Ngân hàng Nhà nước tiếp tục trình cấp thẩm quyền tăng vốn cho Agribank trong khi BIDV, Vietcombank và VietinBank thì đang chờ Bộ Tài chính xem xét. 15 ngân hàng TMCP cũng được chấp thuận tăng vốn.
Tại báo cáo vừa gửi tới Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian qua đã chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại Nhà nước triển khai các phương án bổ sung vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính.
Cụ thể, Agribank đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ.
Còn VietinBank đã chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 10.824 tỷ đồng sau khi được phê duyệt phương án. Vietcombank đã được phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận còn lại năm 2019, tổng vốn điều lệ tăng thêm là 10.237 tỷ đồng.
BIDV được phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước thông qua chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2018-2020, tổng số vốn điều lệ tăng thêm là 10.365 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Với việc tăng vốn điều lệ của BIDV, Vietcombank, VietinBank, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến về việc phân phối lợi nhuận năm 2021 để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng.
Đến cuối tháng 7, vốn điều lệ của nhóm Big 4 (4 ngân hàng thương mại Nhà nước lớn nhất) đạt 180.300 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 7,06 triệu tỷ đồng. Huy động vốn thị trường 1 đạt 5,6 triệu tỷ đồng, trong khi đó dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 5,1 triệu tỷ đồng.
Năm 2022, 15 ngân hàng thương mại cổ phần cũng được chấp thuận tăng vốn. Trong đó, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).
Đến cuối tháng 7 năm nay, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần đạt 416.900 tỷ đồng; tổng tài sản đạt gần 7,5 triệu tỷ đồng. Huy động vốn thị trường 1 đạt 5,5 triệu tỷ đồng; dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 4,7 triệu tỷ đồng.
Đối với các ngân hàng yếu kém, các ngân hàng mua bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước đã và đang chỉ đạo các ngân hàng này khẩn trương hoàn thiện phương án cơ cấu lại, đồng thời tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến hết tháng 7 là 1,7% (Ảnh: Tiến Tuấn).
Bên cạnh đó, về nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ năm 2012 đến cuối tháng 7 vừa qua, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 1,4 triệu tỷ đồng nợ xấu; riêng 7 tháng năm nay xử lý được khoảng 88.100 tỷ đồng nợ xấu.
Trong đó, tổ chức tín dụng tự xử lý ở mức cao (chiếm 82,6% trong tổng nợ xấu được xử lý). Việc tự xử lý nợ xấu chủ yếu thực hiện thông qua hình thức sử dụng dự phòng rủi ro và khách hàng trả nợ. Riêng xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/7/2022, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 399.700 tỷ đồng nợ xấu.
Đến cuối tháng 7, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,7%; tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng là 5,41% (cuối năm 2021 là 6,3%).
Theo Thảo Thu/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/phuong-an-tang-von-cho-4-ong-lon-agribank-bidv-vietcombank-vietinbank-20220930193401622.htm