"Trước phiên tòa, bị cáo xin nhận trách nhiệm thay cho các anh Thắng, Sơn, Quỳnh, Liêm, Đức…", bị cáo Đinh La Thăng nói.
Mở đầu phiên xử chiều 20/3, bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐQT PVN tiếp tục khẳng định tất cả các đợt quyết định đầu tư vào Ngân hàng Đại dương (Oceanbank) đều thực hiện sau khi có văn bản quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Và thực tế các quyết định đầu tư đều được thực hiện sau khi có văn bản đồng ý của Thủ tướng.
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa. (Ảnh: TTXVN)
Luật sư nhắc đến công văn khuyến cáo của Bộ Tài chính. “Ông có nhớ đánh giá của Bộ Tài chính về điều kiện tham gia góp vốn vào Oceanbank không? Ông Thăng khai: "Văn bản của Bộ Tài chính, câu đầu tiên là đồng ý, PVN có đủ điều kiện để đầu tư vào Oceanbank. Sau đó có nêu một số điểm cần lưu ý khi thực hiện. Nhưng thực ra trước đó, PVN đã thực hiện những khuyến cáo của Bộ Tài chính từ trước khi có văn bản của Bộ".
“Đối với PVN, trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định pháp luật là đương nhiên. Vì vậy, bản thân bị cáo, lãnh đạo HĐQT, cũng như các lãnh đạo khác đều thực hiện tốt theo quy định của pháp luật. Nên trình tự, thủ tục quyết định đầu tư vào Oceanbank là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật, đúng theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thực sự đã đem lại hiệu quả. Bởi nếu có lý do gì thì các cơ quan nhà nước hoặc Thủ tướng sẽ có văn bản “thổi còi” nhưng ở đây, tất cả đều đồng ý. Các cơ quan kiểm tra, giám sát của NH nhà nước cũng không có khuyến cáo nào và đã đồng ý cấp phép cho việc tăng vốn diễn ra theo đúng quy định” – bị cáo Thăng trình bày.
Nói về lý do PVN quyết định đầu tư vào Oceanbank, bị cáo Đinh La Thăng cho biết, có 2 lý do: đối với doanh nghiệp thì đầu tư phải có hiệu quả; thứ 2 là xử lý những bất cập, tồn tại là việc khắc phục sự cố NH Hồng Việt. Thứ 3, PVN là đối tác chiến lược của Oceanbank, PVN đã giúp Oceanbank phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng trong khoảng thời gian ngắn.
“Việc này cũng có nghĩa góp phần vào chủ trương của Đảng, Chính phủ là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Như vậy, đóng góp của PVN khi quyết định đầu tư này, không chỉ thuần túy là cổ tức đem lại 244 tỷ, điều quan trọng hơn là góp phần để đưa Oceanbank phát triển” – cựu Chủ tịch HĐQT PVN nói.
Ông Thăng khai, trong lần thứ 3 góp vốn thêm 100 tỷ của PVN vào Oceanbank đúng thời điểm ông đi công tác dài ngày nên ủy quyền điều hành cho ông Nguyễn Xuân Thắng và Hoàng Xuân Hùng (đều là thành viên HĐTV PVN). Trong thời gian này, ông Thắng ký ban hành nghị quyết góp thêm 100 tỷ đồng vào Oceanbank. Ông Thăng nói khi đi công tác về cũng không biết.
“Trước phiên tòa, bị cáo xin nhận trách nhiệm thay cho các anh Thắng, Sơn, Quỳnh, Liêm, Đức…giả sử có vấn đề gì không đúng, bị cáo xin nhận thay tất cả” – bị cáo Thăng nói.
Theo ông Thăng, các cơ quan nhà nước đều biết việc góp vốn của PVN vào Oceanbank là đúng pháp luật, có hiệu quả trong lần 1 và 2. Riêng đợt 3, mặc dù bị cáo không biết Nghị quyết này và Nghị quyết này chưa phù hợp với quy định của pháp luật nên xin nhận trách nhiệm toàn bộ việc đó.
Luật sư tiếp tục đặt câu hỏi: Vì sao vẫn chấp nhận để PVN nắm giữ 20% vốn tại Oceanbank, trong khi Luật các tổ chức tín dụng năm 2011 chỉ cho phép 15%?. Bị cáo Thăng cho biết, tỷ lệ nắm giữ 20% vốn tại Oceanbank được góp từ trước, tức là năm 2010, trước khi Luật các tổ chức tín dụng 2011 có hiệu lực. Vì vậy, đến thời điểm bị cáo ký quyết định người đại diện vốn thì bị cáo vẫn phải ký tổng số vốn là 20%, không thể ký 15% được. “Nếu ký 15%, cò 5% còn lại vứt đi?- ông Thăng đặt câu hỏi và cho biết việc ký 20% là phần tiếp tục của cái cũ, tức là số vốn thực tế có tại Oceanbank, chứ không phải bị cáo ký thêm tăng vốn 20%. Quyết định bị cáo ký đó trên cơ sở Nghị quyết của Thường vụ Đảng ủy và HĐQT từ tháng 4/2011”- bị cáo Thăng nói./.
Theo Đức Minh/VOV.VN