BGTV- Thả diều vốn là trò chơi dân gian hấp dẫn đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi, nhất là trẻ em. Tuy nhiên, khi trò tiêu khiển này diễn ra ở những nơi có không gian chật hẹp, đông đúc rất dễ gây ra những phiền toái và tai hoạ nguy hiểm khó lường.
Thả diều trên đường giao thông tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông và nguy hiểm với chính các em nhỏ
Trên thị trường hiện nay đều dễ dàng mua được những con diều bắt mắt, hấp dẫn với đủ màu sắc, kích cỡ, hình thù như: máy bay, siêu nhân, các nhân vật hoạt hình… với đủ các chất liệu từ vải, giấy, bạt… nhiều loại có chiều dài tới 2-3m, rộng gần 1m; phần thân diều có thể gắn thêm sáo hoặc đèn chiếu sáng, dây diều bằng sợi nilon hoặc dây có lõi thép. Trò chơi này có sức cuốn hút với nhiều em học sinh bởi chỉ cần từ 20.000 – 50.000 đồng đã có một con diều bắt mắt với đủ hình dáng, màu sắc.
Tuy nhiên, trong điều kiện thiếu sân chơi trong những ngày hè như hiện nay, đối với các em, việc chơi thả diều tùy tiện, nếu không có sân chơi hợp lý, không được người lớn theo dõi, nhắc nhở thì các em rất dễ xảy ra những tai nạn đáng tiếc, nhiều em đã “liều lĩnh” chơi diều ở ngay cả những nơi gần đường dây tải điện, khu vực đường tàu, khu vực có nhiều xe cộ qua lại rất dễ xảy ra va chạm, chập cháy gây tai nạn về điện ảnh hưởng đến tính mạng.
Anh Vũ Văn Quân (thôn An Phú, Xã Song Mai, TP Bắc Giang) cho biết: “Chiều hôm nào có nắng là khu đất trống trước cửa nhà tôi lại rất đông các cháu nhỏ vui chơi, cũng nhiều cháu mang diều ra chơi nhưng mải mê quá không mấy để ý xung quanh, khu vực này cũng nhiều dây diện, cột điện, vừa rồi có dây diều quấn vào gây chập cháy, cũng may mà không sao, tôi nghĩ phụ huynh cần chú ý nhắc nhở con em mình, nhất là dịp hè để đảm bảo an toàn”.
Thực tế đã có những vụ tai nạn điện giật, tai nạn giao thông chết người do thả diều như hồi chuông cảnh báo, các em nhỏ khi thả diều cần rất thận trọng, đặc biệt là tránh đường dây điện đi qua. Với nhiều nguy hiểm rình rập phía sau cánh diều, song không ít thanh thiếu niên vẫn vô tư chơi, bất chấp tai nạn cho bản thân và gây nguy hại cho người khác.
Theo Nghị định 106/2005/NĐ-CP của Chính phủ đã cấm thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp, thả bất kì vật gì có khả năng gây hư hại điện công trình điện áp cao, người vi phạm các hành vi trên sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng. Tuy nhiên, hiện nay việc xử phạt đối với những hành vi vi phạm này dường như vẫn chưa được cơ quan chức năng thực hiện.
Để có những giây phút thư giãn lành mạnh, an toàn với những cánh diều, thì các bậc cha mẹ nên quan tâm, nhắc nhở con em mình có ý thức và cẩn thận hơn khi tham gia trò chơi này. Bên cạnh đó việc tuyên truyền, vận động người dân không thả diều gần đường dây điện cần được thực hiện nghiêm túc, triệt để. Mặt khác, cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp chế tài đối với người thả diều vi phạm các quy định về an toàn lưới điện, an toàn giao thông.
Minh Anh