4
/
117887
Không giảm thuế, khó kìm giá xăng dầu
khong-giam-thue-kho-kim-gia-xang-dau
news

Không giảm thuế, khó kìm giá xăng dầu

Thứ 7, 09/10/2021 | 09:05:23
1,144 lượt xem

Không chỉ chịu tác động mạnh bởi giá xăng dầu thế giới, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đang cao ngất ngưởng và dự báo sẽ tiếp tục tăng cao còn do gánh nặng thuế phí, chiếm 42-43% trong cơ cấu giá thành mặt hàng này.

Không giảm thuế, khó kìm giá xăng dầu - Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia đề nghị giảm thuế phí để kìm giá xăng dầu, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo các chuyên gia, để "kìm cương" giá xăng dầu, không để tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới và nhất là trong kỳ điều chỉnh giá vào ngày 10-10, cơ quan điều hành cần phải tính toán giảm thuế, phí thay vì tiếp tục phụ thuộc vào quỹ bình ổn giá vốn đã cạn kiệt, nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh kéo dài. 

Đặc biệt, theo các chuyên gia, cần xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng sinh học - loại xăng bảo vệ môi trường nhưng đang chịu mức thuế bảo vệ môi trường quá cao, quá bất hợp lý.

Giá xăng gánh quá nhiều thuế, phí

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Duy Đông, vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho rằng với giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, có thời điểm lên tới 83 USD/thùng - mức cao nhất trong vòng 7 năm qua, tác động rất lớn đến giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 10-10. 

Do đó, cơ quan điều hành là Bộ Công thương - Bộ Tài chính đang xây dựng phương án điều hành giá để báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, những công cụ tham gia việc điều hành giá không còn nhiều dư địa để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu. Với số dư quỹ bình ổn chỉ còn khoảng 670 tỉ đồng, theo ông Đông, vẫn có thể cân đối được để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 10-10. 

Tuy nhiên, đến nay có đến 14 đầu mối bị âm quỹ. Riêng 2 tập đoàn lớn là Petrolimex và PVOil có số âm quỹ bình ổn lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

"Từ đầu năm đến nay giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới tăng rất mạnh, từ 35-43%. Nhưng với việc sử dụng quỹ bình ổn giá, giá bán lẻ xăng dầu trong nước chỉ tăng 30-35%, thấp hơn mức tăng của thế giới. 

Dù đã sử dụng quỹ rất nhiều để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhưng không hẳn là không còn dư địa, quỹ vẫn còn. Dù vậy, phải tính toán các công cụ khác để hài hòa, vì diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng mạnh" - ông Đông nêu.

Cũng theo ông Đông, mức thuế, phí đang chiếm tỉ trọng rất cao trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng dầu. Trong đó các loại thuế, phí chiếm 42-43% trong cơ cấu giá thành mặt hàng xăng, và tỉ lệ này với mặt hàng dầu là 24-30%. 

"Vì vậy ngoài việc sử dụng hiệu quả linh hoạt quỹ bình ổn giá, Bộ Công thương sẽ báo cáo Chính phủ, kiến nghị một số giải pháp, trong đó có đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét cân nhắc giảm thuế, phí như thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và nhất là thuế bảo vệ môi trường", ông Đông cho biết.

Xăng sinh học vẫn gánh thuế bảo vệ môi trường

Một chuyên gia trong lĩnh vực thuế khẳng định thuế bảo vệ môi trường đang được tính toán rất cơ học, theo giá trị tuyệt đối cho mặt hàng xăng sinh học là khoảng 3.800 đồng/lít, chứ không theo mức giảm thải carbon để bảo vệ môi trường của sản phẩm này. 

Đây là mức thuế cao trong các yếu tố cấu thành giá cơ sở giá xăng dầu và rất bất hợp lý, cần cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp.

"Với lượng tiêu thụ xăng E5 trong năm 2020 lên tới gần 2,5 triệu m3, chiếm khoảng 32% tổng tiêu thụ xăng các loại. Nếu giảm thuế bảo vệ môi trường, giá mặt hàng này sẽ về mức hợp lý hơn, tác động tích cực đến đời sống người dân" - vị này nói. 

Hơn nữa, việc tính đúng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng E5 sẽ góp phần giảm áp lực chi sử dụng quỹ bình ổn, tránh tình trạng giá bán các mặt hàng xăng dầu khác phải "gánh" thay để giảm giá xăng E5.

Một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu cũng cho rằng cần nghiên cứu tính toán việc giảm thuế cho phù hợp, thay vì quá phụ thuộc vào việc sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá. 

Trên thực tế để tạo mức chênh lệch giá giữa xăng E5 và xăng RON95 (khoảng 1.000 đồng/lít) nhằm tạo ra sự hấp dẫn cho người tiêu dùng, từ đầu năm đến nay cơ quan điều hành chủ yếu sử dụng quỹ bình ổn giá để chi cho mặt hàng này 1.000-2.000 đồng/lít trong kỳ điều hành.

Thay vì sử dụng quỹ bình ổn, cơ quan điều hành có thể giảm thuế bảo vệ môi trường để duy trì mức chênh lệch nêu trên. 

Theo vị này, thực tế chưa có cơ sở và căn cứ riêng để tính thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng E5, do không nằm trong đối tượng chịu thuế. Vì vậy, mức thuế đối với mặt hàng xăng E5 được tính toán dựa trên cơ sở tỉ lệ 95% xăng khoáng A92 được sử dụng để pha chế, sản xuất ra xăng sinh học E5, tính ra mỗi lít phải chịu tới 3.800 đồng.

"Do vậy cần tính toán giảm thuế bảo vệ môi trường trên cơ sở nghiên cứu khoa học đã chứng minh, với độ phát thải của xăng sinh học E5 chỉ khoảng 60-70%. Đồng thời bổ sung đối tượng chịu thuế là xăng sinh học để việc đánh thuế đúng bản chất của thuế bảo vệ môi trường thay vì cách tính cơ học như hiện nay" - vị này nói.

Phải giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của Bộ Tài chính thừa nhận việc giảm giá xăng dầu trong lúc này là rất cần thiết nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sau một thời gian dài bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19.

Và để giảm giá xăng dầu, theo vị này, giải pháp hiệu quả nhất là giảm thuế. Mặt hàng xăng dầu đang phải cõng 4 loại thuế gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường, chiếm 35-43% trong cơ cấu giá thành tùy theo từng mặt hàng.

Theo đó, khi mua một lít xăng RON95, người tiêu dùng đang phải trả tới 4.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường.

"Theo quan điểm của tôi, Bộ Tài chính cần xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường, nếu được cũng nên giảm cả thuế giá trị gia tăng. Nếu giảm thuế, tất nhiên ngân sách sẽ giảm số thu nhưng cần phải tính toán để chia sẻ, hỗ trợ người nộp thuế trong lúc này", vị này nói.

L.THANH

Bộ Tài chính "phớt lờ" chỉ đạo của Phó thủ tướng

Ngày 26-7, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 1982 về điều hành với mặt hàng xăng dầu, thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái, yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính, cơ quan liên quan điều hành giá xăng dầu theo nghị định 83.

Đặc biệt, Bộ Tài chính được yêu cầu chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu báo cáo, kiến nghị của Bộ Công thương về các loại thuế áp dụng với xăng dầu. Tuy nhiên đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa có phản hồi nào liên quan đến việc xem xét, tính toán giảm thuế phí để kìm giá xăng dầu, hỗ trợ sản xuất trong nước.

Trả lời Tuổi Trẻ, Bộ Tài chính cũng cho rằng Vụ Chính sách thuế của bộ này "vẫn chưa nhận được kiến nghị từ Bộ Công thương cũng như văn bản chỉ đạo liên quan đến việc xem xét giảm thuế đối với mặt hàng xăng".

Ngày 12-7, Bộ Công thương có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp bình ổn giá xăng dầu trong nước theo hướng rà soát giảm các loại thuế đang áp dụng đối với mặt hàng này.

N.AN - L.THANH

Theo Ngọc An/Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/khong-giam-thue-kho-kim-gia-xang-dau-20211009080443895.htm

  • Từ khóa

Tăng kim ngạch xuất khẩu vào Canada: Cần tận dụng hơn nữa các ưu đãi từ CPTPP

Có khoảng 4 tỷ USD hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Canada không khai thác được lợi ích CPTPP, do đó, doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa việc...
12:15 - 29/03/2024
9 lượt xem

Đề xuất mới về sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Bên cạnh đề xuất để doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá bán xăng dầu, Bộ Công Thương cũng đưa ra đề xuất quan trọng về Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
10:42 - 29/03/2024
54 lượt xem

Nhiều ngân hàng rà soát để hủy thẻ, xóa tài khoản rác

Sau khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng chủ động thông tin cho khách hàng các vấn đề bất thường trong việc sử dụng thẻ, nhiều ngân hàng cho biết...
09:10 - 29/03/2024
106 lượt xem

Gạo Việt Nam tiếp tục bị cạnh tranh tại thị trường xuất khẩu truyền thống

Philippines đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung gạo, tìm đến những nhà cung ứng tiềm năng, ngoài Việt Nam, điều này tạo nên sức ép cạnh tranh cho ngành...
07:17 - 29/03/2024
145 lượt xem

Nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới chốt địa điểm xây nhà máy tại Việt Nam

Nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD đã chốt Khu công nghiệp Phú Hà ở tỉnh Phú Thọ làm nơi xây nhà máy, nhưng thời điểm triển khai vẫn còn đang cân...
19:26 - 28/03/2024
418 lượt xem