BGTV- Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam” những năm qua trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thật sự phát huy hiệu quả, tạo bước chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, là động lực thúc đẩy doanh nghiệp, từ đó xây dựng văn hóa tiêu dùng.
Trong bối cảnh nền kinh tế của chúng ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, vì vậy sự đa dạng về hàng hoá, đa dạng về sở hữu, đa dạng về nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá là tất yếu. Bài toán cạnh tranh của hàng Việt trong giai đoạn hiện nay được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm, nhằm tạo vị thế vững chắc cho các thương hiệu nội địa và tạo niềm tin, là lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng. Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, để mở rộng và đẩy mạnh Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (CVĐ), nhiều điểm bán, giới thiệu sản phẩm hàng nội địa đã triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh, được đông đảo người tiêu dùng quan tâm, bên cạnh đó công tác kiểm soát, phòng chống gian lận thương mại và “cuộc chiến” ngăn ngừa hàng giả hàng kém chất lượng “đội lốt” hàng Việt cũng được đẩy mạnh nhằm bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhờ đó tỷ lệ sử dụng hàng Việt trên địa bàn tỉnh đã có những thay đổi đáng kể, mặt hàng lương thực thực phẩm chiếm 95%, hàng tiêu dùng trên 70%, hàng may mặc gần 60%...
Tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang như Coop Mart, BigC và hệ thống các siêu thị mini chuyên kinh doanh thực phẩm sạch... luôn chú trọng đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng những khẩu hiệu thiết thực như “Tự hào hàng Việt” cùng nhiều chương trình ưu đãi nhằm kích cầu. Thông qua các hình thức tuyên truyền quảng bá để người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, từ đó quan tâm và lựa chọn sử dụng hàng Việt Nam.
Người dân dần có nhiều lựa chọn hơn khi mua sắm hàng hóa mang thương hiệu Việt
Chị Nguyễn Anh Thư (Phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang) khách hàng thường xuyên tại siêu thị CoopMart chia sẻ: “Tôi luôn ưu tiên siêu thị có các sản phẩm nội địa, nhất là với mặt hàng thực phẩm sạch, hàng tiêu dùng bởi nguồn gốc rõ ràng, giá cả một số mặt hàng như rau xanh, hoa quả còn rẻ hơn chợ bên ngoài do được bình ổn, các mặt hàng cũng ngày càng đa dạng, phong phú hơn, nếu so sánh về chất lượng thì cá nhân tôi thấy nhiều mặt hàng thực phẩm còn vượt trội hơn hẳn hàng ngoại nhập”.
Trong Chương trình hành động đẩy mạnh thực hiện CVĐ người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam của tỉnh Bắc Giang, với mục tiêu đến năm 2020, ít nhất 90% chợ, trung tâm thương mại ở thành phố, thị trấn và 85% trung tâm xã, chợ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, các cụm, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có điểm giới thiệu và bán hàng Việt Nam cố định, bền vững, cùng với đó phấn đấu 100% doanh nghiệp, doanh nhân đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện cam kết sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh hàng hóa đạt quy chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ; không sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. 100% người tiêu dùng, doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh biết và hưởng ứng CVĐ, ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt Nam.
Chợ truyền thống, cửa hàng đại lý... là những kênh quảng cáo, bán hàng Việt Nam phổ hiệu quả do thói quen tiêu dùng của người dân, đặc biệt tại các vùng quê
Giữa muôn ngàn lựa chọn các mặt hàng, sản phẩm, tâm lý và thói quen tiêu dùng của người Việt đã thay đổi, với 70% người tiêu dùng đã ưu tiên sử dụng hàng nội địa và 90% người dân được hỏi đều quan tâm đến hàng Việt. Để cuộc vận động thực sự đạt được hiệu quả rất cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ cùng chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp và đông đảo tầng lớp nhân dân để tạo sự lan tỏa, sâu rộng của Cuộc vận động. Bên cạnh đó cần tới sự vào cuộc, phối hợp tích cực cùng Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh trong việc tuyên truyền, xử lý nghiêm những vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Mặc dù gặt hái được những thành quả nhất định, nhưng CVĐ tiêu dùng hàng Việt vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Có thể nói, để tạo thói quen, phong cách trong tiêu dùng của người dân, thời gian tới sẽ cần nhiều biện pháp dài hơi hơn nữa để khích lệ các doanh nghiệp sản xuất tốt hơn, chất lượng cao hơn, khả năng cạnh tranh mạnh hơn, chinh phục được thị trường trong nước, đồng thời thức tỉnh ý thức trách nhiệm, tự tôn dân tộc của mỗi người Việt Nam, thể hiện lòng yêu nước thông qua việc sử dụng hàng Việt./.
Minh Anh