn, phức tạp hơn, anh cảm thấy e ngại và đang “lăn tăn” không biết có nên mở tiếp ví nữa hay không…
Trước những băn khoăn của người dùng, chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Quang Tín cho rằng, việc siết chặt mở ví điện tử và yêu cầu người dùng ví điện tử phải cung cấp thông tin cá nhân là hợp lý và cần thiết. Bởi đây là phương thức thanh toán không tiền mặt hiện đại, do vậy, cần thông tin cụ thể, chính xác của người dùng để tránh tình trạng một người mở nhiều tài khoản ví, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc kiểm soát kênh thanh toán này.
“Để người dân không “ngại” dùng ví điện tử khi phải kê khai nhiều thông tin, cá nhân, tổ chức cung ứng dịch vụ ví cần triển khai nhiều cách, giúp người dùng thuận lợi khi bổ sung thông tin, giấy tờ. Đồng thời, trong quá trình hoạt động, ví điện tử cần đáp ứng các tiêu chí nhanh chóng, tiện lợi, an toàn để thu hút và hấp dẫn khách hàng”, ông Bùi Quang Tín cho hay./.
Theo Chung Thủy/VOV.VN