BGTV- Nhiều gia đình có sở thích nuôi chó, mèo trong nhà và thường xuyên ôm hôn, vuốt ve, ngủ cùng vật nuôi. Tuy nhiên nếu không được vệ sinh và phòng ngừa bệnh tật cho vật nuôi, người chủ rất dễ lâu nhiễm các bệnh nguy hiểm từ thú cưng của mình.
Ðưa con gái 4 tuổi đến khi thăm khám tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang với triệu chứng sốt, ho, người nổi nhiều vết mẩn đỏ ngứa ngáy, chị Nguyễn Thị V (Phường Đa Mai, TP Bắc Giang) ban đầu vẫn nghĩ con mắc bệnh do thời tiết thay đổi. Tuy nhiên tại đây các bác sĩ kết luận bé bị nhiễm sán từ vật nuôi trong nhà. “Đúng là mình chủ quan khi để con ôm ấp chơi đùa thuốc xuyên với con chó con ở nhà, sau đấy cũng không nhắc cháu rửa tay vệ sinh sạch sẽ trước khi ăn uống, rất có thể từ những lần như thế mà con bị nhiễm bệnh, cứ nghĩ chó nhà nuôi sạch sẽ không sao nhưng có lẽ từ nay gia đình tôi phải nhốt riêng vật nuôi ra ngoài” – chị V chia sẻ.
Vật nuôi thân thiết trong gia đình cũng có thể là vật chủ mang mầm bệnh nguy hiểm với sức khỏe con người
Nuôi thú cưng như chó mèo là niềm vui và sở thích của nhiều người, tuy nhiên việc chăm sóc đúng vật nuôi đúng cách để giữ an toàn cho bản thân thì nhiều người vẫn còn khá “mơ hồ”. Các loại vật trong nhà cũng đồng thời là vật chủ có thể mang trên mình rất nhiều mầm mống gây bệnh cho con người. Ðặc biệt, trong sinh hoạt chúng ta có thể vô tình bị vật nuôi cắn, cào xước, hoặc chạm phải phân, nước tiểu... mang mầm bệnh từ vật nuôi.
Lớp lông dày trên cơ thể của các loài vật nuôi như: chó, mèo cũng trở thành nơi trú ẩn lý tưởng của các loài bọ lây truyền các loại vi khuẩn, những tiếp xúc thông thường như ôm ấp, vuốt ve cũng có thể truyền những loại bọ mang mầm bệnh sang người, điều này đặc biệt ở trẻ nhỏ bởi trẻ thường không ý thức được khi có dấu hiệu mắc bệnh, nhiều trường hợp trẻ bị các loại bọ, ve từ vật nuôi chui vào tai, mũi... gây biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, các loài động vật dù được tắm thường xuyên cũng không thể sạch hoàn toàn, những vật nuôi dù khỏe mạnh vẫn có thể mang mầm bệnh gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, sốt, tiêu chảy… cho trẻ nhỏ.
Theo các bác sĩ thú y, ngay từ khi vật nuôi còn nhỏ, người nuôi phải chăm sóc, tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh và tiến hành tẩy giun sán định kỳ khoảng 6 tháng/lần, tiêm ngừa bệnh và kiểm tra sức khỏe thường xuyên ở các phòng khám thú y, không cho vật nuôi ăn thịt sống... Ở chó, mèo, mũi tiêm ngừa bệnh Carré (bệnh đường ruột) đầu tiên thường được tiêm khi chó, mèo con được khoảng 1,5 tháng tuổi. Một tháng sau tiêm nhắc lại 1 lần, sau đó cứ định kỳ mỗi năm tiêm nhắc lại 1 lần theo quy trình của bác sĩ. Mũi ngừa bệnh dại được tiêm khi chó, mèo được từ 3 tháng tuổi trở lên và phải khoẻ mạnh.
Sau khi chơi đùa, vuốt ve ôm ấp thú cưng nên lưu ý giữ sạch vệ sinh cho bản thân
Để vật nuôi mang lại niềm vui và giữ gìn sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, cách tốt nhất là tránh để vật nuôi tiếp xúc với những nơi sinh hoạt thường xuyên của con người trong nhà, chẳng hạn như: bếp ăn, phòng ngủ… tập cho thú cưng thói quen đi vệ sinh đúng chỗ, đồng thời khi chúng bị bệnh nên cách ly khỏi không gian sống của gia đình. Với các gia đình nuôi số lượng lớn phải thường xuyên vệ sinh nhà bằng thuốc sát khuẩn để diệt những mầm bệnh. Nhóm đối tượng có tiền sử về bệnh hô hấp, nhạy cảm nên thận trọng khi tiếp xúc, đồng thời rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc, chơi đùa với vật nuôi, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Lê An