BGTV- Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình giai đoạn 2017-2021” do Hội LHPN tỉnh Bắc Giang triển khai nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng, ý thức trách nhiệm của hội viên phụ nữ về công tác bảo vệ môi trường. Tại Lạng Giang, phong trào của các cấp hội phụ nữ nơi đây đã thu hái nhiều kết quả tích cực, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.
Phân loại rác tại nguồn, tận dụng chai, lọ, thau, chậu nhựa để bán phế liệu vừa tăng thu nhập, giảm chi phí cho hoạt động dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý
Đã trở thành thói quen, chị Nguyễn Thị Thu ở thôn Quang Hiển, xã Quang Thịnh chỉ sử dụng làn nhựa đi chợ, các loại rác trong gia đình cũng thường xuyên được phân loại trong ngày từ rau củ, vỏ hoa quả đến chai lọ, túi bóng... đều được để vào 2 xô riêng biệt. Chị Thu chia sẻ: “Chưa làm thì thấy có vẻ rắc rối nhưng khi đã thành thói quen mình mới thấy rõ tác dụng hiệu quả của việc phân loại rác, vừa sạch sẽ nhà cửa, thuận lợi cho thu gom xử lý lại có thể thêm tiền từ buôn bán phế liệu, đóng góp cùng chị em hội phụ nữ thôn để giúp đỡ tới các hoàn cảnh khó khăn, trước đây tôi không mấy để ý đến vấn đề này nhưng đúng là tích tiểu thành đại, nhiều người cùng làm sẽ có hiệu quả cao rõ rệt, đặc biệt là mấy cháu nhỏ trong nhà cũng học tập được thói quen tốt, ngăn nắp và cẩn thận hơn”.
Hiện nay 100% hội viên chi hội phụ nữ thôn Quang Hiển thực hiện phân loại rác thải thường xuyên tại hộ gia đình hàng ngày, vào ngày cuối cùng của tháng, các hội viên mang những loại rác tái chế được như chai lọ, giấy bìa, thùng cacton gom tập trung lại để bán phế liệu, số tiền thu được sẽ dùng vào hoạt động từ thiện.
Bà Ngô Thị Thắm, Chủ tịch Hội LHPN xã Quang Thịnh cho biết: “Bằng việc triển khai phân loại rác ngay tại hội gia đình đến 13/13 chi hội, ý thức bảo vệ môi trường của các chị em được nâng lên rõ rệt, từ khi triển khai thực hiện đề án, toàn hội đã thu về trên 40 triệu đồng từ bán phế liệu tái chế, số tiền này tuy không quá lớn song là nguồn động viên kịp thời và ý nghĩa đối với các hoàn cảnh khó khăn, đóng góp tích cực vào xây dựng nếp sống đoàn kết, văn minh.”
Ý thức bảo vệ môi trường của các hội viên phụ nữ nâng lên rõ rệt từ hoạt động thu gom phân loại rác tại gia đình
Để đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình giai đoạn 2017-2021” thật sự đi vào cuộc sống, hội LHPN huyện Lạng Giang thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền những kiến thức cơ bản về Luật bảo vệ môi trường, các quy định xử phạt trong lĩnh vực này và cung cấp các kiến thức, kỹ năng thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn; cách phân loại rác hữu cơ và vô cơ. Từ đó giúp hội viên phụ nữ hiểu rõ và thực hiện cách thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình, góp phần giảm thiểu lượng rác thải, tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp. Đến nay, 100% cơ sở hội phụ nữ trong huyện Lạng Giang với trên 29.300 hộ tham gia thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn, từ 63 mô hình điểm ở các thôn ban đầu, đến nay có 254/284 thôn đang thực hiện tốt khâu phân loại rác thải nhựa, thu gom bán phế liệu với số tiền trên 360 triệu đồng, các cấp hội đã trích kinh phí hơn 130 triệu đồng mua quạt điện, trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng trên 7.700 chiếc làn đi chợ, gần 1.600 xô, thùng đựng rác tới các hội viên để chị em phân loại rác thải tại hộ gia đình... Số tiền còn lại các cấp hội tiếp tục phát triển những mô hình hay trong công tác bảo vệ môi trường như chăm sóc đường hoa, trồng cây xanh, vẽ tranh tường, nhân rộng các CLB nhà sạch - vườn đẹp - ngõ văn minh, mô hình gia đình “5 không 3 sạch”, tích cực triển khai các hoạt động như “ngày chủ nhật xanh”, vệ sinh đường làng ngõ xóm, làm sạch đồng ruộng; đóng phí vệ sinh môi trường; nói không với túi nilon.
Bà Phan Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lạng Giang cho biết: Sau 01 năm triển khai thực hiện Đề án, hoạt động bảo vệ môi trường xuất phát từ nhận thức của chính các hội viên đã góp phần tạo sức lan tỏa và hiệu quả mạnh mẽ, người dân đã có ý thức tự thu gom và xử lý rác tại hộ, ý thức trách nhiệm của hội viên phụ nữ được nâng lên, không còn tình trạng rác thải bừa bãi, cũng từ đây đã tạo nên nguồn “tiết kiệm xanh gắn với các hoạt động nghĩa tình, xây dựng khối đoàn kết và đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng NTM tại địa phương./.
Minh Anh