Có người nhanh chân kịp chốt lời khi giá lên đỉnh nhưng ngược lại, rất nhiều người khóc ròng vì trong phút chốc bay hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng.
Một nghịch lý đang diễn ra là mỗi khi giá vàng tăng vọt, người dân ùn ùn kéo nhau đi mua vào bởi kỳ vọng giá còn lên nữa. Đến khi giá vàng xuống, người người lại xếp hàng đi bán vì sợ giá vàng sẽ tiếp tục giảm. Chính điều này giúp các nhà cái, “cá mập” kiếm bộn tiền, còn người dân và nhà đầu tư nhỏ lẻ tay mơ lãnh đủ.
Mua 1.000 lượng vàng và cú đầu tư thảm hại
Nhìn lại những phiên giá vàng tăng giảm bất thường như kiểu “tàu lượn siêu tốc” trong những ngày gần đây, chị Hạnh Thảo (nhà ở quận 2, TP.HCM) nhớ lại quãng thời gian mà chị quyết sống chết với vàng. Đó là vào khoảng giữa tháng 8/2011, thị trường vàng trong nước liên tiếp lập kỷ lục. Có lúc giá vàng vượt mốc 49 triệu đồng/lượng, do giá vàng thế giới tăng lên mốc cao nhất 1.920 USD/ounce.
Thời điểm đó, nhà nhà người người bàn chuyện mua vàng nhưng chỉ ít lâu sau, thị trường vàng Việt Nam chứng kiến cảnh người dân dầm mưa đi bán vàng do giá vàng lao dốc xuống 41 triệu đồng/lượng.
Nhận định rằng giá vàng trong trung và dài hạn có khả năng tăng cao nên vợ chồng chị Hạnh Thảo đổ tiền ra để mua vàng.
“Thời điểm đó, đợt tôi mua vào nhiều nhất là 300 lượng và ít nhất là 30 lượng với nhiều mức giá khác nhau nhưng trung bình khoảng 42 triệu đồng/lượng. Tổng cộng tôi mua vào gần 1.000 lượng vàng để chờ giá lên” - chị Hạnh Thảo kể.
Vì xác định là đầu tư trung và dài hạn nên dù trong năm 2012, giá vàng trong nước có lúc bật lên 47 triệu đồng/lượng, chị Hạnh Thảo vẫn không bán. Trong khi nếu bán chốt lời ở thời điểm này, chị thu về khoản lời khoảng 5 triệu đồng/lượng.
Nhưng thật trớ trêu, đến giữa năm 2013, giá vàng như quả bóng xì hơi: Tụt hẳn xuống mức 35 triệu đồng/lượng, thậm chí từ giữa năm 2015 đến nửa đầu năm 2016, giá vàng “ngủ li bì” ở mức 33 triệu đồng/lượng. Sau đó giá vàng phục hồi nhưng chỉ lình xình quanh ngưỡng 35-37 triệu đồng/lượng cho đến giữa năm 2019 thì bật lên trên 40 triệu đồng.
“Chờ quá lâu không thấy cơn sóng vàng nào lớn, càng không thấy dấu hiệu nào báo hiệu cho thấy giá vàng sẽ tăng. Vậy nên khi thấy giá vàng vào tháng 8/2019 bật lên mốc 40 triệu đồng/lượng thì tôi quyết định bán khoảng 650 lượng, thu về 26 tỉ đồng và bị lỗ 1,3 tỉ đồng. Ít lâu sau, khi giá vàng lên khoảng 42 triệu đồng/lượng thì tôi bán sạch, không còn miếng vàng nào. Giữ vàng suốt chín năm trời, với lượng vốn chôn chặt trong két sắt khoảng 42 tỉ đồng mà không sinh lời thì đúng là cú đầu tư quá thảm bại” - chị Hạnh Thảo chua xót nói.
Người dân mua vàng tại một tiệm vàng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM ngày 18/8. Ảnh: Nguyệt Nhi
Bất an, khóc ròng vì vàng
Thực tế cho thấy với những người thuộc lớp đại gia, dù thua ở kênh đầu tư này thì họ vẫn có thể thu lợi nhuận từ kênh đầu tư khác bù đắp. Tuy nhiên, với những người lao động, làm công ăn lương hằng ngày phải tiết kiệm chi tiêu từng đồng thì cú ngã ngựa vì vàng thực sự kinh hoàng.
Chị Tố An (nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: Số tiền dành dụm của hai vợ chồng trong suốt năm năm qua, cộng với tiền gia đình hai bên cha mẹ cho được tổng cộng hơn 600 triệu đồng. Hai vợ chồng dự tính dành số tiền này để mua nhà. Do chưa tìm được dự án nào phù hợp túi tiền nên chị tạm gửi tiết kiệm tại ngân hàng kỳ hạn ba tháng với lãi suất khoảng 4%/năm, tương đương tiền lãi khoảng 2 triệu đồng/tháng.
Thấy mức lợi nhuận từ gửi tiết kiệm thấp, chị Tố An bàn với chồng đầu tư vào vàng và anh ủng hộ. Vậy là chị vội ra ngân hàng rút hết 600 triệu đồng, mua được 9 lượng vàng SJC với giá 61,3 triệu đồng/lượng. Oái oăm thay, vừa mua vàng chưa được bao lâu thì thị trường lao dốc không phanh, có thời điểm giá bán ra giảm chỉ còn 51,47 triệu đồng và giá mua vào chỉ hơn 47 triệu đồng/lượng.
Sau đó, giá vàng phục hồi trở lại nhưng so với giá ở thời điểm mua thì chị lỗ tới 7 triệu đồng/lượng. Tổng cộng chỉ sau 10 ngày, chị lỗ khoảng 62 triệu đồng do giá vàng bốc hơi và mất luôn cả khoản lãi ngân hàng do tất toán sổ tiết kiệm trước hạn.
“Mấy ngày nay tôi như ngồi trên đống lửa, không làm được việc gì, suốt ngày ngồi canh giá vàng. Có người nói cứ giữ đi rồi giá vàng sẽ tăng trở lại. Nhưng cũng có người nói nên canh giá rồi cắt lỗ ở một mức nào đó mà tôi có thể chịu đựng được” - chị Tố An lo lắng.
Chị An không phải là trường hợp cá biệt, vì theo quan sát của chúng tôi, ngay cả vào những ngày giá vàng lên cao nhất mọi thời đại - đạt gần 63 triệu đồng/lượng, nhiều người dân rủ nhau đi mua vàng. Sau đó, vàng tuột dốc khiến nhiều người khóc ròng.
Bàn tay ngầm
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, nhìn nhận: Cuối tuần trước (từ ngày 6 đến 8/8), tức chỉ trong vòng vài ngày mà biên độ tăng của giá vàng SJC lên đến trên 15%. Như vậy, nếu ai mua đáy bán đỉnh thì xem như đã chớp được cơ hội sinh lời trong mơ.
“Nhưng theo quan sát của tôi, tỉ lệ người mua đáy bán đỉnh cực kỳ hiếm. Ngược lại, rất nhiều người dân, nhà đầu tư nhỏ không kịp dịch chuyển danh mục đầu tư của mình một cách hợp lý, dẫn đến tình trạng rơi vào bẫy là mua cao, bán thấp” - ông Hải nói.
Bà Thu Hồng, chủ tiệm vàng ở TP.HCM, tiết lộ: Trong đợt sóng mạnh vừa qua, giá vàng tăng giảm rất sốc như kiểu “tàu lượn siêu tốc” một phần chịu tác động từ thị trường thế giới nhưng có cả bàn tay ngầm điều khiển thị trường của giới đầu cơ, “cá mập”.
“Tôi quen biết khá nhiều công ty kinh doanh vàng lớn và được biết khi vàng ở vùng giá 51, 54, 55… triệu đồng/lượng, họ đã mua vào rất nhiều, có thể lên đến cả ngàn lượng. Khi vàng tăng dựng đứng lên gần 63 triệu đồng/lượng, họ đẩy ngay và đợi lúc giá thấp mới mua lại. Như vậy, trong những cơn biến động giá vàng như sóng thần vừa qua, chỉ có nhà đầu tư “cá mập” thắng” - bà Hồng nói.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nha-cai-tung-hung-gia-vang-nha-dau-tu-tay-mo-lanh-du-20200819063645342.htm#dt_source=Cate_KinhDoanh&dt_campaign=Cover&dt_medium=1