Sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch đạt gần 50 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam đã trở thành một kênh huy động vốn.
Các yếu tố trở ngại lớn nhất của thị trường M&A Việt Nam (mua bán, sáp nhập doanh nghiệp) là tỷ lệ sở hữu cổ phần Nhà nước đang quá lớn (85%), báo cáo tài chính & công bố thông tin chưa minh bạch (80%), định giá quá cao (76%) và thời gian thực hiện thương vụ quá dài (75%). Các yếu tố khác lần lượt là: Yếu tố văn hóa và sự thay đổi, không có nhiều cơ hội chất lượng, khó tiếp cận doanh nghiệp, yếu tố ngoại ngữ.
Khởi sắc của dòng vốn từ Hàn Quốc
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 10 năm qua, hoạt động M&A đã phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô thương vụ, trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần làm đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hoạt động M&A cũng đã góp phần nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Có thể nói sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt gần 50 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội mới. Dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD, bằng 88,16% so với 2018. Các lĩnh vực sôi động nhất trong giai đoạn 2018-2019 tập trung vào khai thác thị trường hơn 96 triệu dân của Việt Nam bao gồm sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Các thương vụ đáng chú ý cũng tập trung trong ngành tài chính tiêu dùng, bán lẻ, thủy sản, logistic, giáo dục…
M&A, cơ hội để phát triển doanh nghiệp.
Theo các thống kê chưa đầy đủ, ước tính tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 5,43 tỷ USD, trong đó bao gồm gần 2,8 tỷ USD từ các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam và khoảng 2,64 tỷ USD nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam. Đáng chú ý nhất là thương vụ KEB HANA Bank chi 885 triệu USD mua 15% cổ phần Ngân hàng BIDV ngày 22/7. Đây là thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam. Ngoài ra, có 2 thương vụ thoái vốn đáng chú ý là An Quý Hưng - Vinaconex, thương vụ lớn nhất trong diện nhà nước thoái vốn và Saigon Coop - Auchan, thương vụ một doanh nghiệp Việt Nam mua lại chuỗi siêu thị do nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn và rút khỏi thị trường Việt Nam.
Nếu như 2017 là năm của Thái Lan, thì năm 2018 đánh dấu sự khởi sắc của dòng vốn từ Hàn Quốc với những thương vụ đầu tư lớn. Khối ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Singapore, Hong Kong, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam. Nổi bật là thương vụ các nhà đầu tư Hàn Quốc (SK Group, Hanwha), Vingroup (tổng giá trị thương vụ liên quan đến Vingroup, cả vai trò bên mua và vai trò bên bán lên đến 2,41 tỷ USD, chiếm 25,64% tổng giá trị M&A giai đoạn 7/2018 -7/2019).
Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập báo Đầu tư, Trưởng ban tổ chức diễn đàn M&A Việt Nam 2019 khẳng định, thương vụ tỷ USD giữa SK Group đến từ Hàn Quốc và Vingroup mới đây không chỉ là động lực thúc đẩy thị trường M&A bước sang một giai đoạn mới, mà còn được kỳ vọng sẽ là “điểm tựa”, sức bật để khối doanh nghiệp nhà nước, khối doanh nghiệp tư nhân tiếp tục thực hiện các thương vụ M&A hiệu quả cao, quy mô lớn.
Thông tin chưa minh bạch
Tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn trong giai đoạn 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 dù có những nỗ lực và kết quả nhất định nhưng có dấu hiệu chững lại. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam chỉ đạt 1,9 tỷ (bằng 53% cùng kỳ năm 2018, 3,55 tỷ USD).
Xét về quy mô thương vụ, thị trường Việt Nam vẫn chủ yếu là các giao dịch nhỏ với quy mô 5 - 6 triệu USD (tương đương 100 - 120 tỷ VND), các giao dịch quy mô nhỏ chiếm tới trên 90% về số lượng thương vụ. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò quan trọng với các thương vụ quy mô vừa và lớn từ 20 - 100 triệu USD. Năm 2018, giá trị thương vụ do nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò bên mua chiếm tới 88,2%, trong khi nhà đầu tư trong nước chỉ ở mức 11,8%.
Cơ hội vẫn được đánh giá là nhiều tại Việt Nam, tuy vậy thách thức và những khó khăn cũng còn không ít. Bên cạnh nguyên nhân khách quan như diễn biến phức tạp về kinh tế, chính trị, thương mại của khu vực và thế giới thì các nguyên nhân chủ quan vẫn là nguyên nhân chính.
Theo kết quả khảo sát của Nhóm nghiên cứu MAF và Trung tâm CMAC, 8/8 yếu tố trở ngại liên quan đến nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, 6/8 yếu tố này liên quan đến khu vực doanh nghiệp tư nhân. Điều này cũng làm cho các nhà hoạch định và thực thi chính sách, các nhà quản lý doanh nghiệp, các chủ doanh nghiệp Việt Nam cần suy nghĩ và tìm giải pháp để giải phóng các rào cản này.
Để thị trường đạt một tầm cao mới thì vẫn cần chờ đợi những thương vụ lớn, cũng như chờ đợi các động thái mạnh mẽ hơn của Chính phủ và các doanh nghiệp. Song để thị trường bứt phá đòi hỏi Chính phủ và các bên liên quan phải có sự quyết tâm và thay đổi mạnh mẽ nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư - kinh doanh, khơi thông dòng vốn chảy trong nước và quốc tế vào lĩnh vực M&A.
Ngoài ra, vẫn còn những thách thức phải đối mặt đến từ các yếu tố khách quan cũng như nội tại nền kinh tế Việt Nam. Đó là sự thay đổi chính sách thương mại quốc tế của Mỹ, Trung Quốc. Hay các trở ngại từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn, những rào cản chính sách còn chưa được khơi thông của nền kinh tế Việt Nam.
Hệ thống pháp lý và thực thi liên quan đến đầu tư và M&A cần được hoàn thiện và tháo dỡ các rào cản cũng như các vấn đề về giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư, vấn đề quy hoạch, vấn đề thuế cho các giao dịch M&A. Các doanh nghiệp Việt Nam - cả nhà nước cổ phần hóa và doanh nghiệp tư nhân cần minh bạch hơn về thông tin doanh nghiệp và thông tin tài chính để nhà đầu tư có thể tiếp cận thông tin nhằm ra quyết định đầu tư./.
Theo Ánh Phương/Báo TNVN