"Căn bệnh" của cửa khẩu Tân Thanh là cứ đến mùa nông sản lại "tắc"do bị động từ khâu kiểm duyệt phía Trung Quốc.
Đến hôm qua (22/10), Tân Thanh – cửa khẩu chuyên xuất hàng nông sản của Việt Nam vẫn còn khoảng 400 container, chủ yếu là thanh long bị ùn ứ. Tình trạng này xuất hiện từ ngày 15/10 do lượng hàng thanh long từ các tỉnh phía Nam đổ về cửa khẩu tăng đột biến, trên 250 xe một ngày. Cùng với đó, Trung Quốc tăng cường, kiểm soát chặt ngay từ cổng vào số 1.
Tại cổng này, trước đây một xe container qua không mất quá hai phút. Tuy nhiên, hiện tại, do Trung Quốc lắp camera và kiểm tra toàn bộ xe, hàng hóa, giấy tờ từ cổng này nên tăng thời gian lên 6-7 phút một xe. Vì vậy, gần đây, mỗi ngày chỉ có khoảng 120-150 container hàng xuất qua được cửa khẩu Tân Thanh, giảm 2-3 lần trước đây dẫn đến ùn ứ hàng.
"Doanh nghiệp tôi đang tồn ở đây hơn 100 xe, hàng nông sản tụt giá 15-20 NDT mỗi hộp, mỗi xe tính ra thiệt hại 30-50 triệu đồng một ngày", bà Vũ Thị Nguyệt, Công ty Xuất khẩu nông sản Thanh Hải nói và cho biết, với tình trạng hàng hóa hiện nay, cộng với việc Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hơn, cửa khẩu lại sắp ùn ứ vào vụ dưa hấu sắp tới.
Bà Nguyệt lý giải, với mặt hàng dưa hấu, Trung Quốc yêu cầu tem truy suất nguồn gốc, không cho lót rơm mà phải đóng hộp, in rõ thông tin trên bao bì. Doanh nghiệp Việt Nam hiện chưa đóng hộp dưa hấu được vì vận chuyển từ phía Nam ra nếu không lót rơm sẽ dập nát, hỏng dưa. Tuy nhiên, nếu lên đến cửa khẩu mới dỡ hàng để đóng vào hộp thì sẽ rất mất thời gian, tốn kém chi phí, cơ sở hạ tầng kho bãi chưa đáp ứng được...
Theo bà Nguyệt, cuối vụ dưa trước, doanh nghiệp đã thử xuất một số container dưa sang Trung Quốc nhưng đều bị trả lại vì chưa đúng chuẩn.
Xe chở nông sản nằm chờ ở cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: Anh Tú
Tại buổi làm việc của Bộ Công Thương tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn về tình trạng ùn ứ hàng trăm container thanh long hôm qua, ông Nguyễn Quốc Hải, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, hệ thống kho bãi của Lạng Sơn được đánh giá tốt, đảm bảo hơn so với các cửa khẩu khác tại tuyến biên giới phía Bắc. Ông cho rằng, doanh nghiệp phải thay đổi để đáp ứng với yêu cầu ngày càng đi lên của thị trường.
"Không thể sản xuất ra quả dưa hấu không đảm bảo tiêu chuẩn mà kêu bên đó họ làm chặt được. Người ta cần quả dưa hấu như thế nào, chất lượng, tem nhãn ra sao thì doanh nghiệp phải đáp ứng", Phó giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn nói. Ông cho rằng, doanh nghiệp có thể lót rơm ra để vận chuyển rồi đến Lạng Sơn đóng hộp, dán tem nhãn để đưa xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ông Hải cũng đề nghị, các ban ngành địa phương trồng nông sản, khuyến cáo tới các doanh nghiệp, thương nhân cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật tình hình những yêu cầu của thị trường xuất khẩu, như về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng...
Trước tình trạng trên, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực trao đổi, làm việc với phía Trung Quốc đề nghị đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, không kiểm tra tại cổng cửa khẩu. Đồng thời, tỉnh đã đề nghị cơ quan hải quan Trung Quốc kéo dài thời gian làm thủ tục đến 19h30 trong vài ngày gần đến và đang đàm phán nới đến 21 giờ để giải quyết dứt điểm tình trạng ùn ứ.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các cơ quan chức năng Lạng Sơn cần tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đưa hàng ra cửa khẩu và xuất khẩu. Ngoài ra, cần phối hợp chỉ đạo điều tiết hợp lý lượng hàng hóa lên các cửa khẩu để tránh ùn tắc, bị ép giá, hư hỏng hàng hóa...
"Nếu lượng hàng lớn có thể chia sẻ qua các cửa khẩu khác cũng sẽ giảm được tình trạng ùn ứ này. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành thống nhất với Trung Quốc cho phép nhập khẩu các mặt hàng nông sản qua các cửa khẩu khác của Lạng Sơn như: Chi Ma, Na Hình, Bình Nghi...để tăng khả năng thông quan cho nông sản", ông Hải nói. Ông lưu ý tỉnh Lạng Sơn cũng có thể đề xuất với phía bạn trong các buổi làm việc, hội đàm hai bên.
Theo Anh Tú/VnExpress