6 tháng đầu năm, có đến gần 80.000 doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, qua rà soát của ngành thuế, không ít doanh nghiệp dù không bị ảnh hưởng nhưng lấy lý do dịch bệnh để chây ỳ, nợ thuế. Tổng cục Thuế đề nghị phải vừa tìm cách tháo gỡ, tuyên truyền, vừa “rắn mặt” xử lý nợ đọng.
Chặn trục lợi từ đại dịch
Theo ông Đoàn Xuân Toản, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ (Tổng cục Thuế), năm nay, khi dịch COVID-19 bùng phát, ngành thuế đã tập trung rà soát, phân loại những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng lấy lý do dịch bệnh để chây ỳ nợ thuế. Trên cơ sở xác định rõ nguyên nhân nợ thuế, ngành thuế áp dụng biện pháp phù hợp với từng đối tượng để thu nợ.
Việc rà soát, phân loại doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi COVID-19 theo ông Toản, không phải để tìm cách thu hồi nợ đọng, mà quan trọng hơn là tìm các giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Bởi nếu DN ngừng hoạt động, giải thể, đóng cửa, phá sản thì trong tương lai không còn gì để thu.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành thuế đã rà soát 6.300 DN nợ thuế từ 1 tỷ đồng trở lên/doanh nghiệp, với tổng số tiền thuế nợ là 60.800 tỷ đồng. “Trong 6 tháng qua, ngành thuế đã thu hồi được 15.222 tỷ đồng tiền nợ thuế có khả năng thu từ năm 2019 chuyển sang, đạt 44,6% kế hoạch”, vị này cho hay.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm nay có đến gần 80.000 DN gặp khó khăn và hết sức khó khăn, tăng rất mạnh so với cùng kỳ các năm trước. Đây cũng là một phần nguyên nhân mà theo ông Toản đã khiến số nợ thu hồi chưa được như mong muốn.
Lãnh đạo Vụ Quản lý nợ cũng chỉ ra rằng, do cả hệ thống chính trị tập trung vào nhiệm vụ số một là phòng chống COVID-19, nên có không ít DN đang nợ thuế “ăn theo” dịch bệnh, cố tình chây ỳ nợ thuế.
Với trường hợp cố tình chây ỳ, lợi dụng dịch bệnh, ông Toản cho biết cơ quan thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ, nhất là với những trường hợp có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Vì vậy, theo vị lãnh đạo này bên cạnh hỗ trợ, song hành cùng DN vượt qua khó khăn, cơ quan thuế cũng phải “rắn mặt” với những trường hợp cố tình chây ỳ.
“Trong 6 tháng đầu năm, ngành thuế đã ban hành 61.800 quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản; 9.000 quyết định cưỡng chế về hóa đơn; 745 quyết định cưỡng kê biên tài sản, thu tiền tài sản; 14.800 quyết định cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; công khai 76.400 DN chây ỳ, không nộp tiền thuế đúng hạn”, ông Đoàn Xuân Toản cho hay.
Nhiều doanh nghiệp bị phạt chậm nộp
Theo ông Nguyễn Tiến Trường, Cục phó Cục Thuế TP Hà Nội, cuối tháng 6 vừa qua, cục đã phải làm việc với 71 DN nợ thuế, phí và tiền thuê đất với tổng số tiền nợ hơn 4.000 tỷ đồng.
Bên cạnh các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19, một số doanh nghiệp lại lợi dụng dịch để chây ì nợ thuế. (Ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: Tuấn Nguyễn
Đáng chú ý, nhiều DN do nợ kéo dài, dẫn đến số tiền phạt chậm nộp lớn hơn rất nhiều số tiền nợ gốc. Điển hình là Tổng Công ty phát triển Phát thanh Truyền hình thông tin. Theo báo cáo của Cục Thuế Hà Nội, hiện số nợ của DN này lên tới 255 tỷ đồng, trong đó tiền sử dụng đất 34 tỷ đồng, tiền chậm nộp 220 tỷ đồng. Số tiền chậm nộp này gấp 10 lần số nợ gốc, thời gian nợ kéo dài 9 năm.
Theo lãnh đạo Cục Thuế TP Hà Nội, trường hợp trên đã được đơn vị làm việc nhiều lần. Sau mỗi lần làm việc, DN đều cam kết thực hiện nghĩa vụ thuế, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Ông Trường cho hay, nếu DN không thực hiện nộp nợ gốc, thì số nợ này sẽ sinh ra tiền chậm nộp. Vì thế, ngành thuế đề nghị DN thu xếp nộp số tiền sử dụng đất như cam kết.
Giải thích về lý do dẫn đến số nợ thuế trên, đại diện Tổng Công ty phát triển Phát thanh Truyền hình thông tin cho biết, do khó khăn trong bán hàng, cũng như khách hàng gặp khó khăn nên DN chưa thu hồi được nợ đối với các căn hộ đã bán… Vì thế, DN chưa có nguồn để nộp NSNN. Tuy nhiên, đại diện DN này cũng cam kết đến 31/7/2020 DN sẽ nộp số tiền sử dụng đất còn nợ. Còn số tiền chậm nộp, DN sẽ có kế hoạch nộp trong năm 2020 - 2021.
Một trường hợp khác là Cty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long. Công ty này có tổng số tiền nợ thuế 375 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 128 tỷ đồng, tiền phạt do chậm nộp là 242 tỷ đồng. Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sông Đà - Thăng Long giải thích, số tiền nợ trên là tiền thuế giá trị gia tăng, còn tiền sử dụng đất của các dự án bất động sản tại Hà Nội DN đã hoàn thành. “Từ năm 2011 đến nay công ty gặp 2 lần khủng khoảng kinh tế. Hiện công ty đã, đang cơ cấu lại nguồn vốn, tài sản và cam kết từ nay đến cuối năm 2020 sẽ nộp khoảng 50% số tiền nợ thuế vào NSNN”, ông Dũng cho biết.
Từ thực trạng trên, theo ông Đoàn Xuân Toản, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ, từ nay đến cuối năm, lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu vụ cũng như các cục thuế phải: Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế trong việc xử lý nợ đọng thuế; Tập trung chỉ đạo các Cục Thuế đôn đốc thu hồi nợ thuế, thực hiện các biện pháp thu nợ ngay đối với những người nộp thuế đã hết thời gian gia hạn nộp thuế. “Phải phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu nợ được giao năm 2020. Số nợ thuế đến cuối năm 2020 giảm xuống dưới 5% so với số thực thu vào NSNN”, ông Toản khẳng định.
Cần làm rõ động cơ trốn thuế Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, ngành thuế đang chịu rất nhiều áp lực về thu ngân sách năm 2020 do bối cảnh kinh tế hết sức khó khăn từ đại dịch COVID-19, dự kiến vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Chính phủ và Bộ Tài chính đều quán triệt chỉ bàn tiến, không bàn lùi, phải phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ được giao.Hơn nữa, hầu hết các DN đều đang rất khó khăn, nhiều DN đang ở bờ vực phá sản.Ông Doanh cho rằng, Tổng cục Thuế cần lập các đoàn liên ngành để xác minh, làm rõ, đồng thời sử dụng các phương pháp đánh giá rủi ro, phân loại đúng, trúng đối tượng, qua đó đôn đốc, tuyên truyền để họ nộp thuế đúng thời hạn, tránh phát sinh các khoản nợ mới. |
Theo Tuấn Nguyễn/ Tiền phong
https://www.tienphong.vn/kinh-te/te-nuoc-theo-dich-1686355.tpo